Tiết kiệm thế nào để mua được nhà trước tuổi 30?
Tiết kiệm thế nào để mua được nhà trước tuổi 30?
Sở hữu một căn nhà ở thành phố luôn là mơ ước của người trẻ hiện nay, thế nhưng để biến điều ước đó trở thành hiện thực là một hành trình dài.
Mua được nhà trả góp, nhưng không thắt lưng buộc bụng
Một buổi tối, khi tan ca làm, thay vì về nhà trọ như những năm trước thì Nguyễn Phước Huy (30 tuổi, đang là chuyên viên marketing ở Khu công nghệ cao) chạy xe máy thong dong từ công ty về căn hộ ở TP.Thủ Đức (TP.HCM). Huy gửi xe máy ở hầm, bước chậm rãi đầy tự tin lên căn hộ mới mua của mình. Bước vào trong, tường nhà còn thơm mùi sơn, những cánh cửa còn bóng loáng là tổ ấm mới của Huy sau những tháng ngày ở trọ.
Anh cho biết căn nhà có diện tích 59 m2 này được mua vào hồi cuối năm 2021 với giá gần 2,5 tỉ đồng, điều mà cách đây 5 năm Huy không dám mơ mình sẽ sở hữu. Tuy nhiên, sau một thời gian dài làm việc thì Huy cũng nghĩ đến. Huy gom góp tiền tiết kiệm, trả trước 30% tiền căn hộ, vay thêm ngân hàng rồi trả góp mỗi tháng.
Để mua được nhà, Huy phải lên kế hoạch trước khoảng 2 năm. Tính kỷ luật từ đó được Huy đề cao, tránh xa cám dỗ như mua sắm điện thoại, quần áo, tiệc tùng… Ngoài ra, anh cân nhắc số tiền mình vay, để sau mỗi tháng trả nợ ngân hàng xong anh vẫn còn một khoản tiền đủ để sống mà không thắt lưng buộc bụng.
Nhiều bạn trẻ hiện đã mua được nhà ở TP.HCM PHẠM HỮU |
“Tôi tìm cách tăng thu nhập bằng nguồn khác và sống tiết kiệm, bớt chi không cần thiết. Giữ cho bản thân một điểm số tín dụng thật tốt, đừng để nợ xấu xảy ra, nhất là trả chậm các khoản vay tiêu dùng của ngân hàng hay thẻ tín dụng. Nền tảng công việc khá quan trọng, tôi luôn giữ cho sự nghiệp vững vàng trước khi quyết định mua nhà”, Huy nói. Tôi hỏi: “Mua nhà bằng lương hiện nay được không?”. Huy nhấn mạnh: “Mức lương phải thật sự cao”.
Từng là một giáo viên, sống lây lất ở phòng trọ nhiều năm, Quang Thụy Quế Thanh (32 tuổi), nhân viên bất động sản ở TP.Thủ Đức, cảm thấy cần phải có một căn nhà cho mình. Với mức lương giáo viên trên dưới 8 triệu đồng/tháng, Thanh còn khó nuôi sống bản thân huống chi mua nhà. Thế là nữ giáo viên này đổi việc, chuyển sang làm nhân viên kinh doanh bất động sản. Mục đích là để tăng thu nhập và tiếp cận gần hơn với ước mơ cầm chiếc chìa khóa tự mở cửa căn nhà của mình.
“Khi đã có đòn bẩy thì mục tiêu cứ thế hướng tới, quan trọng là ý chí của bản thân. Tôi cày ngày cày đêm, phải nói là không nghỉ, tìm khách để bán nhà rồi nhận hoa hồng. Khi thị trường bất động sản sôi động, mỗi tháng tôi để dành được từ 30 – 50 triệu đồng. Tôi liều mình đặt cọc hết số tiền để dành lâu nay mua dự án căn hộ chưa hình thành với giá hơn 3 tỉ đồng với 2 phòng ngủ”, Thanh nói.
Sở dĩ Thanh liều mình như vậy vì chủ đầu tư có chính sách ân hạn, miễn trả lãi và gốc trong vòng 24 tháng cho người mua nhà. Trong 2 năm đó, Thanh lại tiếp tục nỗ lực kiếm tiền mà không phải chịu áp lực, gánh nặng trả lãi và gốc. Thanh tiếp tục sử dụng số tiền tích lũy trong 2 năm đó đầu tư vào một mảnh đất ở quê. Sau khi có lời, cô bán đi, cộng với tiền vay mượn thêm từ gia đình, Thanh đã mua đứt căn hộ mà không phải vay nợ ngân hàng. Năm 2019, Thanh chính thức sở hữu ngôi nhà đầu tiên trong đời khi ở tuổi 29.
Khi nhìn lại, Thanh cho rằng: “Nếu chỉ làm công ăn lương, rất khó mua được nhà ở thành phố. Bạn trẻ phải mạnh dạn thay đổi. Điều quan trọng là bạn biết nắm bắt, dám nghĩ, dám làm, xây dựng kế hoạch tài chính kỹ càng và cố gắng kiếm tiền mỗi ngày”.
Để mua được nhà là một vấn đề của người trẻ |
“Cày” cật lực để trả nợ ngân hàng
Mua được nhà, tận hưởng cuộc sống mỗi ngày trong căn nhà của mình nhưng không có nghĩa bạn trẻ đã hết áp lực. Đó chỉ mới là một nửa của giấc mơ có nhà. Phía sau đó còn là hành trình dài mà mỗi ngày người trẻ phải đương đầu với số tiền trả góp cho chính ngôi nhà của mình.
Thực tế, đa phần người trẻ phải gánh nợ để có được nhà. Nhiều người nói rằng có nợ mới có động lực “cày” trả nợ. Và với N.K.N (33 tuổi), làm nghề tự do, ngụ TP.Thủ Đức, là một trường hợp ngược lại, sau mua nhà anh như quay trở lại điểm xuất phát. N. chia sẻ trước năm 2017 công việc của N. rất thuận lợi, anh kiếm được rất nhiều tiền và có một khoản tích lũy tương đối khá. N. quyết định tự lập, ra ở riêng và dùng tiền tiết kiệm để đóng 30% số tiền mua căn hộ giá 1,4 tỉ ở TP.Dĩ An, Bình Dương.
“Khi dọn vào ở, tôi lập gia đình rồi sinh con, tưởng đã sở hữu được căn nhà cho riêng mình, tận hưởng cuộc sống nhưng nào ngờ dịch Covid-19 ập đến, tôi mất việc, thu nhập cũng tiêu tan. Điều này đồng nghĩa với việc mất khả năng chi trả tiền nhà. Tôi phải bán gấp căn nhà hồi năm 2020 trước khi ngân hàng phát mãi”, N. tâm sự và cho rằng sai lầm trước khi mua nhà là anh chưa hề tính bài toán kinh tế lâu dài, chỉ biết mua nhà, trả góp và coi như đó là tài sản để dành.
Vừa mua được căn hộ cách đây không lâu nhưng Đặng Gia Minh (33 tuổi) đang thuê nhà ở chung cư đường số 3, P.An Phú, TP.Thủ Đức, cho biết anh không chọn cách vào ở mà vẫn thuê nhà nơi khác. Nguyên nhân anh đưa ra vì vị trí căn nhà nằm ở TP.Thủ Đức, giáp địa phận tỉnh Đồng Nai, cách vị trí làm việc của anh hàng chục cây số.
“Thực tế, tôi không có lựa chọn nào khác ngoài mua nhà ở vị trí đó vì nó phù hợp với túi tiền, khả năng chi trả của bản thân, nhưng tôi không thể ở. Bởi mỗi ngày tôi phải chạy đoạn đường thật xa, chi phí xăng, sức khỏe, thời gian dường như sẽ tăng gần bằng tiền trả góp căn nhà. Đồng thời, hệ thống giao thông vẫn chưa ổn định, nếu đi sớm về khuya thật sự là một nguy hiểm. Do vậy, tôi cho thuê lại với giá 4 triệu đồng bù vào số tiền 6 triệu đồng tiền trả góp ngân hàng mỗi tháng. Mặt khác, tôi xem nó như tài sản để dành sau này cho mình hơn”, Gia Minh nói.
Mua nhà hồi năm 2018, Võ Bá Tùng (33 tuổi, ngụ chung cư Topaz Elite, P.4, Q.8, TP.HCM) cho biết từ ngày có nhà, mỗi ngày dù đã đến nửa đêm nhưng Tùng vẫn cắm đầu vào máy tính làm việc để tăng thêm thu nhập. Theo Tùng, đó là áp lực phải trả khi muốn sở hữu một căn nhà riêng. “Có nhà là một sự đánh đổi được mất để đạt được mục tiêu sớm hay muộn”, Tùng nói. (còn tiếp)
PHẠM HỮU
TNO