Ukraine sẽ phản công đến đâu?
Ukraine sẽ phản công đến đâu?
Vào thời điểm hiện tại, rất khó để biết Ukraine sẽ phản công ở mức độ nào và đi xa đến đâu tại các khu vực đang do Nga kiểm soát. Bên cạnh những đánh giá lạc quan, có những nhận định lo ngại Kiev vì nóng lòng phản công có thể phạm sai lầm.
Theo thông báo của Quân khu miền nam Ukraine, quân đội Ukraine đã mở các đợt tấn công tại nhiều khu vực dọc theo mặt trận Kherson trong ngày
29-8. Trong nhiều tháng qua, các quan chức Ukraine đã nói sẽ có một cuộc phản công toàn diện ở Kherson, khu vực Nga kiểm soát từ ngày 3-3 đến nay, nhằm đẩy lực lượng Nga khỏi bờ tây sông Dnipro vốn được sử dụng như một chiến hào tự nhiên.
Khởi đầu từ Kherson
Theo các quan chức quân sự và dân sự Ukraine, giao tranh dọc theo mặt trận phía nam đã leo thang mạnh trong ngày
29-8. Chính phủ Ukraine tuyên bố quân đội đã “chọc thủng tuyến phòng thủ đầu tiên của quân Nga gần Kherson” như một phần của chiến dịch phản công nhiều đợt. Một căn cứ quân sự lớn của Nga nằm cách xa tiền tuyến ở khu vực Kherson cũng bị Ukraine phá hủy cùng ngày.
Bộ Quốc phòng Nga xác nhận một nỗ lực tấn công của Ukraine tại Kherson và một phần tỉnh Mykolaiv nhưng tuyên bố “các đơn vị Ukraine đã bị tổn thất nặng nề” và “thất bại thảm hại”. Matxcơva cũng nói Kiev đã mất tới 560 binh sĩ và hai máy bay chiến đấu cùng hàng chục xe tăng, phương tiện bọc thép do đợt phản công ngày 29-8.
Không thể xác minh ngay lập tức các tuyên bố của cả Nga lẫn Ukraine cũng như quy mô cuộc phản công lớn đến mức nào và sẽ duy trì trong bao lâu.
Trong thông báo ngày 30-8, Bộ Quốc phòng Anh xác nhận các lực lượng Ukraine đã tăng cường pháo kích trên khắp miền nam và các cuộc tấn công chính xác tầm xa của họ đã làm gián đoạn nhiều hoạt động tiếp tế của Nga.
Người phát ngôn Quân khu miền nam Ukraine, bà Nataliya Gumenyuk, cho biết “mọi hoạt động quân sự đều yêu cầu sự im lặng” và đề nghị mọi người “kiên nhẫn”. Trong phát biểu cuối ngày 29-8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thề quân đội của ông sẽ truy đuổi quân đội Nga tới tận biên giới.
Trong nhiều tháng qua, chính phủ của ông Zelensky đã phải chịu áp lực tổ chức phản công ở miền nam trước mùa thu và giành lại những gì đã mất trước mùa đông.
Những cơn mưa mùa thu khiến các vùng đồng quê trở thành đầm lầy, gây khó khăn cho việc tấn công của Ukraine nếu sử dụng phương tiện cơ giới hạng nặng như xe tăng hay pháo tự hành.
Tất nhiên điều này cũng đặt ra thách thức cho cả Nga, nhưng việc Ukraine không tiến quân sẽ giúp Matxcơva có thời gian củng cố lực lượng tại Kherson.
Rủi ro cho Ukraine
Thành công của Ukraine không chỉ khơi dậy tinh thần dân tộc mà còn có thể mở đường cho các lô vũ khí viện trợ mới từ phương Tây.
Song nếu không có thêm nhiều vùng đất “đổi chủ” trong mùa thu, cục diện sẽ rơi vào bế tắc khi bước sang đông hoặc thậm chí có lợi cho Nga khi họ đang nắm giữ nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu là Zaporizhzhia.
“Cuộc tấn công ngày 29-8 cho thấy sự khao khát của người Ukraine trong việc có thể phá vỡ bế tắc và tiến lên phía trước trên chiến trường”, một quan chức quốc phòng Mỹ không nêu tên nhận định với báo New York Times.
Quan chức này cũng lưu ý Lầu Năm Góc vẫn thận trọng khi đánh giá liệu khả năng quân sự hiện tại của Ukraine có đủ để giúp Kiev đạt được các lợi ích đáng kể hay không.
Một rủi ro lớn cho Ukraine là khi các lực lượng của họ vượt sông Dnipro để tiến sang bờ đông. Đây là khu vực mà Nga đã có sự kiểm soát vững chắc và tương đối trống trải. Các đợt pháo kích của Ukraine trong thời gian qua đã cắt đứt một số tuyến tiếp tế quan trọng của Nga ở bờ tây sông Dnipro.
Việc phá hủy các cây cầu bắc qua sông Dnipro đã làm nên thành công của Ukraine trong chiến thuật cắt đường tiếp tế nhưng sẽ trở thành thách thức nếu Ukraine muốn vượt sông để tiến sâu hơn vào Kherson.
Một số nhà quan sát dự đoán Ukraine sẽ thận trọng chờ bổ sung thêm lực lượng và vũ khí từ phương Tây trước khi phản công toàn diện ở Kherson. Để tránh cảm giác thất bại và gây thất vọng, các mục tiêu ban đầu của Kiev có thể sẽ ở mức khiêm tốn, chẳng hạn đẩy đuổi được quân Nga khỏi bờ tây sông Dnipro, là đủ.
Kherson và thủ phủ của nó cách không xa Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nơi các chuyên gia nguyên tử quốc tế chuẩn bị tới thị sát cuối tuần này.
Nhà máy này vốn thuộc Ukraine nhưng Nga đang kiểm soát và thời gian qua xảy ra nhiều vụ pháo kích mà cả Kiev và Matxcơva cáo buộc lẫn nhau.
Giao tranh vẫn tiếp diễn trong ngày 30-8 khi Nga cáo buộc Ukraine pháo kích trúng một kho chứa nhiên liệu đã sử dụng của Nhà máy Zaporizhzhia, theo Hãng tin Reuters.