Tuyển sinh đại học 2022: Hơn 103.000 thí sinh không nhập học
Tuyển sinh đại học 2022: Hơn 103.000 thí sinh không nhập học
Hơn 103.000 thí sinh đã trúng tuyển ĐH, CĐ đợt 1 năm 2022 nhưng không xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Bên cạnh đó, còn có nhiều thí sinh đã xác nhận nhập học nhưng chưa nhập học tại các trường.
Theo Bộ GD-ĐT, trong 620.477 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ trên hệ thống chung, số trúng tuyển chính thức sau đợt 1 năm 2022 là 567.018 (trong đó 3.580 trúng tuyển cao đẳng sư phạm), đạt tỉ lệ 91,4% so với số thí sinh đăng ký xét tuyển.
Kết thúc tuyển sinh đợt 1 (tính đến 17h ngày 30-9), có 463.440 thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống, đạt tỉ lệ 81,7% so với số thí sinh trúng tuyển. Như vậy, có đến 103.578 thí sinh đã trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học trên hệ thống.
Chưa đến trường nhập học
Theo ông Bùi Hoài Thắng – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), đã có khoảng 97% thí sinh trúng tuyển năm 2022 hoàn thành thủ tục nhập học tại trường. “Hiện nay vẫn còn không ít thí sinh đã xác nhận nhập học trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT nhưng chưa đến trường nhập học.
Đáng chú ý còn có một số thí sinh đã đóng tiền học phí cho trường rồi nhưng cũng chưa đến làm thủ tục nhập học. Chúng tôi đang liên lạc với từng thí sinh để tìm hiểu về những trường hợp này vì sao chưa nhập học”, ông Thắng cho hay.
Tương tự, ông Nguyễn Tấn Trần Minh Khang – phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cũng cho biết đã có khoảng 98,4% thí sinh hoàn thành thủ tục nhập học tại trường. Trong đó, có một thí sinh đã đóng tiền học phí cho trường rồi nhưng cũng chưa đến làm thủ tục nhập học.
Tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), tỉ lệ thí sinh trúng tuyển đợt 1 nhập học là 94% so với số nhà trường đã gọi nhập học. Hiện trường cũng đang tìm hiểu việc 6% thí sinh không đến nhập học. Trong khi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có số nhập học thực tế so với số xác nhập nhập học trên hệ thống là 98%, tức là có hơn 100 thí sinh chưa nhập học.
Số lượng lớn
Ông Trần Nam – trưởng phòng truyền thông và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho rằng tỉ lệ gần 20% không nhập học là số lượng lớn.
Rất có thể có nhiều thí sinh trúng tuyển đại học nhưng quyết định học bậc cao đẳng vốn có thời gian học ngắn hơn, tiếp cận việc làm sớm hơn, học phí vừa phải. Một số chọn đi du học vì hiện nay việc đi du học không còn gặp những trở ngại về dịch bệnh, các quốc gia cũng áp dụng rất nhiều chính sách thu hút du học sinh trở lại.
Cũng có nhiều trường hợp trúng tuyển nhưng quyết định đi làm vì điều kiện gia đình gặp nhiều khó khăn. “Trong số các nguyên nhân trên, nếu thí sinh quyết định chuyển qua học cao đẳng thì đây là tín hiệu đáng mừng vì nguồn lao động kỹ thuật có tay nghề chuyên sâu đang thiếu nhiều ở nước ta. Tuy nhiên, cần thêm dữ liệu tuyển sinh từ các trường cao đẳng thì mới có thể khẳng định được giả thiết này”, ông Nam nói.
Cùng nhận định trên, ông Phạm Thái Sơn – giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – cho rằng: “Có thể thí sinh đậu các trường cao đẳng công lập có uy tín rồi hoặc chọn hướng đi khác. Hiện các trường đại học có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam cũng thu hút người học trong nước.
Số thí sinh lựa chọn đi du học cũng khá nhiều vì hai năm qua các em không đi du học được do dịch COVID-19, bây giờ có cơ hội thì đi. Còn lý do nữa là các bạn quá nghèo nên không có tiền để đóng học phí, số này ít thôi”.
Đậu nguyện vọng dự phòng
Lý giải về việc thí sinh đậu nhưng không nhập học, ông Đỗ Văn Dũng – nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – cho rằng lý do đầu tiên là nhiều em đăng ký nhưng không để ý đến học phí và khi biết mình trúng tuyển và mức học phí quá cao thì cha mẹ không lo được do sau mùa dịch nhiều gia đình kinh tế khá khó khăn.
Lý do thứ hai là quy trình đăng ký, xét tuyển, xác nhận nhập học kéo dài và rườm rà nên các em đã chọn hướng đi khác (du học, học cao đẳng…). “Lý do thứ ba, theo dự đoán của tôi, là đa số các em bỏ, không xác nhận nhập học rơi vào diện trúng tuyển nhưng ở các nguyện vọng dự phòng nên các em không hứng thú đi học”, ông Dũng nói.
Trong khi ông Trần Vũ – trưởng phòng thông tin truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) – nhìn nhận do một số thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng mình không mong muốn nên không nhập học.
“Thực tế vẫn có nhiều thí sinh khá chủ quan trong việc đăng ký nguyện vọng, nhiều trường hợp dù trúng tuyển nguyện vọng đặt ưu tiên hơn nhưng đó cũng không phải thực sự là nơi em muốn học và chờ xét tuyển đợt 2. Khi các em không trúng tuyển nguyện vọng 1 thì tâm lý sẽ chọn nơi khác học. Ngoài chờ xét tuyển đợt 2 thì các em đã chọn bậc cao đẳng để học khi xác định mình rớt. Bên cạnh đó, còn có thí sinh trúng tuyển không biết phải xác nhận nhập học trên hệ thống” – ông Vũ cho hay.
Có thể thí sinh có lựa chọn khác
Ông Nguyễn Tấn Trần Minh Khang cho rằng có thể thí sinh có lựa chọn khác như du học, học các chương trình liên kết nước ngoài, các chương trình không thuộc diện quản lý trên hệ thống Bộ GD-ĐT (hiện nay có rất nhiều ở các trường).
Bên cạnh đó, học sinh mấy năm gần đây không còn cố vào đại học bằng mọi giá và cũng dần ý thức việc lựa chọn học tại các hệ đào tạo khác bởi vì câu chuyện cử nhân thất nghiệp mà báo chí đã nêu. Các em dần thực tế hơn, không quan trọng bằng cấp nữa mà chọn hệ đào tạo vừa sức mình và quan tâm đến việc làm sau tốt nghiệp.
Hiện nay đào tạo nghề kỹ thuật cao tại chỗ ở các khu công nghiệp trong cả nước cũng đang phát triển do các tập đoàn lớn trực tiếp đào tạo, thu nhập sau khi tốt nghiệp học nghề kỹ thuật cao cũng không thua kém học đại học.