23/12/2024

Triển vọng nông sản Việt có mặt trong bữa ăn của người Phần Lan

Triển vọng nông sản Việt có mặt trong bữa ăn của người Phần Lan

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và lâm nghiệp Phần Lan kỳ vọng các sản phẩm cá và trái cây Việt Nam có mặt trong bữa ăn hằng ngày của người Phần Lan.

 

 

 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, ông Antti Kurvinen, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và lâm nghiệp Phần Lan đã chia sẻ những nhận định tổng quan trọng hợp tác giữa Việt Nam và Phần Lan.

 

Học hỏi lẫn nhau trong phát triển nông nghiệp

Trong chuyến thăm Việt Nam, ông Kurvinen cho hay, một phái đoàn 20 doanh nghiệp và các tổ chức của Phần Lan nỗ lực tìm kiếm mối quan hệ đối tác với các công ty Việt Nam trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực từ năm 2020.

Cũng trong chuyến thăm này, một bản ghi nhớ hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Phần Lan đã được ký kết. Đây là cơ sở để hai nước hợp tác ngày càng sâu rộng với nhiều tiềm năng hợp tác mới, nhất là trong việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, theo Bộ trưởng Kurvinen.

Triển vọng nông sản Việt có mặt trong bữa ăn của người Phần Lan - ảnh 1

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và lâm nghiệp Phần Lan Antti Kurvinenký ký biên bản ghi nhớ nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp   ĐẠI SỨ QUÁN PHẦN LAN

 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng dẫn lại các số liệu chính thức cho biết, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu thực phẩm sang Phần Lan với giá trị gần 15 triệu euro, nhưng Phần Lan xuất khẩu thực phẩm sang Việt Nam chưa đến 1 triệu euro.

Do đó, với thế mạnh nông nghiệp sạch từ trang trại đến thành phẩm, Phần Lan mong muốn xuất khẩu sang Việt Nam những sản phẩm được làm từ sữa, thịt lợn và gia cầm. Đồng thời, Phần Lan nhập khẩu từ Việt Nam những sản phẩm thủy hải sản, trái cây…

“Tầm nhìn của tôi là các sản phẩm cá và trái cây Việt Nam có mặt trên bữa ăn của người Phần Lan. Các sản phẩm sữa và thịt của Phần Lan cũng sẽ có mặt trong bữa ăn của người Việt Nam. Vì vậy, đôi bên cùng có lợi và hai nước có thể bổ trợ trên thị trường thực phẩm”, Bộ trưởng Kurvinen khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và lâm nghiệp Phần Lan đánh giá tuy khác nhau về vị trí địa lý và khí hậu nhưng hai nước có nhiều điểm chung và thế mạnh về nông nghiệp, lâm nghiệp, và có rất nhiều tài nguyên tái tạo. Đây là cơ sở để hai nước trao đổi về những thế mạnh ở mỗi bên để hoàn thiện lẫn nhau.

 

Kinh nghiệm số hoá trong quản lý rừng

Đề cập đến việc số hóa trong nông nghiệp, Bộ trưởng Kurvinen cho rằng, việc số hóa nông nghiệp Việt Nam ngày càng được đẩy mạnh, góp phần giúp đảm bảo an ninh lương thực và tăng cường tiềm năng xuất khẩu lương thực của Việt Nam. Ngoài ra, hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp và quản lý rừng cũng là một thế mạnh Phần Lan.

Cụ thể, rừng chiếm đến 75% diện tích đất ở Phần Lan. Hầu hết diện tích rừng của nước này có chủ rừng là hộ gia đình (tổng cộng 620.000 chủ rừng). Ông Kurvinen chia sẻ, để hỗ trợ các chủ rừng trong việc thúc đẩy sự phát triển và đa dạng sinh học, Chính phủ đã cung cấp cho chủ rừng thông tin cập nhật theo thời gian thực trên hệ thống về rừng của họ.

“Chúng tôi còn có một dịch vụ trực tuyến cung cấp thông tin chi tiết cho chủ rừng về trữ lượng gỗ, các đặc điểm đa dạng sinh học cùng khuyến nghị về quản lý rừng”, Bộ trưởng Kurvinen cho biết.

Bên cạnh đó, Chính phủ Phần Lan có chương trình trợ cấp để quản lý rừng bền vững (kemera). Bộ trưởng Nông nghiệp và lâm nghiệp Phần Lan chia sẻ: “Chủ rừng được đền bù cho một số hành động nếu không có những khoản trợ cấp này, nhưng quan trọng đối với toàn xã hội”.

Ngoài ra, Bộ trưởng Kurvinen cũng bày tỏ hy vọng lĩnh vực hợp tác song phương trong ngành nước của Phần Lan và Việt Nam sẽ góp phần giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra các doanh nghiệp bền vững nhằm thúc đẩy việc thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững.

Chẳng hạn, tổ chức Finnish Water Forum (Diễn đàn nước Phần Lan, với hơn 130 thành viên từ các bộ, cơ quan nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội và công ty) có hợp tác đào tạo tích cực và biên bản ghi nhớ với Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam.

 

EU và Việt Nam tiếp tục thúc đẩy gỡ “thẻ vàng” cho thuỷ sản

Năm 2017, Liên minh châu Âu (EU) đã phạt thẻ vàng Việt Nam trong lĩnh vực khai thác hải sản, tức là thủy hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác xuất, tức doanh nghiệp mất nhiều chi phí phát sinh hơn.

Trong gần 5 năm qua, ông Kurvinen đánh giá Việt Nam đã có nhiều cải thiện trong vấn đề này. EU đang thảo luận để ra quyết định về “thẻ vàng” này

“Tôi lạc quan rằng sắp tới sẽ có những giải pháp cụ thể để tạo điều kiện cho sản phẩm cá của Việt Nam sẽ xuất hiện nhiều hơn tại thị trường EU”.

 

 ĐẬU TIẾN ĐẠT

TNO