17 năm tình nguyện vá đường
17 năm tình nguyện vá đường
Chàng trai 38 tuổi Trần Minh Trung ấy vẫn giữ lời hứa với tôi từ lần gặp gỡ đầu tiên gần 20 năm trước: chưa lấy vợ chừng nào đường xấu hãy còn.
Lần hạnh ngộ vừa qua, tôi thấy Trung có mập hơn một tí, ánh mắt vẫn toát lên vẻ nhân hậu và tinh anh như ngày nào.
Cù lao xanh in dấu ấn những chàng trai trẻ
Tôi phóng xe trên mọi nẻo đường nhựa láng o của cù lao Tân Lộc, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ, vào một sáng cuối tuần mùa thu mà cứ tưởng như đang lướt trên dải lụa mềm mại, uốn quanh co dưới tán cây ăn trái sum suê. Các con đường nhựa đen nhánh vẫn còn hằn in dấu vết mà Trung và đội vá đường tình nguyện đã kỳ công dặm vá từ hàng chục năm trước.
Ông Bùi Văn Hai, 97 tuổi, một người dân sinh sống gần cả đời người trên cù lao rộng lớn, tươi xanh như hòn ngọc bích khổng lồ giữa lòng sông Hậu mênh mang này, cứ gõ gõ cây gậy gỗ vào một chỗ in hình vết vá trên con đường nhựa chính của phường Tân Lộc phẳng phiu, vui tươi nói với tôi: “Phải có đến hàng chục nghìn vết vá như thế này trên mọi cung đường của cù lao xanh tươi bất tận này, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn và tránh được biết bao tai nạn thương tâm mà trước đây vẫn thường xẩy ra như cơm bữa vậy”. Bà con và Mạnh thường quân cấp vật liệu còn Trung và đội vá đường miễn phí.
Trần Minh Trung đang là nhân vật yêu thích của các đài truyền hình trong khu vực. Hôm gặp Trung mới đây, anh khoe vừa được đài truyền hình Cần Thơ và Cà Mau đến quay phóng sự. Trung cao hơn một mét bảy, dáng dong dỏng cao, đốn tim biết bao thiếu nữ xứ cù lao.
Căn nhà riêng nhỏ xinh của Trung bắc trên bờ mương đối diện nhà ba mẹ anh, được dựng nên độ 7 năm trước chỉ với hơn chục triệu đồng từ tiền thưởng cho những hành động từ thiện của anh – chạm đến trái tim của bao người, vừa được sửa chữa với tổng số tiền 70 triệu đồng, do một nhà doanh nghiệp ở Tân Lộc tài trợ.
Chạy xe máy chầm chậm, song song với chúng tôi, Trung đằm giọng: “Khởi sự cho việc vá đường này là khi tôi tận thấy một cụ già 87 tuổi bị vấp ổ gà, ngã gãy chân tay và chấn thương sọ não, dẫn tới bị liệt nửa người, trên cù lao hơn 17 năm trước. Giờ, con cháu cụ hay gặp tôi than rằng nếu tôi dặm vá đường sớm hơn một chút thì cha, ông họ đâu gặp họa như thế này!”. Giờ, Trung và đội vá đường ra thêm hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp.
Trung kể hồi đầu, anh vá đường một mình bằng xi măng sau đổi sang vá bằng nhựa đường tốt hơn. Thấy Trung cần mẫn dặm, vá đường ngày này qua ngày khác, thanh niên trên cù lao cảm phục sát đất và rối rít xin gia nhập đội, có khi lên đến 50 người, được duy trì suốt 17 năm qua. Người cao tuổi nhất đội hiện thời là ông Nguyễn Văn Năm, gần 90 tuổi. Trung không muốn cho cụ vào đội do tuổi cao, nhưng phải xiêu lòng trước sự quyết tâm cao của ông Năm. Còn ông Út, 89 tuổi, ở cạnh nhà Trung, cũng luôn đòi gia nhập đội, nhưng Trung chưa chịu nhận vì sức khỏe của cụ yếu, lại mang nhiều bệnh. Ngoài vá đường, Trung và đội còn nong rộng hơn 60 cây cầu lớn nhỏ ở Tân Lộc.
Trước đây, Trung vá đường ngày một buổi, một buổi đi làm mướn nuôi cha mẹ già trong một gia đình 4 anh em trai, đã có gia đình, ở riêng. Trung ở với cha mẹ già gần 70 tuổi. Bây giờ thì Trung vá đường, sửa cầu suốt ngày. Nguồn sống của ba cha con mẹ con Trung là tiệm tạp hóa mới mở ra tại nhà mấy năm nay, rất được nhiều bà con lối xóm rủ nhau mua ủng hộ.
Bằng khen, giấy khen… rợp nhà!
Trong căn nhà riêng thưng bằng tôn bốn bề của Trung, rộng khoảng 40m vuông, treo khoảng 100 bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương… trong đó có bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và của Chủ tịch nước trong vài năm qua.
Những bằng chứng nhận danh hiệu “Hiệp sĩ giao thông” mà anh rất yêu quý TGCC |
Nhiều bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương đã úa vàng màu thời gian, nhưng cái tên Trần Minh Trung vẫn ngời sáng trong những khung gỗ quý đóng khung của những lời ghi tặng thành tích tình nguyện đáng nể phục này.
Trung bảo tôi đi sửa đường về, cả đội vá đường miễn phí của anh thường nằm nghỉ trong nhà, chuyện trò râm ran. Ngước mắt trông lên những tấm bằng khen, giấy khen này, Trung và cả đội thấy bao mệt mỏi bỗng chốc tan biến, chỉ còn dòng máu quyết tâm nóng hôi hổi, giúp họ vượt qua mọi khó khăn, mệt nhọc. Trung chỉ tôi xem những bằng chứng nhận danh hiệu “Hiệp sĩ giao thông” mà anh rất yêu quý! Từ khi được trao danh hiệu này, trong phường Tân Lộc, đi đâu người ta cũng kháo nhau về công việc nghĩa hiệp và lòng thương người bao la của Minh Trung và gọi anh là “hiệp sĩ”.
Những bằng khen, giấy khen kể trên giúp cho Trung rất nhiều trong công việc sửa đường tuy bình dị mà rất cao quý này. Không ít Mạnh thường quân trong phường và nhiều nơi khác đến, như bị thôi miên bởi những chứng nhận của Trung. Ngay sau đó, những khoản tiền thưởng, tiền tài trợ đã được trao ngay trong nhà của Minh Trung…
Đường hết xấu mới… cưới vợ
Ngồi với tôi bên căn nhà tôn làm bằng tiền thưởng của các ngành, các cấp, bà Ba Huy mẹ Trung khẽ thở dài:“Mong ước lớn nhất của tui là thằng Trung con út mau lập gia đình sau khi cả 3 anh đều yên bề gia thất. Nhưng nó có chịu đâu dù có ít nhất 3 gia đình con gái đã chủ động mở lời chuyện tình duyên trước, thậm chí có người ở nước ngoài đọc báo biết Trung, đã về nước… cầu hôn, nhưng Trung chỉ lắc đầu. 38 tuổi rồi, có trẻ trung gì nữa đâu hả chú?”. Minh Trung lo việc cáng đáng tình nguyện sửa đường đến nỗi đám giỗ bà ngoại cũng không dự được, vì sợ làm chậm tiến độ sửa đường.
Trong 4 người con trai, bà Ba Huy bảo Trung là người con có hiếu nhất của bà, từ nhỏ đã biết lo toan việc nhà lớn nhỏ cho cha mẹ. Sáng nào cũng vậy, đúng 5h sáng, Trung dậy chuẩn bị xe, dụng cụ… để đi vá đường, đến 13, 14 giờ mới về nhà. Buổi chiều, Trung chạy xe máy đi tìm ổ gà, ổ voi để có công việc cho buối sáng ngày mai. Lịch trình này lặp đi lặp lại hàng chục năm qua.
Trung sợ có vợ sẽ không còn làm công việc vá đường thiện nguyện mà anh đã tự đặt quyết tâm theo đuổi suốt cả thời trai trẻ nên anh vẫn lẻ bóng dù bạn bè anh có người đã có cháu. Vậy nên, cả thời thanh xuân tươi đẹp nhất của đời người của Trung cứ lặng lẽ trôi đi; anh chưa từng có bạn gái, lúc nào cũng chỉ gặp gỡ bạn bè để tính chuyện vá đường, sửa cầu… là hết thời gian trong ngày.
Thời gian gần đây, do quá lao lực và không chịu nghe lời mẹ đi khám vì sợ tốn tiền (để lo vá đường), Trung bị đau lưng nặng và đau bao tử, ngứa khắp người, cao huyết áp… Trung còn từ chối đi khám tổng quát. Anh nói vui mà thật với mẹ và mọi người xung quanh: “Chừng nào con chết thì chết chứ có việc gì mà lo! Cha mẹ còn khỏe mà! Cố lên!”.
Cả ngày đi sửa đường, tối về, Trung ở nhà riêng, để có không gian yên tĩnh niệm Phật và suy nghĩ, làm sao để công việc vá đường ngày một hiệu quả hơn. Minh Trung ăn chay trường gần 20 năm, cũng một phần là để tiết kiệm tiền để lo dặm vá đường. Anh hầu như không sắm sanh gì cho mình trong hàng chục năm thời trai trẻ đã và đang qua.
Trông việc Trung làm và lời anh nói, chẳng ai nghĩ được rằng anh mới học đến lớp 6 trường làng, đang được vô vàn người yêu mến ở xứ gạo trắng, nước trong này. Trung tâm sự với tôi trước khi chia tay để đi vá đường: “Tôi học từ cuộc sống được rất nhiều thứ, không chỉ có việc vá đường, sửa cầu đâu anh. Đó là bài học về sự bao dung, sống hết mình, dâng hiến cả thời thanh xuân tươi đẹp của đời người cho những người bất hạnh, yếu thế ở xung quanh. Cuộc sống này sẽ đẹp đẽ biết bao khi có nhiều tấm lòng thiện nguyện cho cộng đồng vì một ngày mai tươi sáng, ấm áp hơn”.
TRẦN ĐÌNH PHƯỢNG
TNO