24/11/2024

Giá xăng muốn giảm phải ‘ngóng’ quỹ bình ổn, kỳ vọng giảm lần thứ 6 liên tiếp

Giá xăng muốn giảm phải ‘ngóng’ quỹ bình ổn, kỳ vọng giảm lần thứ 6 liên tiếp

Nếu đặt mục tiêu tiếp tục giảm giá hàng hoá, kìm lạm phát, liên bộ Tài chính – Công thương hoàn toàn có thể sử dụng quỹ bình ổn để giúp giá xăng không tăng hoặc giảm giá lần thứ 6 liên tiếp vào chiều 22-8.

Giá xăng muốn giảm phải ngóng quỹ bình ổn, kỳ vọng giảm lần thứ 6 liên tiếp - Ảnh 1.

Giá xăng đã có 5 lần giảm giá liên tiếp với mức giảm lên đến 8.000 đồng/lít – Ảnh: NGỌC HIỂN

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 21-8, lãnh đạo các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu cho biết hiện giá xăng trong nước đang thấp hơn khoảng 300 đồng/lít và giá dầu DO thấp hơn 900 đồng/lít so với giá bình quân 10 ngày qua tại thị trường Singapore.

Thông thường với mức chênh lệch này, giá cả xăng và dầu kỳ điều hành mới vào chiều 22-8 (lùi lại 1 ngày do kỳ điều hành ngày 21-8 rơi vào ngày nghỉ) sẽ tăng giá.

Tuy nhiên, liên tiếp các kỳ điều hành qua liên bộ Tài chính – Công thương đã trích quỹ bình ổn ở mức kỷ lục, riêng kỳ điều hành vào 11-8 cũng trích ở mức cao khi xăng E5 RON92 trích ở mức 700 đồng/lít, xăng RON95 mức 750 đồng/lít, còn dầu DO mức 350 đồng/lít.

Do đó, nếu kỳ điều hành này, cơ quan điều hành giá giảm mức trích quỹ đối với xăng và chi quỹ đối với dầu DO, giá xăng dầu sẽ không tăng, thậm chí vẫn có thể giảm giá bất chấp giá xăng dầu thành phẩm có xu hướng tăng.

Lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía Nam cho biết giá xăng đã có 5 lần giảm giá liên tiếp với mức giảm lên đến 8.000 đồng/lít, kỳ vọng hạ giá các mặt hàng tiêu dùng thời gian qua đã tăng liên tục theo giá xăng dầu.

Vị này cho rằng nếu đặt mục tiêu tiếp tục giảm giá hàng hóa, kìm lạm phát, liên bộ Tài chính – Công thương hoàn toàn có thể sử dụng quỹ bình ổn để giúp giá xăng không tăng hoặc giảm giá lần thứ 6 liên tiếp.

Cụ thể, vị này phân tích nếu không trích quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm 400 đồng/lít hoặc nếu chỉ trích quỹ bình ổn ở mức 350 đồng/lít, giá xăng không tăng.

Còn đối với dầu DO, dù xu hướng giá dầu DO thành phẩm tăng, nhưng thời điểm này vẫn có thể chi quỹ bình ổn để dầu DO chỉ tăng nhẹ hoặc thậm chí chi mạnh sẽ không tăng. “Công cụ điều hành giá đang nằm trong tay các nhà điều hành nên nếu đặt mục tiêu giảm giá các sản phẩm thì hoàn toàn có thể giảm trích quỹ đối với xăng và xả quỹ đối với dầu”, vị này nói.

Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tính đến ngày 11-8, quỹ bình ổn xăng dầu tại doanh nghiệp này đã lên 473 tỉ đồng, dù trước đó có thời điểm âm hàng chục tỉ đồng. Còn tại Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), hiện chỉ còn âm 912 tỉ đồng vào 11-8, trước đó âm hơn 1.000 tỉ đồng. Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) cũng tồn hơn 230 tỉ đồng.

Đây là dư địa để người tiêu dùng sẽ có kỳ giá xăng giảm lần thứ 6 liên tiếp hoặc ít nhất không tăng giá đối với xăng.

 

Doanh nghiệp bán lẻ than hoa hồng thấp

Trong khi đó, trước phiên điều hành giá mới, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết hiện mức hoa hồng trên mỗi lít xăng dầu đã xuống thấp, hiện có nhiều doanh nghiệp đầu mối chỉ duy trì ở mức 50 – 100 đồng/lít xăng, dầu.

Với mức hoa hồng này, các doanh nghiệp cho biết chi phí vận tải, lưu kho, hao hụt nhiên liệu và điện nước, nhân viên… khiến các doanh nghiệp bán lẻ lỗ.

NGỌC HIỂN
TTO