24/11/2024

Xăng mất cơ hội giảm giá, vì sao?

Xăng mất cơ hội giảm giá, vì sao?

Kỳ điều hành ngày 22-8 đã chấm dứt chuỗi giảm trong 5 phiên điều hành giá khi giá xăng được giữ nguyên còn giá dầu tăng.

Xăng mất cơ hội giảm giá, vì sao? - Ảnh 1.

Người dân đổ xăng tại một cây xăng trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP.HCM vào chiều 22-8 – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Qua theo dõi việc trích và chi quỹ các năm qua, tôi nhận thấy việc điều hành khá tùy tiện. Quỹ này thực chất là lấy tiền của chính người tiêu dùng để bù đắp giá trong tương lai nên người tiêu dùng cũng không được lợi gì cả.

PGS.TS PHẠM THẾ ANH

Nhiều phân tích cho rằng giá xăng ngày 22-8 đã có thể giảm nếu dừng trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu (QBO). Nhưng cơ quan điều hành đã tiếp tục trích lập vào quỹ khi giá đang có xu hướng tăng trở lại.

 

Giá xăng giảm nếu dừng trích quỹ

Theo cơ quan điều hành, trong kỳ này giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu đều tăng, nhưng để hỗ trợ cho đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, liên bộ quyết định giảm mức trích lập BOG đối với các mặt hàng xăng dầu.

Tuy nhiên, vẫn thực hiện trích lập vào BOG với xăng E5RON92 ở mức 451 đồng/lít, xăng RON95 là 493 đồng/lít, dầu diesel 250 đồng/lít, dầu hỏa 400 đồng/lít và dầu mazut 641 đồng/kg. Đồng thời, không chi sử dụng BOG.

Mới đây, Bộ Tài chính đã cho rằng thời điểm này thích hợp để xem xét, đánh giá để bỏ công cụ QBO xăng dầu để giá xăng dầu vận động theo đúng tín hiệu thị trường.

Tính từ kỳ điều chỉnh giá ngày 1-7 đến nay, cơ quan điều hành đã liên tục trích lập vào BOG ở mức cao với lý do tạo nguồn dư cho quỹ sau khi nhiều doanh nghiệp đầu mối bị âm nặng.

 

Đã đến lúc bỏ BOG?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Phạm Thế Anh, kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho rằng QBO được xem như “hồ điều tiết” giá nhưng vai trò của quỹ này khá mờ nhạt, nhất là lúc giá xăng dầu tăng cao thì quỹ lại âm cả ngàn tỉ đồng.

“Theo tôi, nên bỏ QBO. Quỹ không đáp ứng được yêu cầu trong khi công tác quản lý, giám sát quỹ phức tạp” – ông Thế Anh nói và nhấn mạnh quỹ này thực chất là lấy tiền của chính người tiêu dùng để bù đắp giá trong tương lai nên người tiêu dùng không được lợi gì cả.

Muốn bình ổn giá xăng dầu trong nước, người quản lý quỹ phải dự báo được giá xăng dầu thế giới, ví dụ giá xuống 14.000 – 15.000 đồng/lít thì trích lập vào quỹ và chi quỹ khi giá tăng cao. Tuy nhiên, ông Thế Anh nhận định thực tế những lần trích lập và chi quỹ khá cảm tính.

Ví dụ, có những đợt giá xăng dầu tăng nhưng vẫn trích quỹ làm giá xăng dầu trong nước đội thêm hoặc không còn quỹ để chi mà lẽ ra để dùng trong trường hợp này.

Ngoài ra, vừa rồi Chính phủ giảm thuế bảo vệ môi trường để hạ nhiệt giá xăng dầu, nhưng cơ quan điều hành giá lại trích BOG khi vừa giảm được một ít thuế. Đúng là có nhiều lý do phải làm như trên, nhưng điều này làm cho giá xăng dầu nội địa giảm chậm hơn giá thế giới.

Theo ông Thế Anh, khi đã giảm chậm thì sẽ làm cho các doanh nghiệp tiếp tục tăng giá các mặt hàng phục vụ đời sống, mà khi đã tăng rồi rất khó giảm.

Một chuyên gia mảng xăng dầu không phủ nhận vai trò của BOG đã giúp một số thời điểm giá không tăng sốc. Việc xóa bỏ cần tính toán kỹ, trên cơ sở tổng kết khoa học.

Tuy nhiên, thực tế khi giá tăng người dân chưa thấy được lợi nhiều từ quỹ, còn khi giá có cơ hội giảm thì BOG vẫn trích lập và trong nhiều kỳ, mức trích lên tới 3.000 – 4.000 đồng/lít là không phù hợp, làm méo mó giá xăng dầu.

PGS.TS Phạm Thế Anh lưu ý cùng việc bỏ QBO cũng không nên điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày vì gây rủi ro cho doanh nghiệp khi nhập giá cao bán giá thấp. Ngược lại, có lúc doanh nghiệp được hưởng lợi khi nhập giá thấp trong khi giá trong nước chưa giảm ngay.

Nếu chu kỳ điều tiết giá xăng dầu trong nước giảm xuống 5-3 ngày thì sẽ bớt rủi ro cho doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng mua xăng dầu với giá sát hơn với thị trường thế giới.

 

TS Phạm Thế Anh: Coi chừng điều tiết thu nhập

Hiện thu quỹ từ các loại xăng dầu đều đổ chung vào quỹ, sau đó lại lấy quỹ chung này chi cho từng mặt hàng mà lẽ ra mặt hàng nào phải rạch ròi mặt hàng đó. Nếu cơ quan quản lý đa số trích lập đối với mặt hàng dầu nhiều hơn, chi ít hơn trong khi xăng lại trích lập ít và chi nhiều hơn thì sẽ gây ra bất bình đẳng.

Ví dụ chi nhiều hơn cho xăng, tức chi nhiều hơn cho tiêu dùng, còn trích nhiều hơn đối với dầu, chủ yếu cho vận tải, các loại máy móc… thì sẽ có cảm giác dòng quỹ chuyển từ người thu nhập thấp sang người thu nhập cao và cũng không loại trừ trường hợp ngược lại khi có thể tiêu dùng phải “bù” cho sản xuất.

 

Giá xăng giữ nguyên, nhiều loại dầu tăng giá

Từ 15h chiều, xăng E5RON92 giữ nguyên mức 23.725 đồng/lít, xăng RON95-III giữ nguyên ở mức 24.669 đồng/lít. Dầu diesel 0.05S tăng 851 đồng/lít, lên mức 23.759 đồng/lít; dầu hỏa cũng tăng 736 đồng/lít, có giá là 24.056 đồng/lít. Dầu mazut 180CST 3.5S được giữ nguyên mức 16.548 đồng/kg.

Nhờ việc trích quỹ liên tục, số dư quỹ bình ổn xăng dầu ở nhiều doanh nghiệp đầu mối đã có sự cải thiện đáng kể. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết trước kỳ điều hành ngày 22-8 số dư quỹ bình ổn là 644 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (SaigonPetro) có số dư quỹ là 230 tỉ đồng; Công ty xăng dầu Quân đội ghi nhận số dư đến ngày 11-8 là 131 tỉ đồng…

Số ít doanh nghiệp, trong đó có Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), vẫn còn ghi nhận mức âm quỹ đến thời điểm ngày 11-8 là 912 tỉ đồng.

NGỌC HIỂN – NGỌC AN
TTO