Ấn Độ hạn chế xuất khẩu, gạo Việt tăng giá
Ấn Độ hạn chế xuất khẩu, gạo Việt tăng giá
Thị trường lúa gạo Việt Nam đang nóng lên từng ngày sau lệnh cấm xuất khẩu tấm và hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ.
Giá tăng, khan hàng
Theo các doanh nghiệp (DN) ở TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL, động thái cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với các loại gạo trắng của Ấn Độ đã kích thích giá gạo Việt Nam tăng trở lại dù giao dịch vẫn còn chậm. Để đón đầu, các DN chủ động gom hàng nên giá gạo tại thị trường nội địa tăng mạnh, từ 400 – 600 đồng/kg so với tuần trước.
Giá gạo Việt Nam đang tăng sau khi Ấn Độ áp thuế nhằm hạn chế xuất khẩu gạo TRẦN THANH PHONG |
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, cho biết: Thị trường nội địa hiện nay còn nhộn nhịp hơn xuất khẩu vì đang cuối vụ thu hoạch lúa hè thu nên sản lượng trong dân còn ít, cộng với nhu cầu cao nên giá gạo tăng từng ngày. Riêng giá gạo xuất khẩu cũng đang tăng và cao hơn tuần trước từ 20 USD/tấn trở lên. Lý giải về giao dịch chưa theo kịp với đà tăng giá, ông Đôn cho biết do diễn biến bất ngờ từ Ấn Độ nên cả bên mua và bán đều thận trọng. Khi Ấn Độ hạn chế giao dịch lúa gạo, tăng thuế thì khách hàng tìm đến các nguồn cung thay thế, trong đó có Việt Nam. Giá gạo của Việt Nam có thể duy trì ở mức cao trong thời gian tới, ít nhất đến cuối tháng 10 hoặc khi nào Ấn Độ có động thái mới.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cũng xác nhận thị trường lúa gạo Việt Nam đang chuyển biến rất tích cực. Mặt hàng tăng giá chủ yếu là gạo trắng vì đây là nhóm sản phẩm Ấn Độ áp thuế 20% để hạn chế xuất khẩu; giá các mặt hàng khác cũng có xu hướng đi lên nhưng ít hơn. Điều này kéo thị trường gạo nội địa tăng, giúp nông dân bán được giá cao hơn và bù đắp phần nào chi phí sản xuất tăng mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên hiện Việt Nam cũng không còn nhiều gạo để xuất khẩu, chỉ khoảng 1 – 1,4 triệu tấn. Việc tăng giá gạo lần này có ý nghĩa về lâu dài, đặc biệt là với vụ đông xuân sắp tới.
Nói về cơn “sốt giá” lương thực toàn cầu cũng như những diễn biến mới của thị trường gạo, TS Lê Đăng Doanh cho rằng: Đây là hệ quả của nhiều yếu tố, bao gồm việc giá phân bón và xăng dầu tăng mạnh trong vòng 1 năm qua, bên cạnh ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraine làm giảm mạnh nguồn cung lúa mì từ hai nước này. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu gây ra thiên tai khắc nghiệt ở nhiều nơi trên toàn cầu, nạn đói ở một số nơi. Việt Nam may mắn có thế mạnh về nông nghiệp nên chưa bị tác động nhiều của cơn sốt giá lương thực toàn cầu mà vẫn còn dư ra một lượng lớn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của thế giới.
“Nông nghiệp Việt Nam là bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế nên Nhà nước cần có chính sách để chống đỡ trước sức ép tăng giá đầu vào. Bên cạnh đó, rất cần được đầu tư, tái cơ cấu, hiện đại hóa để tiếp tục duy trì sự ổn định về lâu dài”, TS Lê Đăng Doanh nói.
Giá gạo có thể còn tăng
Theo các DN Ấn Độ, việc áp thuế hạn chế xuất khẩu gạo của nước này có thể khiến giá gạo tăng thêm tới 50 USD/tấn và sản lượng xuất khẩu sụt giảm 4 – 5 triệu tấn/năm.
Kinh doanh cả xuất và nhập khẩu gạo, ông Trần Vũ Khánh, Giám đốc Công ty Hiệp Quang ở TP.HCM, bình luận: Dù hành động của Ấn Độ có hơi bất ngờ nhưng cũng là điều dễ hiểu. Bất ngờ vì từ đầu năm khi cơn sốt giá lương thực toàn cầu xảy ra, nhiều lần Ấn Độ định hạn chế hoặc cấm xuất khẩu gạo nhưng không thực hiện. Đến thời điểm này, khi không ai nghĩ đến thì điều đó lại xảy ra. Có thể Ấn Độ nhận thấy tình trạng lũ lụt lịch sử ở nước láng giềng Pakistan – một trong 4 nước xuất khẩu gạo hàng đầu châu Á, nên phải tính toán.
DN nhập khẩu gạo từ Ấn Độ gặp khó
Lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ được công bố ngày 8.9, hiệu lực từ ngày 9.9. Các lô hàng tiếp tục được xuất khẩu đến ngày 15.9 nếu đáp ứng được một số điều kiện về thủ tục. Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ khuyến cáo các DN Việt Nam đã ký hợp đồng với các đối tác Ấn Độ cần nhanh chóng liên hệ người bán để kiểm tra tình trạng giao hàng và đàm phán lại hợp đồng với những lô hàng chưa xuất khẩu.
Tuy nhiên, đến ngày 15.9, ông Trần Vũ Khánh, Giám đốc Công ty Hiệp Quang, cho biết: “Chúng tôi vẫn còn vướng 10 hợp đồng khoảng 10.000 tấn chờ giải quyết. Quyết định áp thuế làm giá cả hàng hóa đột nhiên tăng thêm 20%. Chúng tôi đang tích cực thương lượng với nhà cung cấp và cả khách hàng để tìm giải pháp cho vấn đề này”.
“Là một nước dân số đông, Ấn Độ luôn phải đặt trọng tâm vào bảo đảm an ninh lương thực. Đó có thể là động cơ cho quyết định lần này. Nước này đồng thời là nhà xuất khẩu gạo lớn trên thế giới khi chiếm tới 40% thị phần. Vì thế, quyết định của Ấn Độ giúp các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam, được lợi”, ông Khánh nhận định.
Nhìn trên cục diện rộng hơn, ông Khánh phân tích: Việt Nam có một lượng lớn khách hàng từ châu Phi. Tuy nhiên, nhờ lợi thế địa lý gần hơn và giá rẻ nên trước nay gạo Ấn Độ cạnh tranh rất quyết liệt với gạo Việt Nam tại thị trường này. Nay Ấn Độ áp thuế 20% với các loại gạo trắng, ngoài mục đích bảo đảm an ninh lương thực nội địa còn có mong muốn tăng giá lên ngang bằng Việt Nam và Thái Lan. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của gạo Ấn Độ tại thị trường châu Phi và Việt Nam được hưởng lợi. Từ đầu năm đến nay, giá thành sản xuất gạo của Việt Nam cao, đến 12.000 – 13.000 đồng/kg nhưng giá xuất khẩu lại khá thấp. Động thái của Ấn Độ giúp giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện tăng khoảng 15% so với tuần trước, giúp các DN có thêm tinh thần kinh doanh.
Ngoài Việt Nam, giá gạo của Thái Lan cũng đang tăng từng ngày. Trang web của Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho biết: Ngày 14.9, gạo 5% tấm ở mức 444 USD/tấn, tăng 13 USD/tấn so tuần trước. Vài ngày sau khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, Thái Lan đã điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2022 từ 7 triệu lên 7,5 triệu tấn. Trong 7 tháng đầu năm 2022, Thái Lan đã xuất khẩu 4,75 triệu tấn gạo, tăng 53% so cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 3 với khoảng 4,2 triệu tấn, kế đến là Pakistan gần 2,5 triệu tấn; còn Ấn Độ đứng đầu với khoảng 11,2 triệu tấn. Năm 2022, Việt Nam dự kiến xuất khẩu 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo, giá trị 3,3 tỉ USD.
CHÍ NHÂN
TNO