Giáo viên đơn môn dạy tích hợp: Xoay cách nào cũng khó
Giáo viên đơn môn dạy tích hợp: Xoay cách nào cũng khó
Ba giáo viên dạy 1 môn tích hợp khoa học tự nhiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới, dù các trường tìm mọi cách xoay xở nhưng bố trí thế nào cũng bộc lộ những khó khăn cho cả người dạy lẫn người học.
3 giáo viên đơn môn dạy 1 môn KHTN
Khác với TP.HCM, phần lớn các trường THCS ở Hà Nội đều bố trí đội ngũ giáo viên (GV) theo kiểu 3 GV đơn môn dạy 1 môn khoa học tự nhiên (KHTN), 2 GV dạy 1 môn lịch sử – địa lý. Việc sắp xếp thời khóa biểu vì thế cũng mỗi trường một khác. Nơi thì dạy “một mạch” theo chủ đề của từng môn học, nơi thì vẫn bố trí thời khóa biểu theo cách thức cũ, đến giờ của ai người ấy lên lớp.
Bà Vũ Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Gia Tự (Q.Long Biên, Hà Nội), chia sẻ lúc đầu nhà trường sắp thời khóa biểu dạy đơn môn như trước: mỗi tuần có 2 tiết lý, 1 tiết hóa, 1 tiết sinh. Tuy nhiên, nếu dạy theo phương án này thì dễ cho nhà trường và GV nhưng lại đẩy khó khăn về học sinh (HS) vì bị hạn chế trong tiếp thu bài. Bà Yến chỉ ra rằng chương trình môn KHTN được thiết kế theo chủ đề và mỗi chủ đề lại phù hợp với từng bộ môn. Do vậy, nếu xếp thời khóa biểu tuần tự như trước thì đang dạy chủ đề vật lý, đến giờ hóa sẽ phải dạy sang một chủ đề khác và như thế HS sẽ không được học liền mạch nội dung, thậm chí làm “hỏng” chương trình do dạy học đảo lộn theo giờ dạy của từng GV.
Do vậy, nhà trường đang áp dụng theo cách phân công GV dạy hết từng chủ đề để bảo đảm việc dạy đủ 140 tiết/năm lẫn tính logic của chương trình KHTN.
Trường THCS Chu Văn An (Q.Tây Hồ, Hà Nội) cũng làm theo cách tương tự. Theo nhà trường, hiện chưa có GV nào đủ điều kiện hoặc có chứng chỉ để dạy cả 3 phân môn trong môn KHTN. Do vậy, nhà trường phải rất đau đầu trong việc xếp thời khóa biểu, xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường trong bối cảnh GV chỉ ở mức vừa đủ, thậm chí là thiếu. Việc dạy liền mạch kiến thức buộc phải vô cùng uyển chuyển để GV không dạy quá căng thẳng, vượt quá nhiều số tiết/tuần theo quy định.
Năm học này, HS khối 6 và 7 học tích hợp, khối 8 và 9 vẫn học đơn môn cho nên một lãnh đạo trường này cho rằng điều đáng lo nhất là khi cả trường đều học theo chương trình mới mà vẫn áp dụng như cách hiện nay thì không ổn. “Trong khi đó, theo tính toán, 2 năm học nữa, GV được đào tạo tích hợp ở Hà Nội vẫn chưa ra trường”, vị này nói.
Một buổi học môn tích hợp khoa học tự nhiên của học sinh lớp 7 ĐÀO NGỌC THẠCH |
Thực tế hiện nay, nhiều trường THCS ở Hà Nội vẫn đang phải dạy song song các phân môn trong môn tích hợp giống như dạy riêng rẽ đơn môn trước đây. Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT H.Chương Mỹ (Hà Nội), do số lớp đông, không bố trí được GV nên khó có thể bố trí dạy liền mạch đối với môn tích hợp, mà phải dạy song song các phân môn. Việc 3 GV dạy một môn tích hợp khiến HS cũng phải chuẩn bị vở ghi, các yêu cầu riêng theo đơn môn. Vì thế, hầu hết HS vẫn chưa có ý thức đó là môn học tích hợp mà xem đó là 3 môn học.
Bình mới, rượu cũ ?
Ghi nhận cho thấy việc dạy tích hợp hiện nay theo cách thức nào cũng đều bộc lộ những điều bất ổn. Dù khẳng định nhà trường và GV nhận phần khó về mình để HS được học liền mạch kiến thức nhưng bà Vũ Thị Hải Yến cũng cho hay phương án dạy như vậy khiến ở một thời điểm nào đó GV dạy các phân môn trong môn tích hợp KHTN sẽ phải tăng tiết.
Ví dụ, vào các tuần dạy chủ đề do GV môn vật lý đảm nhiệm thì thay vì chỉ dạy tối đa 19 tiết/tuần như thường lệ thì GV này sẽ phải dạy tới 20 – 21 tiết/tuần. Tuy nhiên, bù lại vào những tuần dạy chủ đề liên quan đến môn sinh hoặc hóa thì GV này lại chỉ dạy từ khối 7 trở lên, số tiết thấp hơn mức bình thường, với chỉ khoảng 14 tiết/tuần. Nhà trường sẽ vất vả hơn trong sắp xếp thời khóa biểu và kế hoạch dạy học thay đổi theo từng tháng, GV cũng làm việc nhiều hơn ở một số thời điểm.
Tuy nhiên, sau 1 năm học thực hiện, ngay cả mỗi GV dạy theo chủ đề liền mạch từng môn học cũng đã chỉ ra nhiều bất cập. Một GV THCS ở H.Gia Lộc (Hải Dương) cho rằng môn KHTN đang thực hiện theo kiểu “bình mới” nhưng “rượu cũ” khi đem ghép 3 môn vào chung một cuốn sách. Nội dung của từng môn được sắp xếp theo cấu trúc vài chương một phân môn. Theo cấu trúc ấy, những tuần đầu HS lớp 6, 7 sẽ học cuốn chiếu phân môn hóa, thời lượng 4 tiết/tuần. Các tuần tiếp theo sẽ học lý, kết thúc môn lý chuyển sang học môn sinh… Cách thiết kế này dẫn đến sự quá tải với cả HS và GV.
Trong khi GV người thì “chạy” kín tuần không tiết nghỉ, người thì ngồi để chờ đến lượt môn mình. HS học cuốn chiếu hết một môn học, sách vở cất một xó, sang năm học sau mới trở lại môn ấy, kiến thức chắc chắn rơi chẳng còn mấy để có thể rèn kỹ năng, phát triển năng lực và phẩm chất như mục tiêu rất hay của chương trình mới đề ra.
Nỗi lo về chất lượng
Nhiều ý kiến cho rằng việc đào tạo gấp rút 20 – 36 tín chỉ trong thời gian 3 – 4 tháng để dạy tích hợp, hình thức chủ yếu là trực tuyến như thời gian qua, cũng chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”. Nếu chỉ dựa vào một chứng chỉ để dạy học theo chương trình mới, thay vì một chiến lược bồi dưỡng lâu dài, có lẽ HS sẽ là đối tượng thiệt thòi nhất khi chính GV còn đang bối rối với việc giảng dạy.
Trong khi đó, theo nhiều lãnh đạo các trường THCS, đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có bất cứ hướng dẫn nào về việc GV đơn môn nếu chuyển sang dạy tích hợp thì phải đảm bảo các điều kiện cụ thể như thế nào, hoặc chưa cấp chứng chỉ cho GV dạy tích hợp sau khi được bồi dưỡng, gây lúng túng cho các nhà trường.
Mới đây, Sở GD-ĐT Hà Nội đến kiểm tra tại một trường THCS hiếm hoi ở Hà Nội thực hiện dạy học tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông mới theo cách một GV dạy hết các phân môn tích hợp là Trường THCS Phúc Xá (Q.Ba Đình). Ông Cấn Việt Thắng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết với môn KHTN nhà trường phân công các GV (đã được bồi dưỡng các khóa tập huấn) đảm nhiệm nội dung theo chương trình (một GV đảm nhiệm cả 3 phân môn). Đối với bộ môn lịch sử, địa lý vẫn thực hiện theo phân môn riêng. Tuy nhiên, ông Thắng cũng đề nghị cần có hướng dẫn về cơ chế bồi dưỡng cấp chứng chỉ đội ngũ GV đáp ứng theo yêu cầu dạy học bộ môn đặc biệt các môn KHTN, lịch sử và địa lý.
Không ít GV ở Hà Nội cũng cho rằng các trường bắt đầu có các thông báo, khuyến khích GV dạy đơn môn hiện nay đi học thêm tín chỉ để dạy được môn tích hợp. Những thông báo kiểu như này khiến GV ngổn ngang lo ngại: Nếu không đi học và vẫn dạy đơn môn thì lâu dài có bị sa thải không? Tiền đi học do ai chi trả? Và điều đáng lo hơn cả là chất lượng có đạt như mong muốn hay không khi không được đào tạo bài bản ngay từ đầu. Chương trình ở cấp THCS yêu cầu cao, GV cần chuyên môn sâu và vững chứ không thể dạy đa môn theo kiểu một GV dạy nhiều môn ở cấp tiểu học.
Tiến tới mỗi GV có thể đảm nhiệm dạy học toàn bộ môn KHTN
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2022 – 2023 với giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra rằng: “Việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường ở một số cơ sở giáo dục phổ thông còn chưa phù hợp với điều kiện của nhà trường. Việc phân công GV và bố trí thời khóa biểu dạy học môn KHTN lớp 6 năm học vừa qua còn lúng túng, chưa hiệu quả”. Về phương hướng trong thời gian tới, Bộ yêu cầu các sở GD-ĐT ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng GV của một số môn học hiện tại để tiến tới mỗi GV có thể đảm nhiệm dạy học toàn bộ môn học KHTN, lịch sử và địa lý theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
TUỆ NGUYỄN
TNO