‘Trữ lũ’ trên 88.000ha để cải tạo đất và tăng thu nhập cho nông dân
‘Trữ lũ’ trên 88.000ha để cải tạo đất và tăng thu nhập cho nông dân
Tận dụng bờ bao 3 vụ, Đồng Tháp đã đóng cống nhiều tiểu vùng trong tỉnh với diện tích trên 88.000ha để “trữ lũ” trên đồng. Việc này giúp nông dân vừa tháo chua rửa phèn vừa diệt mầm bệnh trong đất và tăng thêm thu nhập mùa lũ.
Ngày 26-9, ông Lê Quốc Điền – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp – cho biết đến thời điểm này, Đồng Tháp có 4 huyện xả lũ có kiểm soát gồm Tam Nông, Hồng Ngự, Tháp Mười và Cao Lãnh, với tổng diện tích trên 88.000ha.
Việc xả lũ này sẽ giúp đồng ruộng tháo chua rửa phèn. Ngoài ra, việc “trữ nước lũ” trên đồng sẽ giúp cho nông dân có cá, tôm, nâng cao thu nhập mùa lũ.
“Việc trữ lũ trên đồng có ý nghĩa rửa phèn và ém phèn dưới đất, giúp đất tốt hơn. Thêm vào đó, nguồn nước sẽ xử lý axit của rễ lúa, khi tháo nước xuống cày bừa, đất sẽ tốt hơn. Việc trữ nước lũ trên đồng sẽ giúp xử lý các mầm bệnh trong đất, người nông dân có thêm lợi nhuận từ việc đánh bắt cá trên chính cánh đồng ruộng lúa của mình”, ông Điền nói.
Theo kế hoạch, toàn tỉnh Đồng Tháp sẽ xả lũ có kiểm soát hơn 88.000ha. Thời gian xả lũ từ ngày 1-7 đến 15-12, áp dụng cụ thể đối với từng khu vực của từng địa phương. Tùy tình hình lũ, mực nước cho vào ruộng dao động 0,4m – 2m.
Ghi nhận tại huyện Hồng Ngự, khu vực diện tích hơn 3.600ha tại các xã cù lao Phú Thuận A, Phú Thuận B và Long Thuận đã xả lũ nhiều tuần qua. Địa phương chọn lúc con nước lớn đỉnh điểm để đóng cống trữ nước trên đồng.
Thời gian đóng cống kéo dài đến khi có lịch xuống giống cho vụ sản xuất đông xuân 1 tuần. Sau đó, các địa phương sẽ mở nắp cống thoát nước để người dân cày xới, bắt đầu cho mùa vụ chính trong năm.
Được biết, mùa nước nổi năm 2022, huyện Hồng Ngự xả lũ toàn đồng với tổng diện tích hơn 11.000ha, tuy nhiên còn một số nơi vẫn chưa có nước, nhất là ở các khu vực gò cao.