23/12/2024

Xăng dầu biến động cũng do khâu trung gian phân phối

Xăng dầu biến động cũng do khâu trung gian phân phối

Cần siết chặt hơn các quy định về thành lập và quản lý hoạt động của doanh nghiệp phân phối, sàng lọc để các doanh nghiệp đủ mạnh, trong đó phải có hệ thống cây xăng lớn và hệ thống kho dự trữ lưu thông, đảm bảo vận hành.

 

 

 

Xăng dầu biến động cũng do khâu trung gian phân phối - Ảnh 1.

Nguồn cung xăng dầu đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, không còn phải xếp hàng (ảnh chụp trưa 13-10) – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đã đề nghị như vậy khi cho rằng bên cạnh những đóng góp tích cực, các doanh nghiệp phân phối, với vai trò trung gian, cũng gây hỗn loạn thị trường.

 

Cây xăng phụ thuộc vào doanh nghiệp phân phối

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một chuỗi bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM cho biết các cây xăng chỉ bán theo số lượng 20.000 – 30.000 đồng hay tạm ngưng bán do “đứt” nguồn hàng.

Theo cam kết tại hợp đồng với đại lý, doanh nghiệp phân phối có trách nhiệm đảm bảo nguồn hàng, chiết khấu hợp lý. Tuy nhiên, thời gian qua doanh nghiệp phân phối chỉ cấp 40 – 50% sản lượng bán ra mỗi ngày của cây xăng, thậm chí không cấp khiến chuỗi bán lẻ này bị gián đoạn, buộc phải bán ra số lượng nhỏ giọt.

Trong khi đó, theo quy định về kinh doanh xăng dầu, cây xăng chỉ được ký hợp đồng với một doanh nghiệp phân phối trong một thời gian nhất định. Khi chưa hết hợp đồng, cây xăng không thể lấy hàng từ bất kỳ nguồn nào khác.

“Nếu phía nhà phân phối cấp hàng, chúng tôi sẵn sàng bán ngay, đằng này họ không cấp hàng lấy gì để chúng tôi bán. Đến nay họ vẫn cấp không đủ 100% nhu cầu và chiết khấu cũng chỉ 200 – 300 đồng/lít, chúng tôi vẫn lỗ”, vị này nói.

Theo ông Giang Chấn Tây – giám đốc Công ty Bội Ngọc (Trà Vinh), nếu mua ở các đầu mối uy tín hoặc doanh nghiệp nhà nước, cây xăng sẽ được đảm bảo nguồn hàng ổn định nhưng chiết khấu lại thấp. Trong khi đó, các thương nhân phân phối hoặc doanh nghiệp đầu mối khác đưa ra mức chiết khấu hấp dẫn hơn.

“Do đó, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chọn mua hàng qua các thương nhân phân phối để được hưởng mức chiết khấu cao hơn”, ông Tây cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, giám đốc một doanh nghiệp phân phối cho biết chỉ được lấy hàng thông qua các doanh nghiệp đầu mối chứ không có chức năng nhập khẩu hoặc lấy hàng từ các nhà máy lọc dầu trong nước. Và khi thị trường giảm giá liên tục, các đầu mối hạn chế nhập hàng và bán ra khiến doanh nghiệp phân phối không thể lấy được hàng hoặc lấy được với số lượng hạn chế. Chưa hết, các doanh nghiệp cũng ưu tiên đảm bảo nguồn hàng cho hệ thống các cây xăng trực thuộc.

Do vậy, với các đại lý ký hợp đồng mua lại hàng, doanh nghiệp phân phối này không thể cung cấp hàng đầy đủ, đến thời điểm này cũng chưa đạt tối đa nhu cầu của đại lý bán lẻ. “Dù chúng tôi được lấy nguồn hàng linh hoạt từ nhiều đầu mối, song phía đầu mối không cấp thì làm sao chúng tôi có đủ hàng để cấp cho hàng chục hệ thống cây xăng trực thuộc và đại lý của mình”, vị này nói.

 

Nhiều khâu trung gian, tăng gánh nặng chi phí

Đại diện một doanh nghiệp đầu mối lớn khu vực phía Nam cho biết thời gian qua, khi doanh nghiệp giảm nhập khẩu xăng, chỉ còn cấp hàng cho các cây xăng thuộc hệ thống và cây xăng có ký hợp đồng với đầu mối này. Với các thương nhân phân phối, doanh nghiệp này đã ngưng cấp hàng do các nhà phân phối không “chung tình”.

Theo vị này, vào mỗi buổi sáng, các doanh nghiệp đầu mối sẽ chào chiết khấu, phía doanh nghiệp phân phối sẽ rảo một vòng như đi chợ, bên nào có chiết khấu thấp sẽ đổ dồn mua bên đó. “Họ không “chung tình”, cứ nơi nào thấp là mua nên chúng tôi đã không cấp hàng thời gian qua mà chỉ đảm bảo cho hệ thống của mình thôi”, vị này nói.

Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối lớn khác dù cho rằng vai trò trung gian của thương nhân phân phối quan trọng, giúp các đầu mối cung ứng hàng và tạo ra sự cạnh tranh trong giá chiết khấu giữa các công ty đầu mối. Hơn nữa, nếu lấy hàng từ đầu mối, cây xăng phải thanh toán ngay, trong khi lấy hàng qua doanh nghiệp phân phối, cây xăng có thể trả chậm nên nhiều hệ thống yếu về tài chính thường chọn lấy hàng qua hệ thống phân phối.

Theo vị này, cần phải xem xét lại các doanh nghiệp đầu mối nhỏ, bởi khi gặp khó khăn do ngân hàng không mở LC (thư tín dụng), chi phí cao và lỗ liên tiếp, các doanh nghiệp này ngưng nhập khiến các doanh nghiệp phân phối chuyên lấy hàng của các đầu mối này cũng “đứt” hàng.

“Để được chấp thuận hệ thống phân phối, phía DN phải có kho, có dự trữ lưu thông tối thiểu năm ngày cung ứng… nhưng trên thực tế việc chấp hành quy định vẫn còn nhiều vấn đề”, vị này nói.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Hường – chủ tịch Chi hội xăng dầu (Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam), cần phải giảm bớt các khâu trung gian trong chuỗi cung ứng xăng dầu bởi càng nhiều khâu trung gian sẽ càng tăng chi phí khiến cuối cùng người tiêu dùng gánh chịu.

“Theo quy định, thương nhân phân phối phải có kho, phải có đội xe… nhưng nhiều doanh nghiệp làm hợp đồng thuê kho tượng trưng, còn họ chở từ cảng về đầu mối về cây xăng luôn, họ ở giữa để ăn thêm chênh lệch”, bà Hường nói.

Xăng dầu biến động cũng do khâu trung gian phân phối - Ảnh 2.

Xe bồn nhập xăng dầu tại một cửa hàng trên đường Hoàng Văn Thụ (TP.HCM) – Ảnh: TỰ TRUNG

Cần hợp đồng chặt chẽ, ràng buộc trách nhiệm

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Ngọc Bảo, quyền chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN (VINPA), cho rằng xăng dầu có tính chất đặc thù khi là ngành kinh doanh có điều kiện, để đáp ứng được doanh nghiệp phải đầu tư lớn, nên việc quy định về hệ thống thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý là để doanh nghiệp được tham gia thị trường phù hợp với khả năng, góp phần đa dạng hóa mạng lưới phân phối xăng dầu.

“Mạng lưới phân phối xăng dầu ở đây không phải là câu chuyện có quá nhiều tầng nấc trung gian, mà để tham gia được phải đáp ứng các điều kiện theo quy định về kinh doanh xăng dầu. Các đại lý hoàn toàn có quyền được mua trực tiếp qua đầu mối hoặc thương nhân phân phối, không phải qua khâu trung gian nào cả. Việc làm ăn kinh doanh với ai là quyền lựa chọn của doanh nghiệp chứ không thể nói rằng đẻ ra nhiều tầng nấc như các mô hình bán lẻ khác”, ông Bảo nêu quan điểm.

Tuy nhiên theo ông Bảo, vấn đề bất cập là các doanh nghiệp cam kết hợp đồng với nhau lỏng lẻo. Một thương nhân phân phối được mua hàng từ nhiều nguồn, giúp giảm thiểu những rủi ro trong việc phụ thuộc vào một nguồn, nhưng cũng xảy ra tình trạng cam kết hợp đồng không chặt chẽ. Khi thị trường cung – cầu biến động, khó có thể huy động được hàng từ các nhà cung cấp.

Do đó, ông cho rằng các doanh nghiệp cần phải hoàn thiện các quy định trong hợp đồng được chặt chẽ hơn, trên cơ sở kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý để tránh tình trạng được mua nhiều nguồn nhưng không chịu trách nhiệm về việc đảm bảo nguồn. Trong thực tế, thời gian qua những cửa hàng thuộc các thương nhân đầu mối không bị đóng cửa mà chủ yếu là thương nhân phân phối, đại lý.

“Doanh nghiệp cứ ký hợp đồng không chặt chẽ thì sinh ra vậy. Trong khi đầu mối muốn mua ở nước ngoài phải ký hợp đồng chặt chẽ, vì khi ký là ràng buộc mở LC, không nhận thì phạt, trách nhiệm rõ ràng. Còn đây hợp đồng lỏng lẻo, khi không cung ứng hay mua hàng cũng không ai chịu trách nhiệm, xảy ra rồi thì kêu ca với nhau như vậy là không hợp lý”, ông Bảo nói.

 

Sớm nghiên cứu sửa đổi 2 nghị định về kinh doanh xăng dầu

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về tình hình quản lý và điều hành xăng dầu cho thị trường trong nước, trong đó nhấn mạnh yêu cầu Bộ Công Thương cần đảm bảo nguồn cung xăng dầu, an ninh năng lượng.

Theo đó, chủ động kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ găm hàng… Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi nghị định số 95 và nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu; báo cáo Chính phủ trong tháng 10-2022.

NGỌC HIỂN – NGỌC AN
TTO