Ăn đường, ngủ đường vì… đi học sớm
Ăn đường, ngủ đường vì… đi học sớm
Mỗi buổi sáng trên một số tuyến đường ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai), TP.Dĩ An (Bình Dương), nhất là TP.HCM, tôi thường nhìn thấy một số học sinh ăn và ngủ trên đường đến trường cùng cha mẹ do phải đi học sớm.
Có nhiều lý do học sinh phải ăn, ngủ, thậm chí học trên đường phố vào mỗi … ban mai.
Lý do thứ nhất là do bệnh thành tích. Những đứa trẻ học cả ngày, học cả đêm, chạy sô với con chữ để đạt được kết quả này, thành tích nọ khiến cho các em ít có thời gian thư giãn, thiếu ngủ nên … ngủ bù sau lưng ba mẹ. Một số phụ huynh vì trường chuyên lớp chọn nên chấp nhận đưa đón con khi học xa nhà. Chính quãng đường xa nên một số em không thể tránh khỏi việc ăn đường, ngủ đường. Nếu ăn uống ở nhà thì các em cũng buộc phải dậy sớm.
Học sinh ăn vội trên đường đến trường, hình ảnh thường thấy vào mỗi sáng THÁI HOÀNG |
Tuổi thơ bị đánh cắp
Việc nhiều học sinh tranh thủ ăn, ngủ trên đường đến trường cũng do giờ học quá sớm. Khung giờ vào học lúc 7 giờ, 7 giờ 15 khá phổ biến ở các địa phương. Các trường thường quy định học sinh có mặt lúc 6 giờ 45 (có những trường quy định học sinh có mặt lúc 6 giờ 30). Chính vì học quá sớm khiến cho học sinh khó có bữa ăn ngon, giấc ngủ không tròn giấc nên phải tranh thủ ăn và ngủ trên đường đến trường.
Ngoài ra, chính vì học sớm nên một số học sinh thường nhịn luôn bữa sáng. Có những học sinh mang đồ ăn đến trường ăn vội vàng cho kịp giờ. Có nhiều em đến giờ ra chơi mới ăn, điều này không tốt cho sức khỏe và ảnh hưởng tới cả chất lượng của bữa ăn buổi trưa (cách nhau khoảng 2 giờ).
Nhà tôi cạnh khu công nghiệp, cũng gần một số trường học. Mỗi khi nhìn những đứa trẻ phải dậy quá sớm để đến trường hoặc đến nhà giáo viên (bậc tiểu học, một buổi học ở trường, một buổi gửi ở nhà cô giáo), thấy thương các cháu nhiều. Có những đứa trẻ học bậc tiểu học nhưng phải dậy lúc 5 giờ sáng vì mẹ làm ca 1, ba đi làm xa.
Việc học ở nước ta vẫn còn nặng nề về kiến thức, trong đó có cả học vẹt. Nhồi nhét kiến thức khiến học sinh mệt mỏi, căng thẳng, bữa ăn và giấc ngủ không tròn. Ngay cả những đứa trẻ lớp 1, thậm chí mầm non, phải đi học thêm vào buổi tối. Làm điều này chính cha mẹ đánh cắp tuổi thơ con.
Trẻ ngủ trên đường đến trường THÁI HOÀNG |
Vì học sinh thân yêu, hãy lùi giờ học
Tôi từng công tác một số trường công, trung tâm GDTX, trung tâm dạy học viên khuyết tật, nhất là trường tư thục tại TP. HCM, đa phần các trường vào học lúc 7 giờ, thậm chí sớm hơn. Điều mong muốn lùi giờ học trễ hơn là… xa xỉ vì các vùng miền trên cả nước đều như vậy.
Kể từ năm học 2021-2022, thầy trò cũng như phụ huynh Trường THCS-THPT Bác Ái (Q.Tân Bình, TP.HCM) cảm thấy nhẹ nhàng hơn, niềm vui và hạnh phúc được nhân lên bởi giờ học chính thức vào lúc 7 giờ 45 (có mặt lúc 7 giờ 30 – 15 phút đầu là giờ sinh hoạt chủ nhiệm, ổn định lớp).
Là người thầy, mỗi ngày nhìn thấy cảnh học sinh tranh thủ “ăn, ngủ, học … đường” sau lưng cha mẹ, thấy thương các bạn nhỏ vô cùng. Tôi mong sao đến một thời điểm nào đó, việc lùi giờ học sẽ trở thành hiện thực trên cả nước, nghĩa là bắt buộc các trường phải thực hiện, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt do tác động của những yếu tố khác như thời tiết, thiên tai…
Ngoài ra, cũng cần lắm việc học nhẹ nhàng mà thiết thực để học sinh vui chơi nhiều hơn, thực hành nhiều hơn, nhất là những kỹ năng sống cần thiết. Cần giảm kiến thức sách vở, giờ vào học muộn hơn (sớm thì 7 giờ 30, tốt nhất là 7 giờ 45 đến 8 giờ) để học sinh có những bữa sáng ngon miệng, đủ chất, giấc ngủ được tròn hơn; gia đình sẽ chủ động hơn trong việc chở con đến trường.
THÁI HOÀNG
TNO