23/12/2024

Logistics Việt Nam phải ‘định hình’ lại mới kịp thế giới

Logistics Việt Nam phải ‘định hình’ lại mới kịp thế giới

Một số diễn giả đã đưa ra nhận định trên tại Diễn đàn “Logistics Việt Nam: Chuyển mình phát triển” được tổ chức tại TP.HCM ngày 19.10.

 

 

 

Diễn đàn do Liên minh Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), SLP Việt Nam phối hợp tổ chức.

Ông Phan Văn Chinh – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) – nhận định, hoạt động của logistics Việt Nam có tiến bộ vượt bậc trong thời gian qua. Kim ngạch xuất nhập khẩu trong 9 tháng gần 558 tỉ USD nhưng logistics Việt Nam đáp ứng được. Nếu so sánh với một số nước trong khu vực như Malaysia, Philippines, Lào, Campuchia… năng lực và khả năng của doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào xuất nhập khẩu rất lớn.

Logistics Việt Nam phải 'định hình' lại mới kịp thế giới - ảnh 1
Diễn đàn “Logistics Việt Nam: Chuyển mình phát triển” được tổ chức tại TP.HCM hôm nay 19.10

Đáng chú ý, theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 – 2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%, song hành cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế sau đại dịch với GDP sau 9 tháng đầu năm 2022 đạt mức 8,93%.

“Tuy nhiên, nhìn về tương lai phát triển thì logistics vẫn còn đó những hạn chế nhất định, cần được định hướng cụ thể, toàn diện”, ông Chinh nhận định và cho rằng, ngành logistics vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên trong chiến lược phát triển, cần có sự hỗ trợ, liên kết giữa các doanh nghiệp để cùng thúc đẩy, phát triển thị trường. Cùng với đó, cần xây dựng những doanh nghiệp “đầu đàn” đủ năng lực, có quy mô để tư vấn, dẫn dắt các doanh nghiệp trong ngành theo mô hình cộng sinh, cùng tăng trưởng và phát triển.

Bà Lê Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Thương mại Công ty SLP Việt Nam, nhận định: Việt Nam đang trong giai đoạn đồng bộ và hoàn thiện các hệ thống giao thông hay quy hoạch về các cảng biển; quy hoạch về kho bãi chưa được quy chuẩn, còn nhiều phân tán. Hệ thống kho bãi được quy hoạch chủ yếu ở miền Nam, chỉ có 30% được quy hoạch ở miền Bắc. “Đây chính là những vướng mắc hạn chế trong việc vận chuyển hàng hóa trên cả nước và ảnh hưởng đến toàn bộ việc quản trị chuỗi cung ứng”, bà Diệp nhấn mạnh.

Trao đổi tại diễn đàn, ông Chih Cheung, đồng sáng lập Công ty SLP Việt Nam, nhận định Việt Nam đang sở hữu tất cả những lợi thế để thúc đẩy logistics phát triển. Cụ thể là quốc gia có dân số trẻ, đông; các chính sách hỗ trợ của chính phủ ổn định; các hiệp định thương mại sâu rộng với các nước khác; có xu hướng thuận lợi trong sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, logistics Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và chưa thực sự hiệu quả. Cụ thể, những chi phí liên quan đến logistics chiếm khoảng 20% GDP ở Việt Nam, trong khi tại các nước tiên tiến, con số này chỉ chiếm khoảng 7 – 9%. Hoặc tại thị trường Trung Quốc đến nay cũng chỉ khoảng 14%.

Theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), hiện thị trường logistics Việt Nam có sự tham gia của khoảng hơn 5.000 doanh nghiệp. Trong đó, 89% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ; 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% doanh nghiệp 100% có vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn trong danh sách 50 công ty logistics lớn nhất thế giới như: Kuehne + Nagel, DHL Supply Chain & Global Forwarding, DSV, DB Schenker…

Theo ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch VLA, việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số của ngành còn nhiều hạn chế từ tư duy, nhận thức đến năng lực tiếp nhận và nguồn tài chính. Để biến thị trường logistics từ tiềm năng thành hiện thực, cần một chính sách tổng thể từ thu hút đầu tư tới cải thiện cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính… và các cơ quan chức năng đã và đang xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ và hiệu quả.

MAI PHƯƠNG

TNO