Hà Nội tăng giá vé giữ xe với mục tiêu tăng thu cho ngân sách, giảm xe cá nhân vào nội đô, nhưng được hưởng lợi nhiều nhất lại là hàng trăm điểm trông giữ xe tự phát…
Tăng giá giữ xe: Tiền vào túi ai?
Hà Nội tăng giá vé giữ xe với mục tiêu tăng thu cho ngân sách, giảm xe cá nhân vào nội đô, nhưng được hưởng lợi nhiều nhất lại là hàng trăm điểm trông giữ xe tự phát…
Nghịch lý đang diễn ra khi Hà Nội tăng giá vé giữ xe với mục tiêu tăng thu cho ngân sách, giảm xe cá nhân vào nội đô, nhưng được hưởng lợi nhiều nhất lại là hàng trăm điểm trông giữ xe tự phát đang ngang nhiên hoạt động.
Thậm chí, tại những điểm giữ xe có phép, ngân sách vẫn thất thu khi vé bị thu vọt giá, quay vòng vé, không xé vé…
Giá loạn cào cào, thu vô tội vạ
11 giờ trưa 11.1, ghé ô tô vào điểm đỗ được cấp phép cho Sở Quy hoạch – Kiến trúc (bảng đề Giấy phép số 533/GTVT-GTĐT do Sở GTVT cấp ngày 15.11.2014) trên đường Hoàng Đạo Thúy (Q.Cầu Giấy), một người đàn ông không mặc đồng phục thu của chúng tôi 30.000 đồng/lượt tính đến 12 giờ trưa. Khi được hỏi “có vé không?”, người này nói: “Không có vé. Những chỗ có vé đều áp giá mới 75.000 đồng/lượt đấy, mới áp giá mới ở 4 quận nội thành thôi, quận này thì chưa lên giá, còn rẻ đấy”.
Nhân viên tại điểm trông giữ của Công ty Anh Duy thu 50.000 đồng/lượt nhưng không xuất véẢNH: M.HÀ
2 giờ chiều cùng ngày, khi chúng tôi đưa xe vào điểm đỗ tại hồ Hoàn Kiếm, khu vực phía trước quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, thuộc bãi trông giữ của Công ty TNHH Hà Nội Bốn Mùa (Q.Hoàn Kiếm), một nhân viên găm vé trước cửa kính ô tô. Vé xe theo giá mới của UBND TP.Hà Nội cho 25.000 đồng/giờ đầu tiên. Đây cũng là bãi trông giữ rất nhộn nhịp với hàng chục ô tô. Đáng chú ý, vé xe được nhân viên này đưa cho chúng tôi, biển số, ngày giờ gửi đã được xoá đi, ghi đè lên trên nền một vé cũ. Biển số xe của chúng tôi là 29A-154… vào bãi gửi lúc 13 giờ 55, trong khi vé cũ có biển số 29A-1598… gửi lúc12 giờ cùng ngày.
Sẽ đuổi việc nhân viên thu tiền mà không vào hệ thống
Phản ánh với bà Nguyễn Thị Thuý Hương, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, về việc nhân viên thu vé không ghi sổ, không vào hệ thống chiều 12.1, bà Hương cho biết sẽ cho kiểm tra lại ngay. Với những trật tự viên của công ty không phát hành vé, không nhập dữ liệu vào hệ thống mà vẫn thu tiền của khách sẽ xử phạt, đuổi việc. “Trước đây, vi phạm có thể kỷ luật, trừ lương, nhưng nay phải làm nghiêm”, bà Hương nói, nhưng cũng thừa nhận, dù tăng cường các biện pháp vẫn xảy ra tình trạng sai sót không thể tránh của một số nhân viên trông giữ.
Đáng nói hơn, chiều 11.1, khi ghé phố Thái Phiên (P.Lê Đại Hành, Q.Hai Bà Trưng) thuộc điểm trông giữ của Công ty TNHH đầu tư phát triển Anh Duy (được Sở GTVT cấp phép), một nam thanh niên ra hướng dẫn chúng tôi đỗ xe vào trong phần vạch kẻ. Thay vì đưa vé, anh này ghi biển số, giờ đỗ của chúng tôi vào một tờ giấy. Hơn 30 phút sau khi ra lấy xe thì được hét giá 50.000 đồng. Chúng tôi hỏi vé xe và thắc mắc giá quá cao, anh này nói “không có vé đâu”, và nói “giá cao do nhà nước lên chứ không phải em lên, không có giá 30.000 đâu, nhanh cho xe khác còn vào”.
Thậm chí, với những đơn vị đã triển khai dịch vụ thu vé tự động iParking như Công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ xe Hà Nội – được kỳ vọng sẽ giảm tối đa tình trạng thu giá vé bát nháo – vẫn xảy ra tình trạng nhân viên thu tiền không ghi vé, không vào hệ thống.
14 giờ 15 ngày 12.1, chúng tôi ghé điểm đỗ của Công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ xe trên đường Giảng Võ (đoạn ngã tư phía giao với đường Trần Huy Liệu) thuộc Q.Ba Đình, một nhân viên ra đánh số giờ vào bánh xe, không phát vé cũng không nhập biển số xe vào hệ thống iParking theo quy định, nhưng vẫn thu 25.000 đồng cho lượt giờ đầu tiên.
Bãi xe tự phát ngang nhiên tồn tại
Sáng 12.1, chúng tôi vào khu đất trống tại 68 Vũ Phạm Hàm (P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy), bên ngoài dựng tôn kín mít, cổng vào đề dòng chữ “Giữ xe hàng ngày” đã được xóa đè ghi lên thành “Rửa xe hàng ngày”. Một phụ nữ cho biết đây là đất dự án, nhưng có thể gửi xe lâu dài với giá 1 triệu đồng/tháng để ngoài trời và 1,2 triệu/tháng có mái che, vé lượt 30.000 đồng/xe. Chỉ ra dãy ô tô con xếp hàng, người này cho biết “toàn xe của các hộ dân bên chung cư, dự án cả. Giá bên này còn mềm chán, đang chuẩn bị nhận thêm 20 xe”.
Bà này cho hay vẫn đang để giá cũ, chưa tăng giá, nhưng ra Tết Nguyên đán sẽ tăng giá theo mức tăng chung. Theo quan sát, bãi xe tự phát này rất đắt khách do phía sau là hàng loạt dự án chung cư và văn phòng công sở. Nhưng, nơi giữ này không hề có các dụng cụ PCCC tối thiểu nhất.
Tại một điểm giữ xe khác ở P.Yên Hoà (Q.Cầu Giấy), gần toà nhà Green Park, được xây dựng rất kiên cố với nhiều hệ thống mái che, chuyên nghiệp hơn, một phụ nữ đưa cho chúng tôi hợp đồng nếu gửi tháng thì giá 1 triệu đồng/xe, gửi lượt 30.000 đồng/ngày và 50.000 đồng/đêm. Hợp đồng do ông Nguyễn Văn Q. đứng tên bên A, nhưng theo phụ nữ này, “cứ gửi xe bình thường, hợp đồng ký cũng được, không ký cũng được”.
Tình trạng các bãi gửi xe không phép, hết thời hạn giấy phép nhưng vẫn hoạt động khá phổ biến tại khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm (P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai). Cụ thể, tuyến đường tiếp giáp giữa các toà nhà HH1, HH3 với công viên bị lấn chiếm một phần vỉa hè, lòng đường làm bãi gửi xe ngày và đêm. Phí gửi xe theo tháng ở đây là 1,3 triệu đồng/tháng, 30.000 đồng/lượt, 50.000 đồng/lượt qua đêm.
Quanh khu chung cư HH2, HH4, phía mặt phố Linh Đường cũng có bãi giữ xe lấn chiếm lòng đường. Đơn vị cắm biển trông giữ xe ở đây là Công ty CP thương mại dịch vụ Vương Lê (biển cắm trông giữ xe không ghi thông tin cơ quan nào cấp phép), có địa chỉ ở 246 phố Tân Mai (P.Tân Mai, Q.Hoàng Mai). Giá trông giữ theo lượt là 30.000 đồng/lượt không quá 120 phút. Mỗi xe vào gửi đều phải nộp tiền trước, nhưng không phải xe nào bảo vệ cũng giao vé cho chủ xe.
Phần lòng đường của phố Linh Đường phía giáp tòa nhà HUD3 Linh Đàm cũng bị Công ty CP thương mại dịch vụ Vương Lê lấn chiếm, cắm biển làm bãi đỗ xe trái phép. Trên phần lòng đường này, vạch sơn được kẻ mở. Theo tìm hiểu của chúng tôi, dọc tuyến phố Linh Đường hiện nay, không có đơn vị nào được cấp phép lập bãi trông giữ xe dưới lòng đường.
Đa số các bãi gửi xe tự phát đều được trưng dụng từ đất các dự án chưa xây dựng. Tại khu vực 1 Láng Hạ (P.Thành Công, Q.Ba Đình), bên ngoài cũng đề “Rửa xe” nhưng bên trong được xây dựng mái che kiên cố với cả trăm ô tô đỗ san sát. Nhân viên cho biết, điểm trông giữ này đã kín xe đăng ký hợp đồng tháng.
Không chỉ vậy, ngay cả các điểm đất công cũng được trưng dụng làm bãi đỗ xe khi nhu cầu người dân tăng cao, và tất nhiên không hề được cấp phép trông giữ xe. Tại Trung tâm văn hóa thể thao Q.Đống Đa trên đường Hoàng Cầu, thuộc đất của UBND Q.Đống Đa, một bảo vệ cho biết, nếu gửi theo tháng thì hợp đồng là 1 triệu đồng/tháng, còn nếu đỗ ngày là 50.000 đồng/lượt.
Với giải pháp tăng giá giữ xe, Hà Nội đặt kỳ vọng giảm lượng phương tiện đi vào nội đô và một phần tăng ngân sách. Nhưng trên thực tế, khi phương tiện công cộng chưa đáp ứng được, trong khi nhu cầu đi lại và đỗ xe vẫn cao, người dân buộc phải tìm tới các điểm đỗ tự phát. Đồng thời, việc thiếu kiểm soát tình trạng tăng giá vé tràn lan với các bãi được cấp phép chính thức cũng khiến dòng tiền khổng lồ từ trông giữ xe của TP đang đổ vào túi một số cá nhân, thay vì vào ngân sách như kỳ vọng.
Theo Quyết định 44 của UBND TP.Hà Nội, từ ngày 1.1.2018, giá trông giữ xe máy tại địa bàn các quận tăng từ 3.000 đồng lên 5.000 đồng/lượt ban ngày và 5.000 đồng lên 8.000 đồng/lượt ban đêm.
Giá trông giữ ô tô tại khu vực đô thị lõi (gồm: phố Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Hàng Đường, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Giấy, Phủ Doãn, Quán Sứ) với ô tô dưới 9 chỗ tăng từ 20.000 đồng lên 30.000 đồng/lượt 1 giờ, giá vé tháng (cả ngày, đêm) tăng lên 3 – 4 triệu đồng/xe.
Các tuyến phố còn lại của Q.Hoàn Kiếm và các tuyến nằm trong vành đai 1 tăng từ 15.000 đồng lên 25.000 đồng/1 giờ đầu tiên và lũy tiến theo bậc thang: 50.000 đồng/lượt 2 giờ đầu, 70.000 đồng/lượt 2 giờ tiếp theo và 45.000 đồng/giờ thứ 5 trở đi.
Các tuyến phố nằm trong vành đai 3 có giá 30.000 – 40.000 đồng/lượt 2 giờ, từ 1,5 – 1,8 triệu đồng/tháng.