Doanh nghiệp Đan Mạch ‘mê’ Việt Nam
Doanh nghiệp Đan Mạch ‘mê’ Việt Nam
Nhiều công ty Đan Mạch đang đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam, trong bối cảnh vị thế của Việt Nam đang ngày một tăng và trở thành trung tâm sản xuất công nghệ quan trọng của khu vực cũng như thế giới.
Đó là nhận định được cây bút David Hutt đưa ra trong bài viết “Điều gì đang thu hút các công ty Đan Mạch đến Việt Nam?”, đăng trên website của Đài Deutsche Welle (DW, Đức) hôm 7-9. Hiện nay, số công ty Đan Mạch đầu tư tại Việt Nam nhiều gấp đôi số công ty của các nước Bắc Âu khác cộng lại.
Tại sao chọn Việt Nam?
“Đan Mạch và Việt Nam có mối quan hệ rất thân thiết và năm ngoái chúng tôi đã kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Do đó, Việt Nam luôn là điểm đến đầu tư quan trọng của các công ty Đan Mạch” – ông Troels Jakobsen, tham tán thương mại tại Đại sứ quán Đan Mạch ở Hà Nội, nhận định.
Ông cho biết ngày càng nhiều công ty đang hướng tới đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ, và “Việt Nam nằm rất cao trong danh sách các ứng viên hàng đầu mà các công ty Đan Mạch mong muốn mở rộng hoạt động tại châu Á”.
Trong năm nay, Đan Mạch đã nổi lên là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, phần lớn nhờ vào cam kết đầu tư trị giá 1 tỉ USD của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) để xây dựng nhà máy đầu tiên của họ tại Việt Nam – dự kiến là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO.
“Chúng tôi muốn đầu tư vào một nơi gần với các thị trường lớn của mình, giúp chúng tôi hỗ trợ khách hàng và người tiêu dùng nhanh chóng. Chúng tôi cũng cần một nơi có thể tuyển dụng lao động trình độ tốt để sản xuất các sản phẩm LEGO chất lượng cao” – người phát ngôn của LEGO giải thích với Đài DW.
Khi đưa tin về khoản đầu tư 1 tỉ USD của LEGO vào Việt Nam, báo Financial Times từng nhận định Việt Nam trong những năm gần đây đã trở thành một điểm sản xuất có chi phí thấp hơn thay cho Trung Quốc trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
Việt Nam cũng đang nhanh chóng trở thành trung tâm sản xuất công nghệ quan trọng. Các gã khổng lồ công nghệ như Apple (Mỹ), Samsung (Hàn Quốc) gần đây đã công bố kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam đang đầu tư đáng kể vào các nguồn năng lượng tái tạo để thúc đẩy cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Giới chuyên gia cho rằng Việt Nam thu hút các công ty nước ngoài một phần nhờ vị trí thuận lợi (như gần Trung Quốc và các thị trường khác), phần khác cũng đang có sự cải thiện cơ sở hạ tầng và khả năng kết nối.
Hấp dẫn với năng lượng sạch
Kể từ lúc Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8-2020, hoạt động thương mại và đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam đã bùng nổ. Thống kê cho thấy trong năm 2021, thương mại hai chiều Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) đạt 63,6 tỉ USD, tăng 14,8% so với năm 2020.
Đài DW cho rằng một điểm hấp dẫn nữa với các doanh nghiệp Đan Mạch là Việt Nam hướng tới năng lượng tái tạo. Bà Lina Hansen, thứ trưởng ngoại giao Đan Mạch phụ trách thương mại và bền vững toàn cầu, gần đây đã chỉ ra năng lượng là yếu tố quyết định chính để họ đầu tư vào Việt Nam.
Việt Nam hiện nằm trong số 10 quốc gia sản xuất điện mặt trời hàng đầu thế giới, năng lượng tái tạo chiếm hơn 11% tổng sản lượng điện toàn hệ thống. Với bờ biển dài hơn 3.260km, Việt Nam cũng đang đầu tư nhiều cho điện gió.
Công ty năng lượng lớn nhất Đan Mạch là Orsted đã đề xuất làm dự án điện gió có tổng công suất 3.900MW ngoài khơi Hải Phòng, với mức đầu tư ước tính từ 11,9 – 13,6 tỉ USD. Hồi tháng 8, Orsted đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) với Công ty TNHH MTV dịch vụ cơ khí hàng hải PTSC để khởi động quan hệ hợp tác trong các dự án điện gió ngoài khơi.
“Việt Nam có lợi thế tự nhiên về gió ngoài khơi. Với hơn 3.000km bờ biển, mực nước nông và tốc độ gió ổn định, Việt Nam có các điều kiện tuyệt vời để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi đáng tin cậy và có khả năng cạnh tranh về chi phí” – ông Sebastian Hald Buhl, giám đốc Orsted tại Việt Nam, nhận định.
Từ Mỹ tới Hàn Quốc, Thái Lan
Giới chuyên gia nhận định sức hấp dẫn của Việt Nam với vai trò là một trung tâm sản xuất đã cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây. Tháng trước, Hãng Apple (Mỹ) thông báo sẽ bắt đầu sản xuất Apple Watch và MacBook tại Việt Nam. Trong khi đó, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam trong một số năm.
Ngày 8-9, báo Bangkok Post đưa tin Thai Oil Plc (TOP), công ty lọc dầu lớn nhất Thái Lan tính theo công suất, đang mong muốn đầu tư vào Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ trong lĩnh vực lọc dầu, dầu nhờn và các sản phẩm hóa dầu có giá trị cao.