Tháo rào con đường ‘vàng’ Lê Lợi sau 8 năm, mặt bằng đua nhau tăng giá
Tháo rào con đường ‘vàng’ Lê Lợi sau 8 năm, mặt bằng đua nhau tăng giá
Các rào chắn trên đường Lê Lợi giữa quận 1 (TP.HCM) được tháo dỡ sau 8 năm làm nhà ga ngầm metro khiến cho các mặt bằng vị trí “vàng” đã đua nhau tăng giá, trong khi tỉ lệ phủ kín các mặt bằng còn thấp.
Sáng 24-8, các công nhân vẫn tất bật các công đoạn hoàn trả mặt bằng tại đường Lê Lợi đoạn từ đường Pasteur đến phía trước chợ Bến Thành (quận 1) sau thời gian dài rào đường để xây dựng dự án metro số 1.
Ngay từ đầu tháng 3-2022, khi đoạn đường này chuẩn bị tháo rào thì phần lớn các mặt bằng mặt tiền con đường này sau nhiều năm “ngủ đông” đã rục rịch rao bán và bắt đầu tăng giá.
Hiện nay các mặt bằng có diện tích trên dưới 100m² mặt tiền đường Lê Lợi đang được rao cho thuê 180-200 triệu đồng/tháng.
Một căn nhà có diện tích 125m² với chiều ngang 5m gồm 1 trệt 2 lầu, mặt tiền đường Lê Lợi đang được rao cho thuê với giá 200 triệu đồng/tháng. Căn 1 trệt 2 lầu có diện tích 103m² cũng được rao cho thuê với giá 200 triệu đồng/tháng.
Khảo sát gần 20 mặt bằng có nhu cầu cho thuê trong một tháng trở lại đây, phần lớn giá rao cho thuê các căn nhà đều đưa mức giá trên 200 triệu đồng/tháng, thậm chí có căn rao cho thuê đến 600 triệu đồng/tháng với diện tích 360m².
Theo đánh giá của các môi giới, giá mặt bằng cho thuê mới đã tăng mạnh so với thời điểm đóng rào, có những mặt bằng tăng gấp đôi so với trước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chủ một cửa hàng tại đường Lê Lợi cho biết đã thuê mặt bằng tại đây từ năm 1996, đến nay giá mặt bằng chưa đến 100 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đến hết tháng 8 này là kết thúc hợp đồng, chủ mặt bằng dự tính tăng giá lên 150 triệu đồng/tháng nên vị chủ cửa hàng này đành trả mặt bằng, thuê mới một vị trí khác cũng trên con đường này với diện tích nhỏ hơn song có giá thuê chỉ bằng phân nửa giá thuê hiện tại.
Tương tự, chủ một cửa hàng khác cũng cho biết sang tháng là hết hợp đồng thuê kéo dài 5 năm, với tình hình hiện nay ông cũng lo lắng là chủ mặt bằng sẽ tăng giá dù chưa thương lượng lại hợp đồng. Hiện nay, một số thương hiệu đã thuê mới, sửa sang hàng quán để kinh doanh ngay trong đầu tháng 9 này.
Tại góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Lợi, một cửa hàng ẩm thực đang chuẩn bị các khâu cuối cùng để mở mới chi nhánh tại con đường “vàng” này ngay trong những ngày tới. Đại diện cửa hàng cho biết mặt bằng này đã thuê từ tháng 6 và đến nay đã gần như hoàn tất các bước thi công nội thất để mở cửa đúng lúc con đường Lê Lợi thông xe.
Trong khi đó, ông Đinh Vũ Thìn – chủ cửa hàng lưu niệm Saigon Eco – cho biết dù mặt đường thông thoáng, kinh doanh thuận lợi hơn nhưng từ trước đến nay con đường này chủ yếu bán cho khách du lịch, đặc biệt khách quốc tế.
Trong khi đó, hiện nay khách quốc tế đến Việt Nam dù tăng nhưng vẫn chưa khôi phục so với trước dịch, cao nhất chỉ bằng 30% so với năm 2019. Do đó ông Thìn cho hay các cửa hàng mở mới vẫn có độ rủi ro cao, ít nhất là trong vòng 1 năm tới.
Đường Lê Lợi sẽ trở thành phố đi bộ?
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất từ năm 2022 – 2023, phố đi bộ Lê Lợi sẽ mở từ đường Nguyễn Huệ đến vòng xoay Quách Thị Trang
Theo đề án của Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã trình UBND TP, từ năm 2022 đến 2025 sẽ mở thêm phố đi bộ vào các ngày cuối tuần tại 22 tuyến đường ở khu vực trung tâm. Theo đó, khu vực trung tâm TP.HCM sẽ mở thêm nhiều tuyến phố nhằm phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ và tạo không gian sống cho người dân. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2022 – 2023, phố đi bộ Lê Lợi sẽ mở từ đường Nguyễn Huệ đến vòng xoay Quách Thị Trang.
Mới đây, một đơn vị tư vấn đã đề xuất ý tưởng khai thác phố đi bộ Lê Lợi mở rộng bắt đầu từ giao lộ Nguyễn Huệ – Lê Lợi kéo dài đến vòng xoay Quách Thị Trang, kết nối trước chợ Bến Thành tạo thành các phố thương mại và mua sắm. Đơn vị này đề xuất phố đi bộ sẽ được chia thành ba không gian gồm “Cung đường hiện đại” có xe bán hàng lưu động thiết kế hai tầng, “Cung đường hoài cổ” với xe bán hàng thiết kế theo phong cách xưa và “Cụm đường sự kiện”…