Tăng thu nhập từ mô hình ‘sinh kế mùa lũ’
Tăng thu nhập từ mô hình ‘sinh kế mùa lũ’
Những ngày này, mùa nước nổi miền Tây đã dâng cao trên khắp các cánh đồng của An Giang, Đồng Tháp.
Ngư dân đầu nguồn phấn khởi hơn khi vừa đánh bắt thủy sản vừa “hốt bạc” từ những mô hình sinh kế bền vững trong mùa lũ, do WB9 hỗ trợ cho các tỉnh đầu nguồn biên giới.
Ngày 28-9, Tuổi Trẻ đã trở lại xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp – nơi nổi tiếng với những mô hình sinh kế mùa lũ có thu nhập “khủng”. Đây là những mô hình được đầu tư bài bản, có hỗ trợ vốn của ngành nông nghiệp tỉnh cùng với kỹ thuật canh tác thích ứng với mùa nước nổi.
Ông Nguyễn Văn Khen (ngụ xã Thường Thới Hậu A) cho biết sau nhiều năm tận dụng mùa nước nổi để nuôi tôm càng xanh, đến năm 2018 ông có thêm vốn đầu tư cho vùng nuôi của mình từ nguồn hỗ trợ của dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL” (WB9) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện.
“Năm nào mùa nước nổi trên đồng kéo dài hơn 2,5 tháng sẽ đạt hiệu quả cao, trúng mùa. Năm nay không biết tình hình nước nôi thế nào, sợ thất thoát, nên tôi chỉ thả nuôi diện tích 7.000m2, dự kiến thu hoạch hơn 1 tấn, với giá từ 200.000 – 300.000 đồng/kg”, ông Khen nói.
Không riêng gì ông Khen, nhiều nông dân tại các địa bàn thực hiện dự án ở Đồng Tháp (các huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình và TP Hồng Ngự) cũng khá thành công với mô hình canh tác lúa và nuôi thủy sản hoặc trồng hoa màu, trồng cây thủy sinh. Do vậy, các địa bàn này giảm được diện tích lúa 3 vụ, đa dạng hóa sản phẩm mùa lũ, giúp tăng lợi nhuận cho nông dân từ 15 – 52 triệu đồng/năm.
Ông Lê Quốc Điền – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp – cho biết địa phương này đã thực hiện 8 mô hình “2 lúa – cá đồng, cá tự nhiên mùa lũ” và mô hình “2 lúa + vịt – cá đồng, cá tự nhiên mùa lũ kết hợp trồng cây thủy sinh” đều đạt hiệu quả kinh tế khá tốt.
“Với những mô hình có điều kiện cơ sở hạ tầng như ao ươm, đê bao lửng… để ươm cá và thả bổ sung kết hợp trữ cá tự nhiên vào mùa lũ, trung bình lợi nhuận thu được từ cá đạt 10-20 triệu đồng/năm/ha. Đối với những mô hình có điều kiện cơ sở hạ tầng, chỉ trữ cá tự nhiên vào mùa lũ, lợi nhuận thu được từ cá đạt 3-5 triệu đồng/ha”, ông Điền nói.
Ông Trần Phùng Hoàng Tuấn – giám đốc Trung tâm Giống thủy sản tỉnh An Giang – cho biết đơn vị cũng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang giao triển khai 4 mô hình trong giai đoạn 2 của WB9 như phát triển lúa đông xuân (an toàn sinh học không sử dụng thuốc trừ sâu, rầy) – nuôi thủy sản mùa lũ (luân canh); lúa – sen hè thu và khai thác thủy sản dựa trên cộng đồng vào mùa lũ; phát triển màu đông xuân – màu xuân hè – lúa nổi kết hợp khai thác thủy sản mùa lũ và đăng quầng đánh bắt thủy sản dựa trên cộng đồng vào mùa lũ… với tổng diện tích hơn 172ha.
Theo ông Tuấn, năm 2022, tổ hợp tác trồng màu, tổ hợp tác khai thác thủy sản mùa lũ và các đơn vị thực hiện mô hình sinh kế đã đề xuất thực hiện thêm hoạt động nuôi cá mùa lũ bằng hình thức xã hội hóa. Việc bổ sung hoạt động này đã giúp dẫn dụ thêm cá tự nhiên vào mô hình để hoạt động khai thác thủy sản đạt hiệu quả cao hơn.
“Chúng tôi đang từng bước giúp người dân tiếp cận và nắm vững các kỹ thuật nuôi thủy sản mùa lũ, đồng thời tuyên truyền và hướng dẫn các phương pháp đánh bắt, khai thác hiệu quả, đúng quy định. Từ đó, giúp cho người dân huyện đầu nguồn An Phú nói chung và người dân trong vùng dự án nói riêng có thêm sinh kế và thêm thu nhập trong mùa lũ” – ông Tuấn nói thêm.