Giải mã chiến lược tấn công của Ukraine nhằm vào Nga
Giải mã chiến lược tấn công của Ukraine nhằm vào Nga
Một số quan chức Ukraine mới đây tiết lộ chiến lược của nước này đối phó lực lượng Nga.
Giao tranh ác liệt ở miền nam
Tính đến hôm qua (4.9), chiến sự Ukraine bước sang ngày thứ 193 trong bối cảnh giao tranh ác liệt đang diễn ra ở miền nam Ukraine khi Kyiv phản công mạnh mẽ ở khu vực này.
Theo hãng tin TASS, kể từ tối 28.8, các lực lượng vũ trang Ukraine đã pháo kích vào một số khu vực đông dân cư ở tỉnh Kherson. Trong khi đó, một đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga công bố hôm qua cho thấy nhiều xe bọc thép của Ukraine bị trúng đạn sau nỗ lực bất thành để tạo ra đột phá ở hướng Mykolaiv – Kryvyi Rih, theo TASS. Mykolaiv là thành phố ở miền nam, còn Kryvyi Rih thuộc khu vực trung bộ Ukraine.
Ngày 3.9, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov tuyên bố lực lượng vũ trang Ukraine đã mất hơn 230 quân nhân, cùng 23 xe tăng, 27 xe chiến đấu bộ binh và 14 xe chiến đấu bọc thép khác trong nỗ lực phản công ở một số khu vực theo hướng Mykolaiv – Kryvyi Rih.
Khói bốc lên tại một chiến tuyến ở tỉnh Mykolaiv thuộc miền nam Ukraine ngày 31.8 REUTERS |
Trong khi đó, Bộ chỉ huy chiến dịch miền nam Ukraine tuyên bố trong ngày 3.9, các lực lượng nước này đã làm thiệt mạng 138 quân nhân Nga và phá hủy 9 xe tăng, một bệ phóng rốc két đa nòng Uragan, một hệ thống tên lửa phòng không S-300, một lựu pháo 152 mm và 18 đơn vị xe bọc thép. Quân đội Ukraine còn phá hủy một kho đạn dược và đánh trúng một bến phà ở miền nam, theo trang The Kyiv Independent.
“Nghiền nát có hệ thống”
Tuy nhiên, các quan chức Ukraine thừa nhận lực lượng nước này không đủ áo chống đạn và nhân lực để tiến nhanh, theo tờ The Wall Street Journal. Vì thế, Ukraine hướng tới làm suy yếu các lực lượng tiền tuyến của Nga đồng thời sử dụng pháo và rốc két tầm xa, như hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp, để tấn công các cơ sở quan trọng phía sau phòng tuyến của Nga như cơ sở chỉ huy và kho đạn.
Cố vấn Tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovych gọi chiến lược này là “nghiền nát có hệ thống” nhắm vào lực lượng Nga. Ông cho hay Ukraine đang tìm cách “phát hiện hệ thống cung cấp hậu cần của Nga và phá hủy hệ thống đó bằng pháo binh”. Ông Arestovych nhấn mạnh đó là quá trình có thể mất nhiều thời gian.
Dù có thể chưa đạt mục tiêu cuối cùng là đẩy lực lượng Nga khỏi Kherson, Kyiv vẫn có thể tự cho là thành công nếu giành lại một số thị trấn bên ngoài thành phố, loại khỏi vòng chiến một số lượng lớn phía Nga, theo tờ The Wall Street Journal.
Cuộc phản công ở Kherson cũng thể hiện một yếu tố trong chiến lược rộng lớn hơn của Ukraine nhằm gây căng thẳng cho toàn bộ lực lượng Nga, từ tỉnh Kharkiv ở phía đông bắc đến bán đảo Crimea trên biển Đen. Đó là “khiến người Nga tự hỏi người Ukraine sẽ tấn công tiếp theo ở đâu”, theo trung tướng lục quân Mỹ nghỉ hưu Stephen Twitty. “Họ tiến hành một cuộc chiến không thể đoán trước để kìm chân người Nga”, ông Twitty nói và dự đoán Ukraine sẽ không tiến hành phản công ồ ạt. “Chúng ta sẽ thấy họ phân chia thành các đơn vị nhỏ để gây tổn thất lớn cho người Nga”, tờ The Wall Street Journal dẫn lời ông Twitty bình luận.
Ankara ngỏ lời làm trung gian hoà giải
Trong cuộc điện đàm ngày 3.9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói với Tổng thống Vladimir Putin rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể đứng ra làm trung gian hòa giải cho tình trạng bế tắc về nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do lực lượng Nga đang kiểm soát ở miền nam Ukraine, theo AFP.
“Tổng thống Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng một vai trò hỗ trợ trong vấn đề nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, như họ đã làm trong thỏa thuận ngũ cốc”, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho hay. Tổng thống Erdogan đưa ra tuyên bố này trong bối cảnh ngày càng có nhiều báo động về sự an toàn của nhà máy Zaporizhzhia, khi Nga và Ukraine cáo buộc lẫn nhau đã nã pháo vào khu vực nhà máy.
Sau khi đến thăm nhà máy Zaporizhzhia ngày 1.9, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi nói rằng địa điểm này đã bị hư hại trong cuộc giao tranh.
VĂN KHOA
TNO