19 ‘quả đấm thép’ làm ăn ra sao sau 4 năm tái cơ cấu?
19 ‘quả đấm thép’ làm ăn ra sao sau 4 năm tái cơ cấu?
Theo Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), từ cảnh thua lỗ, mất vốn, đứng trước nguy cơ phá sản, không ít tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã hồi sinh, thậm chí phát triển mạnh ngay trong đại dịch Covid-19. Những hiệu ứng tích cực đó xuất phát từ chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước.
Năm 2018 là một dấu mốc quan trọng đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khi CMSC được thành lập theo các nghị quyết của Ban chấp hành T.Ư, cũng như quyết định của Thủ tướng trước đó.
Lợi nhuận và tổng tài sản tăng mạnh
Cũng trong năm này, CMSC đã tiếp nhận chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước từ 5 bộ. Trong đó, có 13 tập đoàn, tổng công ty do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 6 tập đoàn, tổng công ty là công ty cổ phần, nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Báo cáo của CMSC cho biết, tại thời điểm 31.12.2018, vốn và tài sản của các công ty mẹ thuộc 19 DNNN này là hơn 1,646 triệu tỉ đồng, chiếm 63,5% tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn nhà nước; tổng vốn chủ sở hữu công ty mẹ là 911.350 tỉ đồng.
Đến năm 2020, tổng tài sản hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty tăng lên hơn 2,4 triệu tỉ đồng (tăng 4,9% so với năm 2016), chiếm 65,3% tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn góp nhà nước; tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất gần 1,1 triệu tỉ đồng, tăng 12% so với năm 2016, chiếm gần 63% tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp có vốn góp nhà nước.
Về kết quả sản xuất kinh doanh, trong giai đoạn 2018 – 2021, công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty có tổng doanh thu đạt hơn 3,357 triệu tỉ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 204.606 tỉ đồng. Trong đó, thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách đạt 278.514 tỉ đồng.
Với báo cáo hợp nhất, tổng doanh thu đạt gần 5,5 triệu tỉ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế đạt trên 378.100 tỉ đồng, thuế và các khoản phát sinh phải nộp ngân sách đạt trên 839.500 tỉ đồng.
Đáng chú ý, dù gặp nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất của 17/19 tập đoàn, tổng công ty đạt trên 892.100 tỉ đồng, bằng 90% kế hoạch năm và bằng 127% so với cùng kỳ; tổng nộp ngân sách nhà nước hợp nhất của 16/19 tập đoàn, tổng công ty đạt trên 125.800 tỉ đồng, bằng 101% kế hoạch năm và bằng 121% so với cùng kỳ…
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sau tái cơ cấu đã hòa lưới điện quốc gia TN |
12 đại dự án thua lỗ, có dự án bắt đầu có lãi
Đối với 10 dự án lớn, quan trọng đã chậm tiến độ từ nhiều năm trước, theo CMSC, các dự án này có tổng mức đầu tư lên tới 259.000 tỉ đồng, trong đó một số dự án đáng chú ý: Dự án Thăm dò khai thác dầu khí 4 lô tại Khu tự trị Nhenhexky – Nga (khoảng 89.000 tỉ đồng); Dự án nhà máy điện Ô Môn IV (tổng mức đầu tư 29.944 tỉ đồng); Dự án thành phần 3 Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (tổng mức đầu tư 10.990 tỉ đồng); Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (tổng mức đầu tư 41.799 tỉ đồng)… Hầu hết các dự án đã và đang được tháo gỡ khó khăn.
Về 12 đại dự án thua lỗ, theo CMSC, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương và sự vào cuộc của các cơ quan, doanh nghiệp liên quan, đến nay một số dự án, doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến trong sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 – Hải Phòng của Công ty CP DAP – (Vinachem) từ năm 2017 đến nay sản xuất ổn định, hàng năm có lãi và đã hết lỗ lũy kế từ tháng 1.2022.
Dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ – PVN có nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, như duy trì vận hành sản xuất khai thác tối đa, hiệu quả 27 dây chuyền sợi DTY, doanh thu bù đắp được chi phí biến đổi và có lợi nhuận trước định phí…
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch CMSC, cho biết nguyên nhân giúp 19 tập đoàn, tổng công ty hoạt động hiệu quả hơn xuất phát từ chủ trương của Đảng về tách bạch giữa những chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với một số bộ, tạo điều kiện quan trọng cho các bộ tập trung thực hiện chức năng quản lý nhà nước, ban hành cơ chế, chính sách pháp luật.
Ủy ban là cơ quan chuyên trách, thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu đối với vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty, hoạt động trong 16 ngành kinh tế, kỹ thuật, được chuyển giao từ 5 bộ.
Thứ hai, Ủy ban đã tiếp nhận và thực hiện đầy đủ, toàn diện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty theo quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29.9.2018 của Chính phủ.
Qua 4 năm hoạt động, ủy ban đã thực hiện ngày càng chuyên nghiệp hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, đạt được nhiều kết quả tích cực đối với việc phát triển nâng cao hiệu quả DNNN.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh TN |
Đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hoá
Trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Hoàng Anh, ủy ban sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty trong hoạt động sản xuất kinh doanh; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tập đoàn, tổng công ty phục hồi và phát triển…
“Các tập đoàn, tổng công ty cần nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức để hoàn thành mức cao nhất kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển; bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực nhà nước giao. Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và giải ngân vốn đầu tư kịp thời để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư kinh doanh quan trọng; thực hiện công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước bảo đảm đúng kế hoạch và công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật”, Chủ tịch CMSC nói.
Vẫn theo ông Nguyễn Hoàng Anh, ủy ban sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền việc hoàn thiện, phát triển mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động để thực hiện tốt hơn chức năng cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Song song với đó, rà soát, phát hiện và đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý còn bất cập, chưa đồng bộ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với tổ chức và hoạt động của ủy ban và doanh nghiệp.
VIỆT ANH
TNO