23/12/2024

Người nuôi, thương lái truy xuất để đối phó

Người nuôi, thương lái truy xuất để đối phó

TP.HCM đã nhiều năm áp dụng quy trình truy xuất nguồn gốc để kiểm soát thịt heo, thịt gia cầm, trứng, các sản phẩm nông sản. Tuy nhiên, đến nay việc truy xuất này vẫn chưa làm người dân thật sự yên tâm.

 

 

 

Người nuôi, thương lái truy xuất để đối phó - Ảnh 1.

Cơ sở giết mổ bò tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai vừa bị xử phạt về hành vi giết mổ không phép – Ảnh: A LỘC

Năm 2017, TP.HCM là một trong những địa phương đi tiên phong, rầm rộ về việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đặc biệt là thịt heo. Tuy nhiên đến nay, phần lớn người tiêu dùng không mấy quan tâm đến việc này khi cho rằng việc truy xuất trong thời gian qua không đạt hiệu quả và chưa loại bỏ thực phẩm bẩn.

Không mấy người quan tâm

Sáng 7-11, theo quan sát tại một siêu thị tại đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh), gần như người dân khi mua hàng chỉ quan tâm đến độ tươi, ngon của thực phẩm và thông tin ghi trên sản phẩm như thương hiệu, giá cả…, chứ không còn nhớ đến việc dán tem và truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm. 

Lựa mua hàng tại siêu thị này, bà Hồ Thị Thủy cho biết vẫn tạm tin hàng trong siêu thị là có nguồn gốc rõ ràng, sạch sẽ nên đi mua, chứ chẳng mấy khi để ý truy xuất nguồn gốc. “Có một vài sản phẩm rau củ, thịt có dán mã QR để quét nhưng người lớn tuổi như chúng tôi đâu có xài được điện thoại thông minh, không phải ai cũng biết cách dùng và cũng tốn thời gian nên thôi”, bà Thủy nói.

Tương tự, tại nhiều siêu thị, cửa hàng bán thực phẩm ở TP.HCM, các sản phẩm hữu cơ được bố trí khu vực riêng, bao bì có thông tin, mã QR và có giá cao hơn so với các sản phẩm khác. Tuy vậy, không nhiều người tin tưởng vào tem truy xuất này.

Theo chị Nguyễn Thị Minh (quận Bình Thạnh), gọi là tem truy xuất nguồn gốc nhưng thật ra khi quét thử mã QR trên bao bì một sản phẩm rau xanh, thông tin hiện ra chủ yếu là về nhà cung cấp, đơn vị nhập hàng. Còn lại gần như không có thông tin gì về quy trình chăm sóc, sản xuất của các loại rau.

“Tem truy xuất nguồn gốc được dán trên các sản phẩm chưa thật sự đúng nghĩa là giúp người tiêu dùng biết hết những thông tin cần thiết, vẫn còn tính chất nửa vời nên khó thuyết phục được người tiêu dùng đặt niềm tin”, bà Minh nhận định.

Nhận xét về mặt hàng thịt heo, ông Đoàn Văn Thanh (quận 12) thừa nhận thịt heo được truy xuất tại chợ đầu mối phần nào giúp người tiêu dùng an tâm hơn. Nhưng thực tế người dân vẫn gần như không biết được thông tin. Bởi theo ông Thanh, thịt heo mua lẻ ngoài chợ đã được cắt miếng nên không thể truy xuất được chúng có nguồn gốc từ đâu.

Cũng theo ông Thanh, ngay cả tem truy xuất có đầy đủ thông tin đi chăng nữa thì ai đảm bảo sản phẩm đó là thông tin đúng, là hàng sạch, hàng an toàn? 

“Chúng tôi quan tâm hàng đó đến từ đâu, nhưng cái cần nhất là thông tin quy trình sản xuất như thế nào, sản phẩm đó an toàn hay không lại không có. Còn nếu sản phẩm mà bị trà trộn sạch – bẩn lẫn lộn hoặc làm kiểu hình thức, truy xuất được nhưng hàng kém chất lượng thì cũng như không”, ông Thanh nói.

Người nuôi, thương lái truy xuất để đối phó - Ảnh 2.

Một trang trại chăn nuôi heo hơn 1.000 con ở xã Bình An, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi Ảnh: THẢO THƯƠNG

Quy trình chưa hoàn hảo

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 7-11, ông Nguyễn Văn Thắng – phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai – cho biết Đồng Nai là địa phương có nguồn cung thực phẩm lớn cho TP.HCM, đặc biệt heo và gà. 

Do đó, tỉnh đang cố gắng để duy trì và mở rộng hoạt động truy xuất nguồn gốc được liên kết với TP.HCM. Tuy vậy, ông Thắng thừa nhận địa phương cũng đang gặp những khó khăn khi tham gia đề án này như nhân lực không đủ, nhiều người nuôi không mặn mà tham gia vì phát sinh thêm chi phí, thương lái và cơ sở giết mổ nhiều thời điểm than khó.

Còn theo đại diện Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, năm 2021 ước sản lượng sản phẩm cung ứng từ Đồng Nai vào TP.HCM cụ thể 942.246 con heo; gần 11,7 triệu con gà; hơn 13.800 con bò; trên 121.500 tấn rau các loại. 

Về đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gà của TP.HCM, cơ quan này cho biết toàn tỉnh có 963 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn đăng ký tham gia đề án, với số lượng hơn 6,4 triệu con heo thịt được đeo vòng nhận diện để truy xuất nguồn gốc. 

Có 20 cơ sở giết mổ đăng ký tham gia đề án, với số lượng hơn 800.000 con heo thịt/năm được đeo vòng nhận diện để truy xuất nguồn gốc. Đối với truy xuất thịt gà, có 172 cơ sở chăn nuôi đăng ký tham gia đề án, với số lượng hơn 64,6 triệu con gà thịt được truy xuất nguồn gốc. Có bảy cơ sở giết mổ đăng ký tham gia đề án, với số lượng hơn 21 triệu con gà thịt được truy xuất nguồn gốc.

Tương tự, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Long An xác nhận dù tỉnh đã tham gia việc truy xuất nguồn gốc nhiều năm nay nhưng do đề án này nhiều khâu đòi hỏi cá nhân tham gia phải rành kỹ thuật và khiến thương lái chịu thêm chi phí (tiền vòng đeo)… Do đó vẫn còn tình trạng người nuôi, thương lái tham gia với tâm lý đối phó, khó đảm bảo thông tin truy xuất chính xác tuyệt đối.

Ông Nguyễn Hữu Thắng, một hộ nuôi heo quy mô lớn ở Vĩnh Cửu (Đồng Nai), cho rằng việc truy xuất giúp cải thiện chất lượng chăn nuôi. Tuy nhiên, vẫn có những tình trạng như khi thương lái tốn tiền vòng (mỗi con hai vòng truy xuất – 6.000 đồng) nên tìm cách ép giá lại người nuôi. 

Ngoài ra, theo quy định, mỗi trại nuôi được cấp một mã số khi tham gia đề án truy xuất nhưng vẫn có trường hợp thương lái phải gom heo từ nhiều trại để đủ chuyến hàng nên nguồn gốc lộn xộn. Với tình trạng này, theo thông tin truy xuất là heo của một trại nhưng thực chất heo là của nhiều trại nên khi có vấn đề, việc truy xuất sẽ gặp khó, nhiều trại heo có thể bị oan.

 

Mở rộng thông tin được truy xuất

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam – cho rằng áp dụng truy xuất nguồn gốc giúp kiểm soát tốt hơn chất lượng thực phẩm.

Tuy nhiên, hiện nay thông tin truy xuất của chúng ta còn khá sơ sài, những thông tin quan trọng như về quy trình chăn nuôi, sản xuất lại gần như không có. Bên cạnh đó, phạm vi áp dụng còn manh mún, gần như chỉ TP.HCM áp dụng truy xuất đối với thịt heo ở các chợ đầu mối dẫn đến việc kiểm soát chất lượng, thông tin thực phẩm còn khó.

“Cần phải tăng cường liên kết hơn nữa, từ nông dân, thương lái, phân phối… phải có các thông tin về nhau và áp dụng chuẩn chung về truy xuất, chất lượng. TP.HCM cần xem xét bắt buộc sản phẩm bán ra trên thị trường, kể cả chợ truyền thống, phải có bao bì để dễ áp dụng được truy xuất nguồn gốc”, ông Nghĩa đề xuất.

N.TRÍ
TTO