Đua nhau ‘học giả’ kiếm chứng chỉ tiếng Anh thật: ‘Bao đậu’ là chiêu trò quảng cáo?
Đua nhau ‘học giả’ kiếm chứng chỉ tiếng Anh thật: ‘Bao đậu’ là chiêu trò quảng cáo?
Sinh viên nhiều trường ĐH cho biết đã đạt yêu cầu đầu ra, thậm chí cao hơn dự kiến khi tham gia các khóa học ‘cấp tốc, bao đậu’ bài thi lấy chứng chỉ tiếng Anh Aptis và khẳng định ‘đa số đều làm vậy’.
“Bây giờ còn mấy ai tự học nữa”
Trong quá trình thâm nhập các “trung tâm tiếng Anh” để ghi nhận rõ nét thị trường khóa học “cấp tốc, bao đậu” bài thi Aptis, chúng tôi có cơ hội tiếp xúc và trao đổi với nhiều sinh viên (SV) đến từ những trường ĐH khác nhau. Đơn cử như V.M.N, SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội.
Vì muốn sớm đáp ứng chuẩn đầu ra và sợ “để lâu thi khó hơn”, N. chọn chinh phục Aptis từ năm 2 và đạt kết quả B2 hồi tháng 8.2022. Để làm được điều này, theo N. là nhờ đăng ký khóa “bao đậu” tại trung tâm H.A với mức phí 2 triệu đồng, được học đáp án và mẹo làm bài trong 1 tuần trước khi thi. “Lý do phải học và thi trong 1 tuần là vì thường 1 – 2 tuần người ta sẽ đổi đề hoặc thêm đề mới. Và tôi đoán rằng mỗi đợt trung tâm sẽ gài người đi thi để giải đề, lấy đáp án gửi học viên”, N. giải thích.
“Học ở trung tâm, bạn cũng phải bỏ công sức ra học chứ không ăn sẵn đâu”, N. lưu ý thêm và cho hay nếu chẳng may thi trượt, trung tâm sẽ cho ôn tập lại miễn phí và hỗ trợ 70% lệ phí thi. Khi được hỏi ở trường có ai học kiểu này như mình không, N. không do dự khẳng định “rất nhiều, bây giờ còn mấy ai tự học nữa trừ IELTS”.
Tương tự, L.S.H (SV Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, Hà Nội) cũng đạt mức Aptis B2 hồi tháng 9.2022 dù chỉ đăng ký “bao điểm” B1. Đáng chú ý, H. cho hay bản thân mất gốc tiếng Anh và không có vốn từ vựng, chỉ học vẹt đáp án. “Trung tâm gửi đáp án nghe đọc, còn phần viết học 4 chủ đề, khi thi ra 1 trong 4. Phần nói có mấy bức tranh nhưng mình không học nói được, cứ đọc đề linh tinh cho hết thời gian nên được có 10/50 điểm thôi”, H. kể.
Theo H., có khoảng 50% SV tại trường chọn học chứng chỉ Aptis để đạt chuẩn đầu ra, còn lại học TOEIC và chứng chỉ khác. Khi chúng tôi thắc mắc mọi người “học tủ” kiểu này nhiều không, người này cho biết: “Đa số đều làm vậy mà”.
Có khi bị “tủ đè”
Còn theo C.T (SV Trường ĐH Hoa Sen, TP.HCM), các khóa học “không hẳn là tủ”. “Kỹ năng nghe và đọc có đáp án sẵn, chính xác khoảng 90%. Lúc vào thi tự hiểu nữa nên mới được trọn điểm đọc. Mình thi xong về còn chỉnh đáp án lại cho trung tâm. Còn kỹ năng nói với viết thì có 8 bộ đề ôn, tự lực thôi”, thí sinh (TS) đạt Aptis C chia sẻ.
Người này cũng lưu ý: “Bạn mình có người đi thi bị “tủ đè” không trúng gì luôn, mà trung tâm cũng không trả lại tiền cho học viên. Nên kiểu như may rủi, hên thì trúng. Mà thi vào giữa tháng đa số trúng, chứ đầu với cuối tháng là thời điểm dễ bị đổi đề”. C.T cho biết ngoài bản thân cũng có nhiều bạn bè theo học các khóa “cấp tốc, tủ đề”.
Đ.M, SV Trường Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), thông tin trong quá trình “học tủ”, đáp án được trung tâm gửi theo số báo danh từng người, còn viết với nói sẽ luyện trong khoảng 10 – 20 đề và sẽ ra 1 trong những đề đã ôn. “Đáp án nghe, đọc khi thi ra chính xác. Đề viết với nói cũng tương tự những gì đã ôn”, M. đánh giá sau khi thi xong, đồng thời cho biết học phí vừa túi tiền và đã đạt mức B1 đủ đậu.
Chiêu cạnh tranh, thu hút học viên
Khi được hỏi nguyên nhân một số trung tâm tiếng Anh “bao đậu”, “cam kết đầu ra” chứng chỉ quốc tế, các chuyên gia nhận định có nhiều lý do.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Trâm, Giám đốc Hệ thống Anh ngữ trực tuyến Talkin English (Hà Nội), đây là yếu tố để cạnh tranh, thu hút học viên. “Tâm lý của người học là thi lấy chứng chỉ, việc đảm bảo đạt mục tiêu khiến họ yên tâm và sẵn sàng đăng ký”, bà Trâm nhận xét.
Cũng theo vị giám đốc này, có không ít trung tâm dạy tủ, chỉ mẹo chọn đáp án đúng trong khi TS không thực sự hiểu và vận dụng được kiến thức. Mặt khác, cách luyện thi hiện tại còn theo hình thức kiểm tra năng lực thay vì bồi dưỡng kỹ năng. “Những câu hỏi dựa trên ngân hàng đề có sẵn, kiểm tra kiến thức là chủ yếu mà ít đả động đến kỹ năng. Điều này tạo ra những trường hợp học tủ đề, thuộc đáp án”, bà Trâm chia sẻ.
Cho rằng chuyện “bao đậu” là chiêu trò quảng cáo đánh vào tâm lý phụ huynh, TS thiếu hiểu biết, thạc sĩ Võ Huỳnh Sang, giảng viên tiếng Anh tại ĐH Văn Lang và là Phó giám đốc điều hành Hệ thống Anh ngữ IELTS Cherubim, giải thích bài thi quốc tế kiểm tra khả năng ứng dụng ngôn ngữ tại thời điểm nhất định. “Vì thế không có khái niệm đậu, trượt mà TS sẽ nhận được thang điểm phản ánh đúng năng lực khi thi”, thạc sĩ Sang cảnh báo.
“Khi bản chất kỳ thi bị cố tình bóp méo thì chuyện “bao đậu” nghe rất hoang đường. Vì không có quy định chỉ rõ đậu là thang điểm nào từ những đơn vị tổ chức nên các trung tâm gian dối tha hồ dạy theo ý thích và học viên, phụ huynh chính là người lãnh đủ. Mất tiền bạc, mất niềm tin, mất thời gian, những thứ rất quan trọng đối với các em đang học THPT, đặc biệt là năm 12”, thạc sĩ Sang bức xúc.
Nhóm Zalo học cấp tốc cho ngày thi Aptis 16.10 ghi nhận có 70 thành viên tham gia, bao gồm quản trị viên và đông đảo TS, nhiều trong số đó đã đóng học phí ẢNH CHỤP MÀN HÌNH |
Xu hướng học chỉ để lấy bằng
Theo bà Bích Trâm, xu hướng hiện nay của người học ngoại ngữ chủ yếu là để lấy bằng và điều này khá phổ biến với các học sinh, SV do yêu cầu chuẩn đầu vào, đầu ra của các trường học, công ty.
Nhận xét về xu hướng trên, thạc sĩ Huỳnh Sang cho rằng “rất đáng báo động”. “Vì các bạn tìm cách đạt chứng chỉ bằng mọi giá nên quên đi giá trị cốt lõi của nó là giúp mình nhìn nhận năng lực hiện tại, có cơ sở tiếp tục phát triển kỹ năng. Cái kết đoán trước được là những tấm bằng không khác gì giấy vụn. Khi bước ra môi trường thực tế dùng tiếng Anh, TS hầu như bị đánh gục, ú ớ khi nói chuyện”, thạc sĩ Sang cho biết.
Chỉ ra nguyên nhân nhiều bạn tìm đến trung tâm với mong muốn có bằng “cho rồi” thay vì tăng khả năng sử dụng ngôn ngữ, thạc sĩ Giang Thanh, Trưởng phòng Học vụ tại DOL IELTS Đình Lực, đề cập 2 yếu tố: Thứ nhất là TS không có phương pháp học hiệu quả, luôn thấy chán nản; thứ hai đến từ sự cám dỗ, hứa hẹn vô căn cứ của một số trung tâm tiếng Anh. “Điều đó khiến TS hình thành tư duy “mì ăn liền”, mong có bằng là xong làm chứng chỉ không còn đúng với giá trị của nó”, thạc sĩ Thanh chia sẻ.
Gian lận chứng chỉ là khó tránh !
Phản hồi PV Thanh Niên, đại diện Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM cho biết có hợp tác cùng Hội đồng Anh phối hợp tổ chức thi chứng chỉ Aptis và quy định làm chuẩn đầu ra cho SV khóa 2017, tốt nghiệp tháng 8.2021. “Nhưng hiện trường không còn áp dụng Aptis, thay vào đó là VSTEP, IELTS, TOEIC và TOEFL”, vị này thông tin.
Lý giải nguyên nhân trên, vị này chia sẻ, theo rà soát, SV hầu như không dùng chứng chỉ Aptis để đáp ứng chuẩn đầu ra. Đồng thời, vị này khẳng định gian lận chứng chỉ tiếng Anh “khó tránh ở các trường”. “Chúng tôi từng phát hiện có trường hợp gian lận và đã đưa ra các cảnh báo cấm xét đầu ra của SV theo quy định”, vị đại diện cho hay.
Đơn vị tổ chức thi nói gì ?
Được Hội đồng Anh ủy quyền tổ chức thi và cấp chứng chỉ Aptis tại VN, Công ty TNHH ETE Vietnam (văn phòng tại Q.Hà Đông, Hà Nội) khẳng định đơn vị và Hội đồng Anh “đều nắm được” những thông tin liên quan thực trạng một số trang mạng xã hội, hội nhóm thảo luận về việc “học tủ” đề thi Aptis.
Giải mã hiện tượng “dạy tủ”, ETE Vietnam cho biết những trung tâm liên quan thường cho người đi thi, sau đó lấy đề về ôn tập cho học viên theo kiểu thuộc đáp án. Tình trạng này không thiếu và cũng không chỉ ở mỗi chứng chỉ Aptis. “Cách thức đối phó là Hội đồng Anh liên tục đưa ra đề mới. Các kỳ thi tại ETE Vietnam cũng có đại diện của Hội đồng Anh trực tiếp giám sát nên không thể xảy ra gian lận khi thi”, đơn vị này cho hay.
ETE Vietnam cũng thông tin có vài lần phát hiện một số đơn vị, cá nhân mạo nhận là nhân viên của đơn vị để đứng ra thu hồ sơ, “cam kết” với học viên là đi thi sẽ đỗ hoặc đưa tài liệu cho học viên quay cóp khi thi. “Cuối cùng, tất cả đều bị phát hiện gian lận. Những TS vi phạm đã bị hủy bài và không được tiếp tục tham gia kỳ thi Aptis theo đúng quy định của Hội đồng Anh”, đơn vị này cảnh báo.
NGỌC LONG – TRẦN THANH THẢO
TNO