Khi quan chức chống tham nhũng lại… tham nhũng
Khi quan chức chống tham nhũng lại… tham nhũng
Uỷ ban Chống tham nhũng quốc gia Thái Lan (NACC) quyết định xử lý mạnh tay với chính lãnh đạo cấp cao của họ, sau khi người này bị phát hiện “giàu bất thường” với khối tài sản lên tới 658 triệu baht (hơn 18 triệu USD).
Truyền thông Thái Lan dẫn thông báo ngày 29-8 của NACC xác nhận ông Prayad Puangchampa, phó tổng thư ký NACC, bị sa thải từ ngày 26-8 và sẽ bị tịch thu tài sản.
Giống như nhiều nước, Thái Lan cũng yêu cầu các quan chức chính phủ công kê khai tài sản. Dù cách này không loại bỏ hoàn toàn tham nhũng nhưng ít ra cũng góp phần ngăn chặn đáng kể tệ nạn này.
Mục tiêu của khai báo tài sản là để người dân tham gia kiểm tra sự minh bạch và trong sạch của chính quyền.
Báo Bangkok Post bình luận
Che giấu tài sản tinh vi
Theo cuộc điều tra của NACC từ năm 2019, ông Prayad sở hữu khối tài sản trị giá 658 triệu baht. Dù không rõ lương của ông bao nhiêu nhưng chắc chắn không thể tích lũy được số tiền lớn như vậy.
Điều đáng nói là ông Prayad đã không khai báo một phần lớn tài sản khi nhậm chức phó tổng thư ký NACC năm 2017. Báo Bangkok Post cho biết quan chức này đã che giấu tài sản hơn 225 triệu baht bằng cách để vợ đứng tên số tài sản đó.
Số tài sản đã nêu được chia nhỏ thành sáu khoản, trong đó gồm hai khoản tiền và cổ phiếu được gửi tại một ngân hàng trong nước, ba tài khoản tại chi nhánh Ngân hàng Bangkok Bank ở London (Anh) trị giá 10 triệu baht và một căn nhà ở London trị giá 168 triệu baht.
Dù ông Prayad đã phản đối, nói rằng ông không có ý định che giấu và đã nộp lại bản khai tài sản, nhưng NACC vẫn quyết định sa thải phó lãnh đạo. Ngoài ra, NACC cũng quyết định trình kết quả điều tra của họ lên văn phòng bộ trưởng Bộ Tư pháp để truy tố ông Prayad với đề xuất tịch thu mọi tài sản bất minh của ông này.
Thời gian qua, NACC cũng đã tiếp nhận và điều tra các vụ án tham nhũng tầm cỡ khác. Gần đây nhất là vụ Thứ trưởng Bộ Giáo dục Kanokwan Vilawan bị đình chỉ ngày 26-8 do cấu kết với nhiều người và quan chức để lấn chiếm đất thuộc công viên quốc gia. Bà Kanokwan là quan chức cấp cao thứ hai bị đình chỉ, sau Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha.
Trước đó, NACC cũng tham gia điều tra số lượng lớn đồng hồ xa xỉ của Quyền thủ tướng Thái Lan hiện nay là Prawit Wongsuwant. Giữa năm nay, NACC cũng bắt đầu cuộc điều tra cáo buộc chính quyền ông Prayuth đã “hối lộ” các nghị sĩ thuộc những đảng nhỏ hơn trong ba năm qua để giúp ông vượt qua đợt bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Mở rộng đối tượng kê khai
Theo đánh giá minh bạch thường niên của NACC được công bố hồi đầu tháng 8-2022, số cơ quan nhà nước đạt tiêu chuẩn tối thiểu về minh bạch và liêm chính đã tăng lên 20% nhưng không đạt được mục tiêu đã đề ra.
Đánh giá thực hiện trên hơn 8.300 cơ quan, trong đó chỉ 70% được đánh giá là minh bạch và liêm chính. Các cơ quan thuộc nhóm tư pháp, quốc hội được đánh giá cao nhất, trong khi các tổ chức hành chính, văn phòng tự quản, viện giáo dục cấp cao bị đánh giá kém.
Việc buộc các quan chức kê khai tài sản là công cụ quan trọng để NACC đấu tranh với tham nhũng. Năm 2018, cơ quan này đã điều chỉnh để mở rộng phạm vi của quy định kê khai tài sản.
Thay vì chỉ áp dụng với các chính trị gia hay công chức cấp cao, quy định mới áp thêm cả với nhóm các nhân viên nhà nước, tức bao gồm nhân viên của các tổ chức công, trường đại học… Việc này khi đó đã vấp phải phản ứng dữ dội vì nhiều người lo ngại có thể bị phạt tù nếu không khai báo.
Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực của NACC, Thái Lan hiện vẫn đứng thứ 99 trong danh sách xếp hạng mức độ tham nhũng gồm 180 nước của Tổ chức Minh bạch quốc tế. Hồi năm ngoái, NACC đã đối mặt nhiều chỉ trích liên quan đến việc kê khai tài sản của Thủ tướng Prayuth.
Năm 2021, báo Bangkok Post chỉ ra hạn chế của NACC khi ông Prayuth chỉ khai báo tài sản đúng một lần trong suốt thời gian nắm quyền và được miễn khai báo khi nhậm chức thủ tướng năm 2019. Dù ông Prayuth tự nguyện khai báo, nhưng NACC đã không công bố tài sản của ông.
Công khai dữ liệu để dân giám sát
Việc công khai dữ liệu cũng là một cách để Thái Lan chống tham nhũng. Cơ quan Chính phủ điện tử (EGA), dưới sự giám sát của Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông, hiện quản lý cổng dữ liệu trung tâm của chính phủ bao gồm 893 bộ dữ liệu liên quan đến phát triển kinh tế, giao thông vận tải, công nghiệp và xã hội, và chi tiêu của chính phủ.
Việc ứng dụng dữ liệu mở với các công ty và kê khai tài sản của các quan chức nhà nước sẽ là công cụ để quản lý xung đột lợi ích và điều tra các cáo buộc tham nhũng một cách hiệu quả. Tương tự, thông tin về đấu thầu có thể ngăn ngừa và xác định tham nhũng trong mua sắm công.