23/11/2024

Dạy đạo đức không gian mạng trong nhà trường để giảm chửi bậy, tại sao không?

Dạy đạo đức không gian mạng trong nhà trường để giảm chửi bậy, tại sao không?

Để trả lại môi trường online trong sạch, theo bạn đọc Lê Tấn Thời (giáo viên Trường THCS Nguyễn Đăng Sơn, Chợ Mới, An Giang), thiết nghĩ, việc giảng dạy đạo đức không gian mạng cho học sinh nên được đưa vào nhà trường trong thời gian sắp tới.

Dạy đạo đức không gian mạng trong nhà trường để giảm chửi bậy, tại sao không? - Ảnh 1.

Để trả lại môi trường online trong sạch, việc giảng dạy đạo đức không gian mạng cho học sinh nên sớm đưa vào nhà trường – Ảnh: DUYÊN PHAN

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến này gởi đến chuyên mục Bạn đọc làm báo.

Thời gian qua, nhiều người bị vạ lây với những gì phát ngôn, ứng xử trên mạng Internet thiếu căn cứ và gây tổn thương cho người khác, cho thấy đạo đức không gian mạng cần được tôn trọng.

Khi giao tiếp trong thế giới phẳng ngày càng thể hiện văn hóa giao tiếp, thì tinh thần thượng tôn pháp luật và đạo đức trên mạng xã hội cần được đề cao hơn.

Trên không gian mạng, cần biết cách áp dụng hành vi đạo đức khi thiết kế giải pháp, hợp tác và giao tiếp với người khác thông qua những ứng xử và hoạt động của chính người sử dụng Internet.

Cách thức chia sẻ và phản hồi thông tin, thời gian và thái độ giao tiếp đó là những gì cơ bản nhất học sinh cần được tiếp cận. Internet là môi trường mà mọi người có thể chia sẻ mọi thứ họ muốn, nhưng nên biết giới hạn bởi những tác động lên chính mình và bạn bè.

Tin tốt có thể khiến mọi người trở nên tích cực, nhưng tin xấu có thể khiến họ trở nên tiêu cực trong cuộc sống. Ở góc độ riêng tư, nếu kẻ xấu lợi dụng thông tin cá nhân để gây bất lợi cho chúng ta thì thật là nguy hiểm.

Những vụ trộm cắp xảy ra khi cả nhà đang đi du lịch xuất phát từ những tấm ảnh cùng vị trí định vị được đăng tải trên Zalo, Facebook là một minh chứng thực tế từ việc chia sẻ thông tin không đúng lúc. Thời gian giao tiếp qua mạng cũng quan trọng không kém cách thức giao tiếp.

Không ai đáng trách với các tin nhắn hoặc cuộc gọi SOS vì người nhận sẵn sàng tiếp cận những thông tin mới nhất. Ngược lại, thật là đắng lòng khi nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn vô bổ vào lúc nửa đêm!

Thái độ thể hiện trên không gian mạng là một tiêu chí mà những người trẻ cần nên quan tâm và học hỏi để giao tiếp thuận lợi và lịch sự.

Chẳng hạn như sử dụng ngôn từ thân thiện dành cho những người cùng độ tuổi và trang trọng với những người lớn tuổi, cách thức chia sẻ thông tin có tính cách xây dựng và lan tỏa năng lượng tích cực trong môi trường không gian ảo…

Internet có nhiều lợi ích, từ việc kết nối mọi người, tiếp nhận nhiều ý kiến hay nhận định khác nhau thông qua việc chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, một số hoạt động trong các nền tảng này có thể gây hại khi hành vi đó trở nên phi đạo đức.

Các công dân kỹ thuật số có đạo đức nên tư vấn lời khuyên và các giao thức xã hội cho hành vi trực tuyến để đảm bảo truyền thông xã hội mang tính toàn diện và đại diện cho tất cả người dùng.

Quan điểm đạo đức tạo ra một lăng kính đương đại để người dùng Internet đánh giá các giải pháp mà công dân kỹ thuật số tạo ra, cũng như các tác động tích cực và tiêu cực cho chính họ và những người khác.

Những nền tảng đầu tiên khởi nguồn từ nhà trường thông qua những hoạt động học tập, trải nghiệm sẽ giúp học sinh thẩm thấu dần đạo đức không gian mạng.

Để trở thành những công dân số thông minh và mang lại hiệu ứng tích cực không chỉ cho môi trường trực tuyến mà còn lan tỏa đến cuộc sống đời thường, thì việc giảng dạy đạo đức không gian mạng cho học sinh trong nhà trường là cần thiết.

Trước thực trạng ngày càng có nhiều cá nhân lên mạng mạt sát mắng mỏ, chê bai, có hành vi lệch chuẩn…, theo bạn cần làm gì để trả lại môi trường trong sạch?

Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế… kính mời bạn đọc gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: [email protected][email protected]. Cảm ơn bạn!

LÊ TẤN THỜI
TTO