Kế hoạch ‘khai tử’ lò mổ thủ công lại lỡ hẹn
Kế hoạch ‘khai tử’ lò mổ thủ công lại lỡ hẹn
Các lò mổ công nghiệp vẫn loay hoay với thủ tục pháp lý nên lò mổ thủ công trên địa bàn TP.HCM được đề xuất gia hạn thay vì phải dừng hoạt động từ đầu tháng 9.2022.
Liên tục trễ hẹn
Mới đây, Sở NN-PTNT TP.HCM tiếp tục kiến nghị UBND TP.HCM xem xét, chấp thuận gia hạn thời gian hoạt động 8 cơ sở giết mổ gia súc thủ công đến ngày 31.1.2023, gồm: Bình Tân (Q.Bình Tân); Phước Kiển (H.Nhà Bè); Tân Phú Trung, Hòa Phú, Phú Hòa Đông, Tân Thạnh Đông và Xuyên Á (H.Củ Chi); khu thủ công của nhà máy giết mổ Xuân Thới Thượng (H.Hóc Môn). Riêng Trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn (Q.Gò Vấp) được đề xuất gia hạn đến cuối năm 2024.
Lý do gia hạn nhằm chủ động trong công tác kiểm soát dịch bệnh, chủ động nguồn cung sản phẩm động vật, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cho người tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Trong thời gian được gia hạn hoạt động, các cơ sở gia súc, gia cầm thủ công hiện hữu phải đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, ATTP và bảo vệ môi trường.
Khoảng 50% thịt heo, thịt gia cầm ở TP.HCM được cung cấp bởi các lò mổ thủ công NGỌC DƯƠNG |
Hồi đầu năm 2021, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho phép gia hạn thời gian hoạt động các cơ sở giết mổ gia súc thủ công trên địa bàn đến ngày 31.8, riêng Trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn được hoạt động đến cuối năm 2022. Đây không phải lần đầu gia hạn các lò mổ thủ công, mà trong 10 năm qua, UBND TP.HCM đã nhiều lần ra quyết định “khai tử” lò mổ thủ công vào các năm 2013, 2017, 2019, 2020, 2021, nhưng sau đó đều phải gia hạn.
Thống kê của Sở NN-PTNT cho thấy một nửa lượng thịt heo, gia cầm tiêu thụ hằng ngày của người dân TP.HCM đến từ các lò mổ thủ công. Cụ thể, 8 cơ sở giết mổ gia súc thủ công được gia hạn mỗi ngày giết mổ 4.800 – 5.000 con heo, chiếm khoảng 78 – 80% số lượng giết mổ gia súc và cung cấp 45% nhu cầu tiêu thụ thịt heo của người dân thành phố. Còn Trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn (Q.Gò Vấp) bình quân giết mổ khoảng 63.500 – 65.000 con/ngày, chiếm 50,8 – 52% nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm.
Đến nay, TP.HCM mới chỉ có 3 nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp hoạt động, trong đó Nhà máy Xuân Thới Thượng với khoảng 500 con/ngày, nhà máy của Công ty TNHH thực phẩm Lộc An khoảng 780 con/ngày, và nhà máy còn lại của Tổng công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) với 40 con/ngày. Theo Sở NN-PTNT, cùng với Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN), tổng sản lượng giết mổ gia súc của 4 nhà máy công nghiệp nêu trên chỉ đạt khoảng 1.900 – 2.000 con heo/ngày.
Nhiều nhà máy còn nằm trên giấy
Để “khai tử” lò mổ thủ công, điều kiện tiên quyết là các lò mổ công nghiệp phải vận hành thay thế. Tuy nhiên, ngoài 4 nhà máy đang hoạt động, 4 dự án nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp khác đang gặp nhiều vướng mắc, chưa thể vận hành đúng kế hoạch. Điểm sáng duy nhất là nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ do Công ty TNHH dịch vụ An Hạ làm chủ đầu tư có tiến độ khả quan, dự kiến hoạt động chính thức từ tháng 11.2022. Khi đó, công ty này sẽ di dời cơ sở giết mổ thủ công Xuyên Á (H.Củ Chi) với công suất khoảng 1.000 con/ngày về nhà máy.
Trong khi đó, nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm tại xã Tân Thạnh Tây (H.Củ Chi) do chủ đầu tư là SAGRI chậm tiến độ vì đến nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục pháp lý xin thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500. Do đó, chủ đầu tư chưa thể xây dựng nhà máy để di dời Trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn, mà phải chờ đến cuối năm 2024. Tương tự, dự án nhà máy của Công ty TNHH sản xuất thương mại thịt an toàn và dinh dưỡng tại xã Phú Hòa Đông (H.Củ Chi) cũng đang chờ UBND TP.HCM chấp thuận cho phép doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với diện tích hơn 11,4 ha rồi mới đủ cơ sở pháp lý thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án.
Đáng chú ý, dự án nhà máy thực phẩm Tân Hiệp của Hợp tác xã Tân Hiệp (H.Hóc Môn) đã xin ngưng triển khai vì không phù hợp quy hoạch, khó huy động vốn, chưa có đường kết nối… Hợp tác xã này xin chủ trương điều chỉnh chức năng sử dụng đất thành khu dân cư nhà vườn.
Với tình hình trên, Sở NN-PTNT lo ngại nếu đóng cửa các cơ sở giết mổ thủ công sẽ không đảm bảo nguồn cung sản phẩm động vật cho người tiêu dùng, dễ phát sinh tình trạng giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia súc trái phép, không kiểm soát hết. Ngoài ra, chủ gia công giết mổ sẽ dịch chuyển hoạt động về các tỉnh lân cận, lực lượng công nhân giết mổ thủ công dôi dư khá nhiều (khoảng 100 người/cơ sở) chưa kịp chuyển đổi ngành nghề…
NGUYÊN VŨ
TNO