19/11/2024

Việt Nam ngược dòng giảm tăng trưởng của châu Á

Việt Nam ngược dòng giảm tăng trưởng của châu Á

Đó là nhận xét của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về Việt Nam thời điểm cuối tháng 9, khi các nền kinh tế trên toàn cầu đang quay cuồng đối phó với lạm phát, bão giá.

 

 

Không chỉ IMF, hàng loạt các tổ chức uy tín trên thế giới đã đưa ra những nhận xét tích cực về kinh tế Việt Nam.

 

Tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á

Đến tháng 9, các tổ chức tài chính quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế VN năm nay đạt 6,5 – 8,5% dựa trên bức tranh kinh tế Việt Nam trong 2 quý đầu năm và các chỉ số kinh tế 8 tháng của năm. Trong đó, cao nhất là Moody’s nâng dự báo tăng trưởng của VN năm nay vọt lên 8,5% – mức cao nhất trong số các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương. Tương tự, VN cũng là nền kinh tế duy nhất trong khu vực được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên đánh giá triển vọng kinh tế VN với tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước tăng 6,5% trong năm 2022 và 6,7% năm 2023. “Tăng trưởng kinh tế VN tốt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn”, báo cáo ghi. Với mức dự báo như vậy, ADB cho rằng, VN sẽ là nền kinh tế có mức tăng trưởng mạnh nhất ở Đông Nam Á trong năm nay và năm sau. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,2% trong năm nay.

Việt Nam ngược dòng giảm tăng trưởng của châu Á - ảnh 1
Nhiều tổ chức kinh tế tài chính thế giới đánh giá cao tốc độ tăng trưởng và phục hồi nhanh của VN  ĐỘC LẬP

Tại báo cáo công bố trong quý 3, WB nhấn mạnh yếu tố phục hồi mạnh mẽ của VN, bất chấp tình trạng bất định của toàn cầu, giá cả tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa để kiểm soát dịch tại Trung Quốc. Dẫn những số liệu về chỉ số sản xuất công nghiệp tăng gần 16%, doanh số bán lẻ tăng vọt hơn 50% so cùng kỳ năm ngoái, dịch vụ lưu trú ăn uống tăng gần gấp 3 lần, cán cân thương mại thặng dư đến 2,4 tỉ USD trong tháng 8… WB cho biết, doanh số hàng hóa nói chung tại VN đến tháng 8 năm nay tăng trưởng mức gần 32%. Đặc biệt, vốn đầu tư nước ngoài tuy có chững lại nhưng tốc độ giải ngân đáng ngạc nhiên. Trong tháng 8 giải ngân vốn ngoại tăng gần 14% và ghi nhận xu hướng tăng liên tục trong 9 tháng. Từ đó, WB đánh giá kinh tế VN tiếp tục phục hồi bất chấp lạm phát toàn cầu tăng cao cũng như tăng trưởng kinh tế yếu đi ở các quốc gia đối tác thương mại chính. Chính việc kiểm soát dịch Covid-19 tốt đã giúp VN thực hiện được quyết tâm tạo ra một môi trường đầu tư tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Còn IMF trong một bài viết cuối tháng 9 đã đưa ra nhận định: “Triển vọng tăng trưởng lạc quan của VN đang “chống lại” xu hướng chậm lại tại nhiều quốc gia ở châu Á”. Bài báo cho rằng, nửa đầu năm nay, VN chứng kiến sự phục hồi kinh tế nhanh chóng khi các hạn chế về đại dịch tại quốc gia được nới lỏng sau khi áp dụng chiến lược sống chung với Covid-19 và một đợt tiêm chủng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ như lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng mạnh và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ được hỗ trợ bởi ngành sản xuất tăng mạnh mẽ, hoạt động bán lẻ và du lịch phục hồi ấn tượng. Quỹ tiền tệ quốc tế đã nâng dự báo tăng trưởng của VN lên 7% trong năm nay, cao hơn 1% so với mức dự báo của 3 tháng trước đó và đây cũng là lần điều chỉnh tăng mạnh duy nhất của Quỹ này trong các nền kinh tế lớn ở châu Á.

Tính toán ở mức xa hơn, báo cáo về thị trường tiêu thụ châu Á đến năm 2030 của Ngân hàng HSBC mới đây đưa VN vào tốp 3 quốc gia dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng chi tiêu của người tiêu dùng lớn nhất trong thập niên hiện tại (2021-2030), trước cả Bangladesh và Ấn Độ. Trước đó, Tổng giám đốc HSBC VN Tim Evans cũng đưa nhận xét thực tế FDI đang quay trở lại là một dấu hiệu rất tích cực của nền kinh tế VN. Việc xử lý tốt đại dịch Covid-19, có chính sách ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%, dự trữ ngoại hối tăng đáng kể với khoảng 100 tỉ USD… giúp VN có khả năng cạnh tranh về chi phí đáng kể so với các quốc gia khác.

Việt Nam ngược dòng giảm tăng trưởng của châu Á - ảnh 2
Kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong 9 tháng vượt mốc 500 tỉ USD, tăng hơn 15% so cùng kỳ  HẢI QUAN TP.HCM

Nhờ có nền tảng vĩ mô vững mạnh

Trong cơn bão giá diễn ra cao điểm vào tháng 6, khi giá xăng VN vọt lên mốc 34.000 đồng/lít, giá dầu thế giới có thời điểm lên 139 USD/thùng, tờ Nikkei Asia lại có công bố quan trọng về Chỉ số phục hồi sau đại dịch Covid-19. Bài báo khẳng định VN và Philippines là 2 quốc gia có “sự tiến triển tốt nhất trong nỗ lực nới lỏng các hạn chế phòng chống dịch”. Từ đó, nâng VN lên 14 bậc và cho biết việc kết nối chuỗi cung ứng đã và đang đẩy nhanh tốc độ phục hồi của VN sau dịch bệnh. Rõ ràng việc phục hồi nhanh sau Covid-19 đã giúp VN nhanh chóng khẳng định vị thế là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong bài báo đăng trên chuyên trang SupplyChainDive về việc các nhà cung ứng chọn Đông Nam Á để tìm kiếm các giải pháp thay thế sản xuất, bài báo khẳng định luôn “VN là một trong những ưu tiên của các nhà sản xuất nhằm đa dạng chuỗi cung ứng, qua đó vượt qua những khó khăn về giá cả và thời gian vận chuyển gần đây”. Thế nên, liên tục các khảo sát của các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại VN đến từ Nhật Bản, châu Âu, Mỹ… đều đưa ra những nhận định lạc quan, muốn mở rộng đầu tư mạnh mẽ từ quý 3.

Đến hết 8 tháng của năm, sản xuất công nghiệp tăng hơn 9%, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng hơn 19%, đặc biệt, một điểm sáng mà khiến nhiều tổ chức nước ngoài chú ý là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào VN vẫn tiếp tục tăng, tốc độ giải ngân tăng mạnh. Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB VN nhận định: “Nền kinh tế VN đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022, tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức. Kinh tế phục hồi ổn định nhờ các cân đối kinh tế mạnh, được hỗ trợ bởi sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành sản xuất chế biến chế tạo và dịch vụ”. Giải thích rõ hơn, ông Nguyễn Minh Cường – kinh tế trưởng ADB VN cho rằng nền tảng kinh tế vĩ mô vững mạnh là điều kiện quan trọng nhất để giúp cho VN phục hồi và tăng trưởng nhanh. So với một số nước, kể cả những nước phục hồi và tăng trưởng tốt, nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô không ổn định và chắc chắn như VN. Đây cũng là lý do xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn, VN là nền kinh tế duy nhất ở châu Á – Thái Bình Dương được nâng cấp trong khi các nền kinh tế khác hoặc bị hạ xuống hoặc giữ nguyên.

Theo các chuyên gia, với những nỗ lực phục hồi hiện nay không chỉ tạo đà tăng trưởng kinh tế của VN trong những quý tiếp theo của năm 2022 mà còn tạo đà tăng trưởng cho cả giai đoạn từ nay đến năm 2025. Chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, không phải tự nhiên mà các tổ chức tài chính dùng những từ “hoa mỹ” khi nói về VN. Ông nói: “Họ có những dữ liệu để chứng tỏ nhận định lạc quan của mình có cơ sở, có niềm tin tưởng và khảo sát phân tích dự trên những chứng cứ số liệu khoa học. Trong bối cảnh hiện nay, VN lại đang giữ được ổn định vĩ mô, lạm phát vẫn dưới 3%, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tăng, các tập đoàn đa quốc gia mở rộng đầu tư… là những cơ sở quan trọng để chúng ta có niềm tin mạnh mẽ về vĩ mô”.

Việt Nam ngược dòng giảm tăng trưởng của châu Á - ảnh 3
Khu chế xuất Tân Thuận  TRUNG DŨNG

Áp lực lạm phát, cẩn trọng giá nhiên liệu

Tuy nhiên, các chuyên gia từ ADB VN cũng lưu ý nền kinh tế VN vẫn phải tiếp tục đối mặt với rủi ro ngày càng tăng. Đó là suy thoái kinh tế toàn cầu có thể tác động đến xuất khẩu nặng nề hơn so với dự báo, điều này sẽ làm cán cân tài khoản vãng lai xấu đi. “Mặc dù các đợt tăng lãi suất quyết liệt của ngân hàng trung ương lớn, đã góp phần giảm áp lực tăng giá trên toàn cầu, nhưng sự gia tăng bất ổn địa chính trị toàn cầu lại có thể đẩy giá hàng hóa lên cao, có thể ảnh hưởng đến lạm phát ở VN”, đại diện ADB cảnh báo.

Báo cáo của WB cũng nói VN cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến giá lương thực thực phẩm và các mặt hàng cơ bản. “Mặc dù giá nhiên liệu gần đây đã hạ nhiệt, nhưng biến động giá nhiên liệu trên toàn cầu là điều khó lường. Bên cạnh đó, hệ thống trợ giúp xã hội cần được củng cố, bao gồm cả hệ thống đăng ký, lựa chọn đối tượng và giải ngân, để tạo thuận lợi tiếp cận những người dân bị ảnh hưởng trong thời gian xảy ra các cú sốc”, báo cáo của WB nêu. Đối với khu vực kinh tế đối ngoại, sự giảm tốc trầm trọng hơn so kỳ vọng của các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của VN là rủi ro chính. Việc tiếp tục giãn cách xã hội để kiểm soát dịch Covid-19 ở Trung Quốc có thể khiến tình trạng gián đoạn chuỗi giá trị kéo dài hơn và ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo của VN; căng thẳng địa chính trị gia tăng đã làm tăng mức độ bất định và có thể gây ra những thay đổi trong xu hướng thương mại và đầu tư, ảnh hưởng đến nền kinh tế có độ mở cửa cao như VN.

Khảo sát niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp châu Âu đối với môi trường kinh doanh của VN trong quý 2 giảm nhẹ, dựa theo Chỉ số Môi trường kinh doanh (Business Climate Index – BCI) do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại VN (EuroCham) mới công bố lại đáng chú ý. Sau khi tăng trong quý đầu tiên, BCI quý 2 của VN theo khảo sát này đã giảm 4,4 điểm phần trăm xuống 68,8 điểm. Điều này trái ngược với thời điểm đầu năm, khi các yếu tố kép như cuộc chiến kéo dài ở Ukraine, giá hàng hóa tăng đột biến và hiệu ứng gợn sóng của chính sách “không Covid” của Trung Quốc đã làm giảm kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại VN. Mặc dù đã giảm điểm, nhưng BCI vẫn cao hơn 7,6 điểm phần trăm so với quý 4/2021 (61 điểm). Giám đốc điều hành của YouGov – ông Thue Quist Thomasen – đơn vị thực hiện khảo sát này – đã đưa ra bình luận: Kết quả BCI giảm điểm nhẹ trong bối cảnh VN đã mở cửa hoàn toàn và mọi hoạt động kinh doanh, sản xuất, đi lại, du lịch… đã trở lại hoạt động kinh doanh bình thường. Tuy nhiên, khách quan mà nói, các chính sách ứng phó với sau đại dịch, tăng tốc phát triển của VN hiện tại lại giúp giảm thiểu các thiệt hại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn. Hiện tỷ lệ lạm phát của VN vẫn đang được duy trì ở mức gần mục tiêu và sự cải thiện trong xếp hạng tín dụng của đất nước là một minh chứng mạnh mẽ”.

Trong báo cáo về “Áp lực lạm phát năm 2020 và các đề xuất chính sách” do Viện Kinh tế Chính sách (VEPR) vừa công bố cho thấy, xuất khẩu tăng trưởng khá cao mặc dù các nền kinh tế đối tác gặp nhiều khó khăn. Đáng lưu ý, ngành dệt may được kỳ vọng tiếp tục “tỏa sáng” trong những tháng còn lại của năm nay do các doanh nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ. Đại diện Viện Kinh tế Chính sách, TS Nguyễn Quốc Việt – Phó viện trưởng VEPR, nhận xét: “Chính doanh nghiệp Việt, thị trường sản xuất Việt trở nên thích nghi dần với các hiệp định, khả năng tiếp cận khách hàng mới, thị trường mới thuần thục nhanh chóng hơn đã hỗ trợ rất tốt cho khả năng phục hồi của doanh nghiệp lẫn nền kinh tế. Tuy nhiên, động thái tăng lãi suất của một loạt Ngân hàng trung ương các nước sẽ tạo các hiệu ứng phụ và các tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế như: bóp nghẹt sản xuất lẫn tiêu dùng dẫn đến suy thoái kinh tế, người lao động mất việc làm ảnh hưởng đến ổn định và an ninh. Trong nhiều trường hợp, vòng xoáy đình đốn sản xuất, thiếu hụt nguồn cung khiến lạm phát không giảm đi trong bối cảnh đình trệ sản xuất kinh doanh. Từ đó, các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế sẽ giảm tác dụng so với dự kiến ban đầu. Như vậy, nếu tăng trưởng giảm, đình trệ sản xuất kéo dài làm nản lòng các nhà đầu tư khiến họ phân vân xuống tay đầu tư hay tạm rút lui khỏi thị trường”.

 

Việt Nam cần tăng năng suất ở mức 2-3% mỗi năm

Việt Nam ngược dòng giảm tăng trưởng của châu Á - ảnh 4

Để duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn, VN cần tăng năng suất ở mức 2-3% mỗi năm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tăng năng suất lao động chỉ có thể đạt được bằng cách đầu tư cho hệ thống giáo dục, là một phần quan trọng của gói các đầu tư và cải cách cần thiết. Lực lượng lao động có năng lực cạnh tranh sẽ đem lại hiệu suất là yếu tố VN rất cần trong dài hạn.

Bà Carolyn Turk,
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại VN

 

Tăng trưởng xanh là con đường của tương lai

Việt Nam ngược dòng giảm tăng trưởng của châu Á - ảnh 5

Kết quả Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) hết quý 2 cho thấy, con đường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của VN đã được vạch ra rõ ràng. Tăng trưởng xanh là con đường của tương lai, không chỉ vì nó sẽ giúp xây dựng nền tảng thịnh vượng cho nền kinh tế và con người VN, mà còn vì nó sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi đất nước thành một trong những thị trường mạnh nhất thế giới. Các cam kết tại COP26 của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Chính phủ cho thấy VN đang nghiêm túc thực hiện những thay đổi cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh. Do đó, bất chấp những bất ổn trong kinh tế toàn cầu, đây là thời điểm vô cùng thú vị và đầy hứa hẹn để kinh doanh tại VN.

Ông Alain Cany,
Chủ tịch EuroCham

HẰNG NGA

TNO