18/11/2024

Doanh nghiệp ứng phó với bất ổn

Doanh nghiệp ứng phó với bất ổn

Bão giá xăng, bão giá nguyên vật liệu, bão lạm phát…, năm 2022 là năm kinh tế VN và toàn cầu hứng chịu cơn bão giá khốc liệt nhất trong lịch sử. Từng được ví là “đội thuyền thúng ra đại dương”, cả những chiếc xuồng máy vốn chỉ quen luồn lách trên kênh, rạch quen thuộc đã gồng mình đi qua cơn bão.

 

 

Những cơn bão “kỉ lục”

Xếp đầu tiên là bão giá nhiên liệu. Trong nước, lần đầu tiên giá xăng dầu lập đỉnh khi leo tới 34.000 đồng/lít xăng RON 95-V, xăng sinh học E5 RON92 cũng sát ngưỡng 32.000 đồng/lít. Các mặt hàng dầu – nguồn nhiên liệu quan trọng trong vận hành sản xuất kinh doanh, vận tải hàng hóa – cũng kịp tiến sát mốc 31.000 đồng/kg vào tháng 6. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước đã tăng hơn 40%, xăng tăng gần 10.000 đồng/lít, dầu tăng hơn 12.000 đồng/lít…

Doanh nghiệp ứng phó với bất ổn - ảnh 1
Bỏ, giảm các loại thuế phí liên quan đến xăng dầu là hỗ trợ thiết thực cho DN trước bão giá  NGỌC THẮNG

Giá xăng dầu tăng kéo cơn bão thứ hai đánh thẳng vào giá cước vận tải. Nếu trước dịch, giá thuê chở một container 40 feet đi Mỹ từ 4.500 – 6.000 USD, trong 2 năm bùng phát dịch, tăng lên 15.000 – 16.000 USD, có thời điểm vọt lên 20.000 USD/container. Đến cuối năm 2021, giá cước về mức 9.000 – 11.000 USD/container. Thế nhưng, trong năm nay, nhiều tuyến tàu biển giảm chuyến nên doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đặt thuê container tiếp tục rất khó khăn, dẫn đến các chi phí khác tăng theo. Bà Nguyễn Thị Tuấn Anh, giám đốc kinh doanh một DN logistics (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết ngay trong tháng 8, để xuất được một container 40 feet qua bờ Đông nước Mỹ (Florida), DN phải chi tới 16.400 USD/container, bởi chi phí vận chuyển đường bộ từ nhà máy đến các cảng khu vực TP.HCM chưa giảm bao nhiêu. Trung bình một container xuất khẩu “gánh” hơn 400 triệu đồng – mức phí vận tải quá lớn, cao nhất trong lịch sử ngành logistics. Trước dịch, chi phí logistics này chỉ khoảng hơn 100 triệu đồng. Riêng tuyến tàu biển chở hàng đi châu Âu, cuối năm qua xuống 5.000 – 8.000 USD/container, vẫn cao gấp 2,5 lần so giá trước dịch. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng xung đột Nga-Ukraine, các tuyến tàu biển chở hàng đi châu Âu tăng trung bình 13%. “So với trước dịch, cước vận tải vẫn còn cao từ 2,5 – 3 lần, tiếp tục gây áp lực lớn, là gánh nặng cho các DN xuất khẩu. Với mức chi phí hiện nay thì DN rất khó phục hồi trong tâm thế bình thường mới được”, bà Tuấn Anh nhận xét.

Doanh nghiệp ứng phó với bất ổn - ảnh 2

Cơn bão giá thứ ba quét trên lĩnh vực nông nghiệp, vốn được coi là trụ đỡ của nền kinh tế dưới tác động của xung đột địa chính trị thế giới gây đứt gãy nguồn cung. Từ phân bón đến thức ăn chăn nuôi đều tăng phi mã. Hàng triệu nông dân VN, hàng ngàn DN rơi vào tình cảnh “khó chưa từng thấy”. Bão giá cũng “đổ bộ” lên nhiều ngành công nghiệp khác, đặc biệt là xây dựng kéo theo sự đình trệ của một loạt các dự án lớn nhỏ, kể cả các dự án trọng điểm quốc gia.

Những cơn bão giá liên tục bào mòn lợi nhuận của DN, bất chấp doanh thu tăng. Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH cao su Đức Minh, cho biết sản phẩm của công ty xuất khẩu đi nhiều thị trường lớn trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, tập trung linh kiện cho các thiết bị điện gia dụng như máy giặt, máy điều hòa, tủ lạnh… Đơn hàng tăng liên tục từ cuối năm 2021 đến nay kéo theo doanh thu tăng 20%. Thế nhưng lợi nhuận hầu như không thấy bởi chi phí đầu vào tăng quá mạnh. Đó cũng là tình cảnh của hàng ngàn, hàng vạn DN trên mọi mặt trận lĩnh vực ngành nghề khác. Thế nhưng với sức sống mãnh liệt, với tinh thần quật cường… cộng đồng DN Việt Nam đã mạnh mẽ vượt qua cơn bão thế kỉ.

Doanh nghiệp ứng phó với bất ổn - ảnh 3

Từ tàu bè tới thuyền thúng tìm cách vượt bão

Với đa số các DN vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, có người còn gọi là DN li ti, cách họ vượt qua bão giá để tồn tại và phát triển khiến không ít người phải thán phục.

Giữ thái độ lạc quan, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH may mặc xuất khẩu Dony (Q.Tân Bình, TP.HCM), khẳng định với những trận bão giá, DN vẫn thấy đâu đó có cơ hội để sống, tồn tại và chiến đấu bền bỉ hơn. Tinh thần này này được ông chủ của Dony áp dụng triệt để trong bối cảnh khó khăn. Để không bị lỗ, công ty tiến hành một cuộc cách mạng cắt giảm chi phí vận hành. Tiết kiệm điện năng tiêu thụ bằng cách tăng giờ sản xuất vào khung giờ không cao điểm; đơn hàng tăng nhưng cố gắng không tuyển thêm công nhân mà tăng giờ làm hoặc khoán theo sản phẩm. “Chính sách khoán sản phẩm giúp năng suất lao động của công nhân tăng tốt và giảm được kha khá chi phí tiền lương. Dây chuyền sản xuất cũ từng tiêu hao năng lượng lớn, nay mạnh dạn bỏ hẳn, nhập khẩu và đầu tư từng phần dây chuyền mới. Trong kế hoạch, chúng tôi dự định với đà tăng tốc của đơn hàng được ký kết vào cuối năm 2021, hết năm 2022 này, có thể hoàn thiện dây chuyền sản xuất mới. Thế nhưng, với tình hình giá cả đầu vào tăng khủng thế này, kế hoạch mở rộng đầu tư buộc phải dời sang năm sau. Trước mắt, phải bảo đảm sản xuất, duy trì công ăn việc làm cho mấy trăm công nhân đã”, ông Phạm Quang Anh cho biết.

Ông Trịnh Thành Nhơn, Tổng giám đốc Công ty Hóa mỹ phẩm Quốc tế ICC, ông chủ của thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan nổi tiếng một thời nói đùa: “Còn nghe được điện thoại, nghe tiếng máy chạy trong nhà xưởng là còn chạy tốt, cho dù có lay lắt đôi chút”. Với ngành hóa mỹ phẩm, giá nguyên liệu từ đầu năm đến nay tăng 5-20%, cước chở hàng xuất khẩu qua thị trường Campuchia tiếp tục tăng 20% trong khi doanh số sau dịch của công ty giảm hơn 50%. Để chống chọi với cơn bão giá, ông Nhơn quyết định cắt bỏ bộ phận bán hàng vốn chiếm 20-30% lương của công ty để giảm gánh nặng chi phí. “Bộ phận bán hàng rất quan trọng, quyết định doanh số của công ty tăng hay giảm, nhưng gánh bộ phận đó cho “ra ngô ra khoai” thì chi phí đầu vào phát sinh nhiều quá trong khi lượng hàng bán ra giảm hơn 50%. Nay bán hàng chúng tôi giao hẳn cho phía nhà phân phối, đại lý…Tương tự, trước sản xuất nhiều hay ít vẫn duy trì làm việc đủ 6 ngày, nay chỉ còn 4-5 ngày một tuần. Thị trường giảm mua nhiều, mình mở cửa nhà máy cả tuần gánh thêm tiền điện nước, nhân công… chẳng ích gì. Trong cơn bão giá kép này, công ty phải cắt giảm rất nhiều chi phí để tồn tại, không tuyển nhân viên cho bất kỳ bộ phận nào, giảm gánh nặng chi, chấp nhận giảm nhiều doanh số để chống bão và vượt bão”, ông Nhơn nói.

Ông chủ của món ném chả sạch nổi tiếng Lê Quang Hậu – Cơ sở sản xuất và chế biến Nem chả sạch Quang Hậu (Q.Tân Phú, TP.HCM) lại áp dụng triết lý “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” để vượt bão. Đơn hàng giảm, trong khi chi phí logistics tăng mạnh, khách hàng chậm trả tiền, vốn bị thâm dụng nhiều, nhưng không thể nợ ngân hàng quá hạn… Để tiết giảm, thay vì thuê dịch vụ giao hàng trong thành phố, đích thân ông chủ cơ sở làm shipper sau giờ sản xuất. Với tuyến đường xa cho khách tận miền Trung, ông thuê xe đông lạnh rồi đích thân tháp tùng. Khi nào vội thì bay ngược vào. Nhiều lần ông chủ cũng theo xe chở hàng vào lại TP.HCM. “Ông bà mình có câu, đừng thấy sóng cả mà ngã tay chèo, chúng tôi quan niệm không quá mạnh tay chi trong bối cảnh chưa lường trước khó khăn gì ở phía trước. Vén khéo một chút, những chi phí đi lại, vận tải, giao hàng được cắt giảm; chi phí điện giảm nhiều nhờ ngắt bớt tủ đông… đã bù lại một phần nào cho giá nước mắm, hành tỏi, thịt… tăng trong thời gian qua. Nói chung phải tính toán cắt bên này chút, xén bên kia một chút, vượt bão rồi mình lại làm tiếp. Không sao cả”, ông Hậu lạc quan.

Ông Nguyễn Lý Trường An – Phó giám đốc Công ty Global SeaAir, thì cho hay với ngành logistics, DN tìm nhà cung cấp dịch vụ đầu vào khác để có chi phí thấp hơn. Cụ thể, thực hiện trao đổi một mức giá vận tải nội địa mới thấp hơn, trong đó yêu cầu không tăng giá trong một khoảng thời gian, ít nhất vào những tháng cuối năm. Với cách làm này, DN giảm được 8-10% chi phí vận tải nội địa. Bên cạnh đó, các chi phí đi lại, phụ cấp cho nhân viên ngoài lương cơ bản cũng tạm cắt giảm. Tất nhiên công ty phải có trao đổi để có sự đồng thuận, thông cảm và chia sẻ từ nhân viên trong khó khăn. Mức phụ cấp từ 100.000 đồng/ngày, giảm xuống 85.000 – 90.000 đồng/ngày, chia bậc chi tiết hơn, không đánh đồng một mức như trước. Ngoài ra, ngay mức phụ cấp cho trên từng lô hàng hoặc công việc cũng được tính toán lại. Trước đây hoàn thành 1.000 sản phẩm được thưởng 100.000 đồng, nay phải xong 1.200 sản phẩm mới nhận mức thưởng nói trên. Cuối cùng là chuyển dịch nhân sự từ làm tính theo lương, ngày công, sang làm theo đầu việc, sản phẩm.

 

Quay lại cuộc chơi trong bão tố

PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân – Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp VN – nhận xét khả năng ứng phó với bão giá của DN được “tôi luyện” từ hơn 2 năm đại dịch khá nhuần nhuyễn. Tuy nhiên, cú bồi kép từ đợt giá cả hàng hóa, đầu vào tăng mạnh trong năm nay đã “đánh gục” không ít DN đang trong giai đoạn nỗ lực phục hồi. Số DN rời sân chơi rất nhiều, mãi cho đến tháng 8 vừa qua, số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt gần 150.000 DN, tăng hơn 31% so với cùng kỳ năm 2021. Tất nhiên, con số này không quá lạ bởi tại thời điểm tháng 8 năm trước, TP.HCM – đầu tàu kinh tế của cả nước – đang trong vòng phong tỏa chống dịch nghiêm ngặt. Song điều đáng mừng và nên lạc quan là trong cơn bão giá đó, trong khó khăn chi phí đầu vào tăng như vũ bão ấy, số DN quay trở lại thương trường tăng gần 50% so cùng kỳ. “Dám quay lại cuộc chơi ngay trong cơn cuồng phong bão giá, điều này chứng tỏ sự kiên cường, dám đối diện với khó khăn để phục hồi. Tôi đánh giá cao hành động này và coi đây là những tín hiệu lạc quan đáng trân trọng trong cộng đồng DN”, ông Quân nhận xét.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng viện Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nhìn chung áp lực lạm phát vẫn đang hiện hữu nhưng VN đang kiểm soát khá tốt tình hình. Ở khu vực kinh tế tư nhân, qua dịch bệnh và trận bão giá đã chứng tỏ sự linh hoạt và sức chống chịu rất tốt. Ông nói: “Chúng ta có nhiều chính sách hỗ trợ DN, song trong thực tế, rất nhiều DN khó khăn vẫn chưa “chạm” đến những hỗ trợ này nhưng họ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng đầu tư mạnh mẽ ngay cả trong và sau dịch Covid-19. Số DN thành lập mới, quay trở lại thương trường chắc chắn sẽ là động lực to lớn cho sự phục hồi sản xuất kinh doanh và tăng trưởng những tháng cuối năm 2022”.

“Để phát triển kinh tế tư nhân, xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự lực và có khả năng hội nhập thì việc quan tâm và hỗ trợ, nhất là vốn, cơ hội tiếp cận thị trường (cả cung và cầu) cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng nên là ưu tiên hàng đầu trong các chính sách

phục hồi tăng trưởng, đồng thời góp phần ổn định thị trường, kìm chế lạm phát trong thời gian tới của Chính phủ. Ở đây, cần đặc biệt chú trọng hỗ trợ các DN, ngành hàng tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào. Phải có chính sách mạnh mẽ phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển công nghệ cao. Hay đơn giản nhất là rà soát cắt giảm thêm các sắc thuế/phí hoặc các gánh nặng thủ tục không cần thiết cho DN tư nhân phát triển mạnh mẽ và bình đẳng hơn nữa”, TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.

Với khu vực kinh tế đối ngoại, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn “cậy nhờ” vào khối DN ngoại. Khu vực này sẽ đóng vai trò chủ công cho tăng trưởng kinh tế năm nay. Thế nên, việc tiếp tục quan tâm giải quyết những vướng mắc về môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn về thiếu lao động hoặc các yếu tố đứt gãy chuỗi cung ứng là điểm cần lưu ý. Bên cạnh đó, cân nhắc có chọn lọc các biện pháp chính sách nhằm hỗ trợ các nhóm sản xuất hoặc người lao động gặp khó khăn do giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao. Trong đó đặc biệt chú trọng các nhóm sản xuất và dịch vụ có tính đặc thù cao phụ thuộc vào giá nguyên phụ liệu đầu vào hoặc chi phí logistics tăng cao như ngành đánh bắt thuỷ sản, giao thông vận tải công cộng, xuất khẩu nông thuỷ sản.

TS Nguyễn Quốc Việt

Trong bối cảnh chi phí vận tải tăng, phí giao hàng, logistics, điện nước đều tăng… việc kiện toàn lại bộ máy hoạt động, cắt giảm những khoản chi thừa, bất hợp lý… đã giúp công ty chúng tôi bù được phần nào các chi phí phát sinh đột biến trong 2 quý đầu năm

Ông Nguyễn Lý Trường An, Phó giám đốc Công ty Global SeaAir

NGUYÊN NGA

TNO