22/11/2024

Để học sinh tự tin bước vào năm học mới

Để học sinh tự tin bước vào năm học mới

Còn vài ngày nữa học sinh cả nước bước vào năm học mới. Các bậc cha mẹ luôn mong muốn làm thế nào để con em mình, đặc biệt các lớp đầu cấp tự tin đến trường.

 

 

Đừng để trẻ “hụt hơi” khi vào lớp 6 !

Năm nay, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa ở lớp 3, 7 và 10.

Nhiều năm dạy học sinh (HS) lớp 6, tôi thấy nhiều HS mới chập chững vào lớp 6 đã không ít lần “choáng nhẹ” bởi mọi thứ đều mới mẻ so với cấp tiểu học. Lần đầu tiên, các em sẽ học gần chục môn học với nhiều giáo viên (GV) khác nhau. Bên cạnh ngữ văn, toán, ngoại ngữ và giáo dục công dân, nhiều môn học tích hợp theo chương trình mới lần đầu tiên được giảng dạy là lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên, hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp. Điều này sẽ khiến HS bỡ ngỡ bởi tiếp xúc với nhiều phong cách giảng dạy khác biệt từ GV và những yêu cầu riêng biệt về yêu cầu bài học, chuẩn bị bài, kiểm tra, nề nếp… Thực tế này đòi hỏi các em phải thích ứng nhanh với sự thay đổi.

Để học sinh tự tin bước vào năm học mới - ảnh 1
Phụ huynh làm thủ tục nhập học cho con vào lớp 6  ĐÀO NGỌC THẠCH

Bên cạnh đó, cách kiểm tra và đánh giá ở cấp THCS hoàn toàn khác biệt với tiểu học sẽ tác động lớn đối với HS mới mon men lên đầu cấp. Ở bậc tiểu học, các em chỉ tập trung nhiều nhất cho các bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ và chủ yếu trong năm học đánh giá bằng nhận xét, động viên, khuyến khích. Lên lớp 6, các em sẽ phải làm quen với việc kiểm tra bài cũ thường xuyên, kiểm tra 15 phút đột xuất và điểm số đạt được tính chung vào kết quả năm học.

Việc vừa học vừa chơi thư thả hồi tiểu học dường như dần khép lại để mở ra con đường học tập căng thẳng hơn. Rồi phụ huynh (PH) có con mới lên lớp 6 sẽ “sốc nhẹ” khi nhận về những bài kiểm tra với điểm số “thấp lè tè”. PH cần biết rằng thang điểm đánh giá ở cấp THCS thay đổi, điểm 9 và 10 sẽ ít xuất hiện, điểm 7, 8 là bình thường; thậm chí nếu học chưa tốt, các em còn phải nhận những điểm thấp hơn nhiều.

Chính vì vậy HS lớp 6 cần sự định hướng, đồng hành và tương trợ từ phía GV cùng PH để bắt nhịp với nề nếp học tập.

Bố mẹ có thể trao đổi với con về môi trường học tập mới, cách hòa nhập với bạn bè cũng như sẵn lòng tư vấn về những vướng mắc, trở ngại khi con chưa thể “hòa nhập” ở trường.

 

Giúp trẻ tự tin nói “con làm được”

Xã hội càng phát triển và hiện đại, trẻ em đang dần tiếp cận và học hỏi rất nhiều thứ. Nhưng vì lý do nào đó, trẻ ít nhận được sự quan tâm và gắn kết từ cha mẹ, từ đó thu mình, ít thể hiện bản thân hơn.

Với những hoạt động vui chơi trải nghiệm và giải đáp những vấn đề tâm lý, PH sẽ phần nào hiểu được chính mình và cả con trẻ. Từ đó biết làm sao để có thể đồng hành và tin tưởng con làm được điều con muốn.

“Điều tôi gặp khó khăn với con đó là thuyết phục con đến với đám đông. Dù con rất hoạt bát khi ở nhà nhưng khi ra ngoài lại rụt rè, thụ động. Điều này làm tôi cảm thấy rất lo khi chưa tạo được sự tự tin cho con, dần dần chính bản thân tôi cũng mất tự tin vào mình”, PH Bích Vân (39 tuổi, Hóc Môn, TP.HCM) cho biết.

Chị Ánh Sương (30 tuổi, Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng chia sẻ về nỗi lo của mình: “Con tôi có năng khiếu hội họa và vẽ rất đẹp nhưng hiếm khi con thể hiện điều đó trước người khác, thậm chí không thích làm điều đó”.

Đa phần ở những trường hợp trên, vấn đề tự ti của trẻ đến từ việc thiếu đi sự công nhận của người khác đối với việc mình đang làm, đặc biệt là thiếu đi lời khen từ PH. Ngoài ra, vì nhiều lý do nào đó mà các bậc cha mẹ ngày nay ít bày tỏ và chia sẻ với con cho nên vô tình tạo nên “rào cản” tâm lý cho trẻ.

Nói về việc thiếu tự tin ở trẻ, chuyên gia tâm lý, thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Anh cho biết: “Tự tin là một kỹ năng rất quan trọng không chỉ cần ở trẻ mà còn phải được lan tỏa đến các bậc PH. Nên nếu muốn rèn cho trẻ sự tự tin thì chính PH phải làm gương, hãy thể hiện sự tự tin cho con thì con mới làm được”.

Thạc sĩ Diệu Anh còn cho biết thêm việc rèn cho con sự tự tin có thể đến từ điều đơn giản là lời khen, vì lời khen sẽ giúp cho cơ thể tiết ra một loại hormone hạnh phúc. Nhưng khen thì phải khen làm sao cho hợp lý, đúng với hành động con đang làm và điều này sẽ giúp khơi dậy giá trị tốt trong hành động của trẻ như khen khi trẻ bỏ rác đúng nơi quy định, khen khi trẻ vẽ một bức tranh… Cùng với việc bày tỏ sự công nhận chân thành dành cho con thì PH cũng nên phát huy điểm tốt của con qua việc xây dựng phù hợp, như con vẽ đẹp thì hãy cho con học vẽ để phát triển đam mê.

TRANG HIẾU – THƯỢNG HẢI

TNO