Một ông chủ quán làm thay đổi nhiều số phận

Một ông chủ quán làm thay đổi nhiều số phận

Ở tuổi 66, từng chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh; thế mà ông Lâm Kim Hùng, chủ quán bún bò 199 trên đường Hà Huy Giáp, TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) vẫn không nén nổi xúc động khi xem trên YouTube câu chuyện một học sinh không tay bẩm sinh, tự làm mọi việc bằng chân.

 

 

Cưới vợ cho… “chim cánh cụt”

Ông Chín Hùng kể: “Tôi xem mà xúc động và thắc mắc: nó làm sao sinh hoạt, làm sao mà một năm học xong chương trình hai lớp, lại còn được học sinh giỏi? Xem mà tôi khóc và quyết tâm tìm bằng được cậu bé ấy”.

Một ông chủ quán làm thay đổi nhiều số phận - ảnh 1
Ông Chín Hùng bên quầy bếp quán bún bò

Hôm sau, ông chủ quán cho người đi tìm “cậu bé… chim cánh cụt”. Biết được “nhân vật” làm cho ông rơi nước mắt đã tốt nghiệp trường Đại học An Giang, đang làm việc ở Bình Dương, ông nhờ đăng tin tìm kiếm. 3 ngày sau, ông nhận được cuộc gọi của người mà ông muốn gặp.

Lập tức, ông Chín Hùng qua Bình Dương tìm đến nhà trọ của “cậu bé chim cánh cụt” Nguyễn Minh Trí. Ông cho biết : “Thằng Trí là đứa đầu tiên tui chủ động đi tìm. Từ trước đến nay tôi chỉ giúp những đứa có tay có chân nhưng khi biết nó là đứa không có cả hai tay từ khi lọt lòng nhưng đã cố gắng ăn học tử tế, tôi quyết tâm phải tìm nó cho bằng được”.

Qua tìm hiểu, ông chủ quán 199 rất mừng vì chàng trai 28 tuổi ông nhận đỡ đầu hiện đang ổn định trong công việc; nhưng chuyện lập gia đình lại đang trắc trở. Bên nhà gái không muốn gả con cho người tàn tật. Và chàng nhân viên công nghệ thông tin này cũng chưa để dành đủ tiền cưới vợ – cô bạn gái nhỏ hơn Trí 3 tuổi hiện là cô giáo mầm non cùng quê An Giang đã quen nhau đến 6 năm. Cô gái này từng thổ lộ với bậc sinh thành: “Con thương anh Trí thật lòng. Con không muốn bất hiếu, cãi lời cha mẹ, nhưng cũng chẳng thể phụ anh ấy. Nếu cha mẹ không chấp nhận, con sẽ ở vậy cả đời không yêu ai”.

Xúc động trước hoàn cảnh của Trí, ông Chín Hùng hứa sẽ lo mọi việc. Và ông về tận vùng quê Thạnh Mỹ Tây thuộc huyện Châu Phú (tỉnh An Giang ) để gặp gỡ hai gia đình, đặc biệt là thuyết phục bên đàng gái thuận tình tác hợp nhân duyên cho… “đôi đũa lệch” và ông đứng ra lo toàn bộ chi phí cho việc tổ chức đám cưới, kể cả sính lễ.

Thế là, đám cưới khá linh đình được diễn ra có đến 41 bàn tiệc theo phong tục vùng đạo Hòa Hảo, đặc biệt là màn biểu diễn khui rượu sâm banh bằng chân của chú rể. Được mời đại diện cho nhà trai phát biểu, ông Chín Hùng trong bộ áo dài khăn đóng màu đỏ xúc động nói: “Tôi chỉ là ba đỡ đầu của chú rể thôi. Đây là đám cưới mà tôi mong chờ được bởi vì tôi thương thằng Trí quá!”.

Còn chú rể “chim cánh cụt” thổ lộ: “Đã hơn một tuần sau đám cưới nhưng cứ mỗi sáng thức dậy, mình vẫn ngỡ mình đang mơ. Nếu không có ba nuôi, không biết lúc nào tụi mình mới về chung nhà!”

Một ông chủ quán làm thay đổi nhiều số phận - ảnh 2
Ông Chín Hùng làm chủ hôn cưới vợ cho con nuôi Nguyễn Minh Trí   TGCC

Ngoài chi phí trên 100 triệu đồng cho đám cưới của Nguyễn Minh Trí, ông chủ quán bún bò 199 còn hứa sau này sẽ chu cấp tiền học cho con cái của hai người.

 

Nâng đỡ, chắp cánh ước mơ

Trí chỉ là một trong số 78 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được ông Lâm Kim Hùng nhận đỡ đầu và giúp đỡ, kể từ năm 2001 với người con nuôi đầu tiên là Nguyễn Tấn Hưng, sinh viên trường Công nghệ Kỹ thuật hoá tìm đến quán xin làm thêm. Biết Hưng quê Tây Ninh, cha mất sớm, mẹ bỏ đi, 3 anh em sống với bà nội, ông Chín Hùng cho Hưng được ăn ở trong nhà, hỗ trợ tiền học và còn trả thêm tiền công phụ quán. Năm sau Hưng đưa em trai lên học cùng trường. Cả hai sống gần 10 năm trong quán bún bò và cho rằng: “Ba trở thành người thân của anh em tôi, đám cưới tôi và đám tang bà nội tôi, ba đều có mặt cả”.

Ngoài Nguyễn Minh Trí, ông Chín Hùng còn nhận một “chim cánh cụt” nữa làm con nuôi là Hồ Hữu Hạnh, sinh năm 2000, quê ở Gia Canh, huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai), học trường Đại học Lạc Hồng. Chàng sinh viên không tay cho rằng: “Em gặp được ba nuôi cũng như một cái duyên. Em thấy mình rất may mắn vì ba em là người rất nhân từ, chiều em. Ba sợ một mình em không tự lái xe đi học được nên nuôi thêm một người bạn đến ở phụ em”.

Chủ một quán bún bò ngon có tiếng ở Biên Hoà, nhưng lại ăn chay trường và vẫn còn độc thân này thường hay đọc báo, tìm đến những người trẻ có hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ. Biết chuyện Hồ Hữu Hoàng, sinh năm 1996 ở Nghệ An cha mất do đá nổ, mẹ đi lao động xuất khẩu, em gái bị đuối nước chết, Hoàng bán cá mưu sinh, vẫn học giỏi; ông Chín Hùng gửi hỗ trợ cho cậu học trò lớp 9 này mỗi tháng 1 triệu đồng. Khi em lên lớp 10, ông Hùng mua cho máy vi tính và xe đạp để đi học. Nay cậu học trò bán cá Hồ Hữu Hoàng đang là học viên quân sự ở Liên bang Nga.

Nung nấu giấc mơ sang Nhật du học, Trương Thế Lịch vừa lấy bằng cử nhân ngành Tâm lý giáo dục không về quê ăn Tết mà đến quán bún bò làm thêm. Biết được hoài bảo của chàng trai, ông Hùng đề nghị được tài trợ tiền học tiếng Nhật và chi phí bước đầu cho Lịch đi du học. Bất ngờ và xúc động trước thiện ý của một người dưng, mới vừa biết nhau chỉ hơn một tháng, Lịch xin được ông Hùng nhận làm con nuôi và đổi họ tên thành Lâm Thế Trường.

Lịch đi học tiếng Nhật và 6 tháng sau lên đường du học. Chi phí cho việc này tốn hơn 200 triệu đồng, ông Chín Hùng nói tỉnh rụi: “Một sinh viên không về quê ăn Tết mà ở lại làm thêm, kiếm từng đồng để được đi du học thì còn lý do gì hơn nữa mà tôi không giúp đỡ. Chờ nó bưng bún phụ quán thì biết lúc nào mới đủ tiền”.

Mới đây ông Hùng nhận liên tiếp điện thoại của 5 sinh viên nghèo xin được giúp tiền mua laptop để đi thi. Qua tìm hiểu từng hoàn cảnh, tháng 7 vừa rồi ông lại nhận đỡ đầu cho Nguyễn Công Phúc ở Gia Lai. Vừa cấp tiền đóng học phí và mua máy vi tính cho Phúc chưa được bao lâu, thì bất ngờ ông nhận được điện thoại yêu cầu ông ký giấy chấp thuận cho bệnh nhân Nguyễn Công Phúc phẫu thuật do bị xe đụng. Để giải quyết, ông Hùng gửi ra 40 triệu đồng, trong đó có 35 triệu chi phí điều trị.

Khi tái khám, bác sĩ chỉ định cắt bỏ phần chân bị nhiễm trùng, Phúc lại khóc: “bắt cưa cẳng chắc con chết quá!”. Nghe vậy, ông Hùng đề nghị chuyển viện, gửi thêm 40 triệu đồng, và cử người ra nuôi bệnh. Ông Hùng còn tổ chức cúng giỗ người cha giùm cho đứa con nuôi bị tai nạn.

 

Điều tốt lan toả

Với suy nghĩ: “ Ông trời cho mình sức khỏe, lành lặn để làm ăn là sự ưu ái. Dù có nhiều tiền, chúng ta cũng chỉ ăn 3 lần mỗi ngày nên chia sẻ cho những người khó khăn hơn cũng là niềm vui ”. Hơn 20 năm qua, bằng tiền kiếm được từ quán bún bò, ông Lâm Kim Hùng đã giúp cho nhiều người thoát khó, đổi thay số phận. Từ sinh viên bồi bàn, nay có người trở thành phó giám đốc công ty, trưởng phòng, dược sĩ, kỹ thuật viên…

Việc làm thiện nguyện của ông Chín Hùng đã tạo ra sức lan tỏa. Nhiều người muốn được hỗ trợ; nhưng ông đều từ chối. Chỉ có trường hợp ba người con do ông đỡ đầu là Trương Thế Lịch đang làm việc bên Nhật, nhà thầu xây dựng Võ Thiện Ngôn ở Biên Hoà và vợ chồng Nguyễn Trung Đức ở Hà Nội tham gia đóng góp là ông nhận.

 

BÙI THUẬN

TNO