22/11/2024

Cần phân định rõ các trường hợp áp dụng đấu giá, đấu thầu đất

Cần phân định rõ các trường hợp áp dụng đấu giá, đấu thầu đất

Chính phủ yêu cầu Bộ TN-MT hoàn thiện quy định các điều kiện áp dụng đấu giá, đấu thầu, phân định rõ các trường hợp áp dụng đấu giá, đấu thầu đất, bảo đảm tính minh bạch, khả thi, thuận lợi khi thực hiện.

 

 

Phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho địa phương

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Bộ TN-MT cho biết, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 111 sau khi họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8. Nghị quyết 111 đã yêu cầu Bộ TN-MT thực hiện nhiều nội dung liên quan đến xây dựng dự thảo luật Đất đai sửa đổi.

Bộ TN-MT đã tiếp thu đầy đủ chỉ đạo tại Nghị quyết 111 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8 và khẩn trương triển khai. Trong đó, Chính phủ yêu cầu đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa luật Đất đai sửa đổi với các luật có liên quan. Tiếp tục rà soát tổng thể để sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ những vướng mắc của luật Đất đai, các luật liên quan, bảo đảm sự thống nhất, tính đồng bộ.

Cần phân định rõ các trường hợp áp dụng đấu giá, đấu thầu đất - ảnh 1
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương đi kèm với thiết lập công cụ kiểm soát, giám sát  LÊ QUÂN

Chính phủ yêu cầu thể chế hoá đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; kế thừa hiệu quả các quy định hiện hành, kiên quyết tháo gỡ nút thắt trong quản lý, sử dụng đất, tạo không gian mới, động lực cho phát triển, bảo đảm an ninh quốc phòng, giảm tối đa thủ tục hành chính.

Chính phủ chỉ đạo Bộ TN-MT phải tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để địa phương chủ động, phát huy trách nhiệm trong phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với thực tế của từng địa phương, gắn với trách nhiệm, thẩm quyền được giao; giảm cấp trung gian, tăng tính tự chịu trách nhiệm của địa phương.

Đồng thời, thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất.

 

Phân định rõ nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất

Về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, Chính phủ yêu cầu Bộ TN-MT rà soát, hoàn thiện quy định các điều kiện áp dụng đấu giá, đấu thầu, phân định rõ các trường hợp áp dụng 2 hình thức này, bảo đảm tính minh bạch, khả thi, thuận lợi trong quá trình thực hiện. Cần làm rõ nguyên tắc áp dụng pháp luật, tiêu chí, điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Cần phân định rõ các trường hợp áp dụng đấu giá, đấu thầu đất - ảnh 2
Cần làm rõ nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện phân định đấu giá đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất  LÊ QUÂN

Về các trường hợp nhà nước thu hồi đất (điều 67, điều 68), cần cụ thể hóa trong luật các tiêu chí, điều kiện đối với trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội, nhưng cũng tránh tình trạng lạm dụng để thu hồi đất, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp về quyền lợi hợp pháp của người dân.

Về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (điều 146), thống nhất mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, Chính phủ yêu cầu cần đánh giá kỹ tác động, xác định hạn mức bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Về mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất lúa cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp (điều 214), cho phép tổ chức kinh tế, hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, Chính phủ cho rằng đây là nội dung lớn, nhạy cảm, cần đánh giá kỹ; cần quy định cơ chế, điều kiện chặt chẽ, bảo đảm người nông dân có đất để sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực của quốc gia.

Về tiếp cận đất đai của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (điều 6, điều 206), Chính phủ lưu ý đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến an ninh, quốc phòng, nên yêu cầu Bộ TN-MT phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ KH-ĐT tiếp tục làm rõ, hoàn thiện nội dung này bảo đảm tính kế thừa các quy định hợp lý hiện hành, phù hợp, không có vướng mắc về tiếp cận đất đai, nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài; bảo đảm đồng bộ với quy định của pháp luật đầu tư, nhà ở và pháp luật liên quan.

Về hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các tổ chức phát triển quỹ đất (điều 105), Chính phủ yêu cầu Bộ TN-MT cần làm rõ chức năng của tổ chức phát triển quỹ đất và chức năng của ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp trong tạo lập, cung cấp quỹ đất cho nhà đầu tư; cân nhắc thống nhất hai tổ chức trên vào làm một và giao Chính phủ quy định, không quy định cụ thể tổ chức bộ máy trong dự thảo luật Đất đai sửa đổi.

Vấn đề nguồn vốn của quỹ phát triển đất cũng được Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ TN-MT làm rõ.

LÊ QUÂN

TNO