23/12/2024

Nghịch lý đất công cộng trong dự án nhà ở thương mại

Nghịch lý đất công cộng trong dự án nhà ở thương mại

Tại nhiều dự án bất động sản, dù chủ đầu tư đã bỏ ra nguồn vốn rất lớn để tạo lập quỹ đất sạch, xây dựng hạ tầng, tuy nhiên quỹ đất công cộng dùng để xây dựng công viên, trường học, bệnh viện… đang mắc kẹt.

 

 

Muốn làm tốt cũng không được

Dự án Moonlight Residences (TP.Thủ Đức, TP.HCM) do Công ty Ngôi Sao Gia Định làm chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng. Thế nhưng, từ năm 2019 đến nay, dù đã nhiều lần doanh nghiệp (DN) này xin cấp phép xây dựng công viên cây xanh để phục vụ người dân trong dự án vẫn chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng.

Nghịch lý đất công cộng trong dự án nhà ở thương mại - ảnh 1
Gần 7 ha đất xây dựng khu nhạc nước hoành tráng trong khu đô thị Vạn Phúc bỏ hoang nhiều năm  ĐÌNH SƠN

Theo một lãnh đạo của Công ty Ngôi Sao Gia Định, diện tích khu đất xây dựng công viên gần 5.000 m2 do để hoang quá lâu, cư dân phản đối buộc công ty phải bỏ hàng chục tỉ đồng ra làm. Đến khi làm xong bàn giao cho nhà nước nhưng nhà nước không nhận. Ngoài ra, công ty có một dự án khác ở Q.7 theo quy hoạch có khoảng 3.000 m2 đất dùng để xây dựng trường học. Nhưng từ năm 2019 đến nay xin để xây dựng trường học theo đúng chức năng sử dụng đất mà không được. “DN muốn làm tốt, làm đẹp cho dự án, cho bộ mặt đô thị và cho TP nhưng cũng vô cùng khó khăn vì cơ chế chính sách quá nhiêu khê, quá rối rắm và có phần nghịch lý hiện nay”, lãnh đạo DN này cho hay.

DN muốn làm tốt, làm đẹp cho dự án, cho bộ mặt đô thị và cho TP nhưng cũng vô cùng khó khăn vì cơ chế chính sách quá nhiêu khê, quá rối rắm và có phần nghịch lý hiện nay.

Một lãnh đạo Công ty Ngôi Sao Gia Định

Một dự án khác cũng đang mắc kẹt với phần diện tích đất xây công trình công cộng là khu đô thị Vạn Phúc rộng khoảng 120 ha ở TP.Thủ Đức. Theo quy hoạch, bên trong khu đô thị có dành 6,8 ha đất xây dựng công viên nước lớn nhất Đông Nam Á. Tại thời điểm cách đây 6 năm, chủ đầu tư dành 300 triệu USD, đã ký với đối tác Hàn Quốc để làm dự án này. Dự án cũng đã có quy hoạch 1/500, đã có thông báo cho khởi công và các trang thiết bị, các chuyên gia nước ngoài đã có mặt để khởi công, theo kế hoạch 18 tháng là xong. Thế nhưng, sau đó cơ quan chức năng đã yêu cầu dừng lại để rà soát vì cho rằng đó là đất công phải giao lại cho nhà nước đem đấu thầu chọn nhà đầu tư. Đến nay dự án đã đắp chiếu gần 6 năm, một khu nhạc nước hoành tráng với bao tâm huyết của chủ đầu tư nhằm phục vụ người dân đã không được thực hiện.

Thời gian qua, người dân tại khu dân cư An Sương (Q.12) do Công ty HDTC làm chủ đầu tư cũng liên tục có đơn cầu cứu khắp nơi trước việc các công trình công cộng tại khu dân cư này bỏ hoang nhiều năm. Dự án có tổng diện tích hơn 64 ha, với 6,1 ha đất công trình công cộng và 6,8 ha đất công viên cây xanh tập trung… Hiện tại, cư dân đã sinh sống từ nhiều năm nay nhưng các công trình công cộng như trường học, phòng khám đa khoa, công viên… đã được quy hoạch từ nhiều năm trước đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống. Nguyên nhân xuất phát từ việc chủ đầu tư có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận để đơn vị này kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án công trình công cộng theo hình thức xã hội hóa, với số vốn mà công ty bỏ ra khoảng 1.164 tỉ đồng (chưa bao gồm tiền sử dụng đất nếu có) nhưng đến nay chưa nhận được câu trả lời có cho hay không, nếu không cho thì phần đất trên được xử lý thế nào.

Lãnh đạo Tập đoàn Vạn Phúc xót xa nói rằng đất này là đất DN tự bỏ tiền ra mua, tự làm hạ tầng trong khu đô thị. Công viên nước cũng làm từ tiền DN không phải vốn ngân sách. DN chỉ muốn làm thật đẹp, thật chỉn chu, thật tốt để phục vụ cư dân của khu đô thị và cho cả người dân ở khu vực này nhưng không thực hiện được. Đây là lãng phí rất lớn tài nguyên của nhà nước và của DN. Không những thế, chủ đầu tư còn bị khách hàng phản ứng, bị ảnh hưởng uy tín vì cho rằng chủ đầu tư vẽ ra công viên nước để bán bất động sản chứ thực tế không chịu làm.

 

Cho DN được đầu tư phần đất công cộng

Theo luật sư Nguyễn Văn Thắng, trước đây phần đất công cộng DN xây dựng xong giao lại cho nhà nước. Nhưng nay quan điểm là đất công nên phải giao lại cho nhà nước đấu thầu chọn chủ đầu tư. Chính điều này đã gây nên những vướng mắc, rắc rối, phiền hà cho chủ đầu tư, người dân và cả nhà nước. Bởi các dự án công cộng đều không mang lại nhiều lợi nhuận, đa số chủ đầu tư làm để phục vụ cho việc kinh doanh bất động sản, cho cư dân. Nay đem đấu thầu cũng không DN nào khác tham gia. Tuy nhiên, điều này làm chậm trễ việc đầu tư các tiện ích của dự án, ảnh hưởng đến quyền lợi cư dân và uy tín của chủ đầu tư. Không những vậy, đất và hạ tầng là tiền của DN bỏ ra mua, đầu tư mà có được, nay nhà nước thu về để đấu thầu cũng là một điều vô lý. Đất trong dự án, DN bồi thường chưa giao nhà nước nên chưa xác lập tài sản của nhà nước nên cũng không thể gọi là đất công được.

“Trước đây khi thị trường bất động sản còn sơ khai, đa số các chủ đầu tư đều muốn đẩy phần đất công cộng về cho nhà nước để nhẹ gánh. Nhiều chủ đầu tư không có tiền nên để lại không làm, dẫn đến nhiều dự án sau hàng chục năm có người vào ở nhưng trường học, bệnh viện, công viên không có. Trong khi nhà nước không có tiền thực hiện nên cũng bỏ hoang. Để không gây thiệt hại cho các bên, hài hòa lợi ích thì luật phải nói rõ, nếu DN được giao đầu tư các công trình công cộng thì tính tiền sử dụng đất ưu đãi theo luật đầu tư và DN được quyền khai thác. Nếu DN giao đất sạch cộng hạ tầng cho nhà nước để thực hiện đấu thầu thì nhà nước phải khấu trừ lại tiền DN đã bỏ ra mua đất, làm hạ tầng. Mọi thứ phải nói rõ để tránh tình trạng “mập mờ” như thời gian vừa qua có dự án giao cho chủ đầu tư làm xong giao lại cho nhà nước, có dự án lại bắt giao đất sạch cho nhà nước để đem đấu thầu”, ông Nguyễn Văn Thắng nói.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nói thẳng một vướng mắc hiện nay là các địa phương không dám cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị được quyền đầu tư xây dựng, kinh doanh trên phần đất thương mại, dịch vụ, công cộng của dự án như công trình y tế, giáo dục, công viên vui chơi giải trí, công viên chuyên đề dù chủ đầu tư có nhu cầu. Điều này khiến phần diện tích đất xây dựng các công trình phục vụ lợi ích công cộng bị bỏ hoang, gây bức xúc cho người dân. Chủ đầu tư thì không thể thực hiện được cam kết với khách hàng, mang tiếng bội tín, ảnh hưởng đến thương hiệu xây dựng nhiều năm một cách oan uổng.

“Đề nghị cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị được quyền đầu tư xây dựng, kinh doanh trên phần đất này để bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Họ đã bỏ vốn rất lớn để tạo lập quỹ đất và bỏ vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của dự án, nên việc cho phép họ được quyền đầu tư xây dựng, kinh doanh trên phần đất thương mại, dịch vụ của dự án nếu có nhu cầu là hợp tình hợp lý và phù hợp với luật Đầu tư 2020 và phù hợp với luật Doanh nghiệp 2020 quy định về quyền của doanh nghiệp”, ông Lê Hoàng Châu nói.

 

ĐÌNH SƠN

TNO