‘Phá băng’ loạt công trình trọng điểm
‘Phá băng’ loạt công trình trọng điểm
Sau thời gian dài “đắp chiếu”, loạt dự án cầu, đường của TP.HCM đang được thúc đẩy tái khởi công, kỳ vọng mang đến diện mạo mới cho giao thông thành phố.
Giải cứu cầu Tân Kỳ – Tân Quý
Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản khẩn trình HĐND TP, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng mới cầu Tân Kỳ – Tân Quý (Q.Bình Tân).
Theo đó, Sở GTVT đề xuất sử dụng vốn ngân sách khoảng 492 tỉ đồng để tái khởi động lại dự án, trong đó bao gồm chi phí thanh toán cho nhà đầu tư đã thực hiện và chi phí đầu tư hoàn thiện các hạng mục còn lại. Việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để chuyển đổi hình thức đầu tư cầu Tân Kỳ – Tân Quý được đánh giá là cần thiết, bởi công trình đã đạt 70% khối lượng thi công và hiện đang tạm dừng. Để sớm hoàn tất đầu tư công trình còn dang dở, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đồng thời hạn chế việc phát sinh chi phí sử dụng vốn và các chi phí liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), công trình cần phải được đầu tư hoàn thiện các hạng mục còn lại. Trong năm 2023 – 2024, các đơn vị sẽ thực hiện công tác GPMB và thi công hoàn thiện công trình, đến 2025 sẽ thông xe cầu.
|
Cầu Tân Kỳ – Tân Quý đã đạt 70% khối lượng thi công và hiện đang tạm dừng ĐỘC LẬP |
Được TP.HCM phê duyệt năm 2017, khởi công đầu năm 2018 theo hình thức đối tác công – tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), cầu Tân Kỳ – Tân Quý mới được người dân trông ngóng từng ngày vì công trình thay thế cầu cũ bị sụt mố cầu năm 2016. Thế nhưng, từ trông ngóng, công trình dần trở thành “tiếng thở dài” ngao ngán khi đến năm 2018, thời điểm đáng ra phải hoàn thành thì công trình lại bất ngờ ngưng thi công. Nguyên nhân ngoài chậm trễ khâu GPMB, dự án còn bị Kiểm toán Nhà nước kiểm tra, kết luận rằng việc đưa cây cầu vào dự án BOT An Sương – An Lạc vì không nằm trên QL1 thuộc BOT này là không phù hợp. Ngoài ra, theo Nghị quyết số 437/2017 của Quốc hội, dự án đường bộ đầu tư hình thức BOT chỉ áp dụng cho các tuyến đường xây mới, trong khi dự án cầu Tân Kỳ – Tân Quý (thay thế cầu cũ) xây trên đường hiện hữu. Sau đó, UBND TP.HCM đã giao các sở ngành đàm phán chấm dứt phụ lục hợp đồng trước thời hạn trên cơ sở đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên, chuyển dự án sang đầu tư bằng vốn ngân sách.
Những rắc rối phát sinh khiến cây cầu đứng hình khi đã hoàn thành 70% khối lượng thi công, vật tư xây dựng nằm phơi sương phơi nắng suốt 4 năm. Theo ghi nhận, bên trong công trình thi công dang dở không một bóng người, trên bờ cỏ mọc um tùm, dưới kênh Tham Lương – Bến Cát lục bình, rác trôi đến bị kẹt lại ùn ứ, ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh sinh sôi. Bên ngoài, hàng rào dựng bằng tôn, lưới với bán kính hơn 40 m án ngữ hoàn toàn khu vực đường Tân Kỳ – Tân Quý đoạn gần QL1, gây ùn tắc nghiêm trọng cửa ngõ phía tây nam thành phố.
Cũng vì công trình ngưng trệ, cơ quan chức năng đã phải xây 2 cầu tạm bằng sắt để đáp ứng nhu cầu lưu thông của người dân. Tuy vậy, cây cầu tạm khoảng 2 m ọp ẹp, vào thời điểm trời mưa, cầu sắt trơn trượt nên thường xuyên có xe cộ di chuyển bị trượt té.
“Việc buôn bán cũng vì vậy mà bị ảnh hưởng nặng nề trong suốt 4 năm qua. Tôi và bạn hàng chỉ mong sao cho cây cầu sớm hoàn thành để việc buôn bán được thuận lợi trở lại”, bà T.H, một người dân sinh sống và buôn bán gần khu vực cầu tạm, chia sẻ.
“Tháo treo” loạt cây cầu trăm tỉ
Trước cầu Tân Kỳ – Tân Quý, cầu Long Kiểng hơn 2 thập niên “đắp chiếu” ở H.Nhà Bè cũng vừa chính thức tái khởi công đầu tháng 9 vừa qua. Dự án nối 2 xã Nhơn Đức và Phước Kiển được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2001 tổng mức đầu tư 557 tỉ đồng nhưng cũng vì kẹt mặt bằng nên suốt 10 năm sau đó vẫn chưa thể khởi công. Phải đến tháng 8.2018, cầu Long Kiểng mới chính thức được đặt những viên gạch đầu tiên và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11.2019 nhưng sau đó, cũng vì chờ mặt bằng nên lại tiếp tục “treo cẩu” sau khi xong vài mố trụ. Hai thập niên công trình đình trệ cũng là ngần ấy thời gian người dân phải di chuyển qua cây cầu sắt cũ nhỏ hẹp, xuống cấp, thường xuyên ùn tắc giờ tan tầm. Việc vận chuyển hàng hóa qua khu vực này cũng bị hạn chế vì cầu cũ không gánh nổi các xe tải trọng lớn, phương tiện vận chuyển hàng hóa phải tìm đường thay thế, tốn thêm nhiều chi phí.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP, cho biết sau khi nhận bàn giao mặt bằng từ UBND H.Nhà Bè, các đơn vị đã dồn lực thi công ngày đêm, đẩy nhanh tiến độ, cam kết hoàn thành và thông xe cầu Long Kiểng vào ngày 31.12.2023 như một lời tri ân, một món quà dâng tặng bà con H.Nhà Bè nói riêng cũng như người dân TP nói chung.
Để phát triển hạ tầng giao thông, đầu tư công không thể đáp ứng nổi. Thế nên dù có quy hoạch tốt cũng sẽ chậm nếu không có phương thức đầu tư phù hợp và đột phá. Nên chăng xem xét áp dụng lại loại hình BT, đa dạng hóa lại các loại hình PPP như các phương thức đầu tư đang áp dụng phổ biến trên thế giới như hình thức DBFOT (Thiết kế, Xây dựng, Tài chính, Vận hành, Chuyển giao), BOOT (Xây dựng, Sở hữu, Vận hành, Chuyển giao)…
Thông tin cầu Long Kiểng, cầu Tân Kỳ – Tân Quý tái khởi động không chỉ kéo theo kỳ vọng của người dân H.Nhà Bè, Q.Bình Tân mà còn khiến các hộ dân đang sinh sống tại TP.Thủ Đức “đứng ngồi không yên” vì địa phương này còn tới 2 cây cầu đang lay lắt chờ giải tỏa. Cụ thể, dự án Xây dựng cầu Nam Lý (P.Phước Long B) thay thế cầu cống đập Rạch Chiếc có vốn đầu tư 857 tỉ đồng, khởi công từ tháng 10.2016, dự kiến hoàn thành sau 18 tháng nhưng đến nay vẫn còn vướng hơn 30 hộ dân chưa đồng thuận về giá đền bù, khiến công trình phải tạm ngưng thi công. Tương tự, dự án Xây dựng cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai bắc qua rạch Trau Trảu có tổng mức đầu tư 450 tỉ đồng, khởi công năm 2017, dự kiến hoàn thành cuối năm 2019 nhưng đến giờ cũng chưa giải quyết xong khâu GPMB để về đích.
Theo ông Lương Minh Phúc, 2 cây cầu này hiện nằm trong danh sách những dự án đã ghi vốn cho công tác bồi thường GPMB, khởi động từ năm 2021. UBND TP.Thủ Đức đã cam kết dự kiến trình duyệt giá, bồi thường chi trả cho người dân vào quý 4. Từ nay đến cuối năm, dự kiến TP.HCM sẽ có một loạt công trình được bàn giao mặt bằng để tổ chức thi công từ đầu năm sau, trong đó bao gồm cầu Tăng Long và cầu Nam Lý.
Thêm cơ chế huy động vốn
Chính sách giá đất mới, cùng cách làm mới được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong công tác GPMB, giúp ngành giao thông TP.HCM sớm “hái trái ngọt”. Tuy nhiên, để các dự án “chạy” nhanh hơn mà không phải phụ thuộc hết vào ngân sách, vẫn còn nút thắt nguồn vốn chưa được tháo gỡ.
Tại hội thảo chuyên đề về quy hoạch GTVT TP.HCM mới đây, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết tiến độ thực hiện Quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 còn chậm, chỉ đạt khoảng 35% so với quy hoạch theo Quyết định 568 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2013. Nguyên nhân là thiếu cơ chế huy động các loại hình vốn ngoài ngân sách.
Nhu cầu vốn để xây dựng hạ tầng giao thông của TP.HCM từ nay đến năm 2025 cần hơn 533.500 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách khoảng 218.239 tỉ đồng và vốn khác (ODA, PPP…) là 315.290 tỉ đồng. Còn giai đoạn từ 2026 – 2030, nhu cầu vốn để đầu tư cho các dự án khoảng 437.125 tỉ đồng. Trước đây, TP kỳ vọng có rất nhiều phương thức huy động vốn hấp dẫn. TP.HCM từng là nơi đầu tiên thí điểm phương thức huy động vốn BT như tuyến Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, cầu Sài Gòn 2… sau đó thúc đẩy Chính phủ ban hành các chính sách, nghị định hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, sau khi luật PPP ban hành đã bỏ luôn hình thức BT thanh toán bằng quỹ đất. Trong khi đó, loại hình BOT rất khó khăn, phương thức đầu tư ngoài ngân sách rất hạn chế.
HÀ MAI
TNO