Tướng lĩnh Nga thảo luận về bối cảnh dùng vũ khí hạt nhân?
Tướng lĩnh Nga thảo luận về bối cảnh dùng vũ khí hạt nhân?
Đánh giá tình báo của Mỹ cho rằng các tướng lĩnh Nga đã thảo luận về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến sự tại Ukraine.
Xe chở quân bọc thép BRT-82A, tên lửa Iskander-M và pháo tự hành MSTA-S của Nga diễu hành tại Quảng trường Đỏ hồi tháng 5 REUTERS |
Đài CNN ngày 3.11 dẫn các nguồn tin tiết lộ đánh giá tình báo của Mỹ cho rằng giới chức quân sự Nga đã thảo luận về bối cảnh, cách thức sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong chiến sự ở Ukraine.
Bản đánh giá của Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ (NIC) không được xếp vào loại tài liệu tuyệt mật và cũng không phải là thông tin tình báo thuần túy mà chỉ là phân tích.
Với lý do đó, một số quan chức cho rằng nội dung thảo luận được nêu trong tài liệu không nhất thiết biểu thị rằng Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân.
Mỹ vẫn chưa nhận thấy dấu hiệu Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, và nhà lãnh đạo Nga được cho là không liên quan nội dung thảo luận trong đánh giá của NIC.
Tuy nhiên, một số quan chức xem qua tài liệu trên đã trở nên lo ngại, vì nó cung cấp góc nhìn hiếm hoi về nội dung trao đổi giữa các tướng lĩnh cấp cao Nga, cũng như cho thấy sự tức giận gia tăng khi Nga thất thế trong chiến sự.
Bên cạnh đó, còn có lo ngại rằng việc Nga tuyên bố sáp nhập 4 vùng ở Ukraine có thể khiến Moscow sẵn sàng áp dụng các biện pháp cực đoan hơn tại đó.
Nga chưa bình luận về bản đánh giá trên. Giới lãnh đạo Nga nhiều lần khẳng định không có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine.
Đài RT ngày 3.11 dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga cho hay Moscow “nghiêm túc và nhất quán” theo nguyên tắc rằng chiến tranh hạt nhân không thể đem lại chiến thắng và không bao giờ nên xảy ra, đồng thời kêu gọi các cường quốc hạt nhân khác nên thể hiện việc tuân thủ cam kết này.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật
Vũ khí hạt nhân chiến thuật đôi khi được gọi là “vũ khí hạt nhân nhỏ” vì thường có đầu đạn nhỏ hơn và dự định sẽ sử dụng để tấn công hạn chế trên chiến trường. Vũ khí này có sức nổ khoảng 10-100 kiloton, so với sức nổ 500-800 kiloton của vũ khí hạt nhân “chiến lược”.
Tuy nhiên, vũ khí hạt nhân chiến thuật vẫn gây chết chóc không tưởng. Nếu so sánh, hai quả bom Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki ở Nhật Bản vào năm 1945 có sức nổ lần lượt là 15 và 21 kiloton.
Bất cứ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào cũng khiến cộng đồng quốc tế lên án và gây áp lực khiến Mỹ và NATO phải trả đũa.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby từ chối bình luận về bản đánh giá trên.
“Ngay từ đầu, chúng tôi đã rõ ràng rằng những bình luận của Nga về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân là rất đáng lo ngại và chúng tôi xem đây là chuyện nghiêm túc. Chúng tôi tiếp tục theo dõi điều này trong khả năng tối đa, và chúng tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị cho việc sử dụng như vậy”, ông cho biết.
KHÁNH AN
TNO