23/11/2024

‘Nước rút’ đăng ký nguyện vọng: Thí sinh cần làm gì?

‘Nước rút’ đăng ký nguyện vọng: Thí sinh cần làm gì?

Vào lúc 17 giờ ngày mai (20.8), Bộ GD-ĐT sẽ kết thúc và đóng cổng đăng ký xét tuyển nguyện vọng trực tuyến. Thời gian này, thí sinh cần lưu ý gì cho việc lựa chọn, đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học?

 

 

Chương trình tư vấn chủ đề “Lời khuyên trước khi kết thúc đăng ký nguyện vọng” của Báo Thanh Niên, phát trên các kênh thanhnien.vn, Fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên với sự tham gia của các chuyên gia đến từ các trường đại học (ĐH) đã cho những lời khuyên bổ ích giúp thí sinh (TS) có được quyết định đúng đắn trước khi việc đăng ký nguyện vọng (NV) kết thúc.

'Nước rút' đăng ký nguyện vọng: Thí sinh cần làm gì? - ảnh 1
Chuyên gia tham gia chương trình khuyên thí sinh đừng đợi gần đến hạn cuối mới đăng ký nguyện vọng vì sẽ có nhiều sai sót, trục trặc  ĐÀO NGỌC THẠCH

Đừng đăng ký vào giai đoạn cuối

Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, thông tin theo thông báo của Bộ, tính đến 12 giờ ngày 17.8 còn khoảng 40% TS chưa đăng ký NV. Vì thế, tiến sĩ Viên lưu ý TS đừng dồn vào giai đoạn cuối vì có thể gặp tình huống đường truyền trục trặc, dễ sai sót. Vì vậy, dựa trên sự cân nhắc trong thời gian qua, TS nên tiến hành đăng ký ngay. “Song song đăng ký trên cổng thông tin của Bộ thì TS cũng cần chú ý thông tin trên các trang thông tin của các trường”, ông Viên lưu ý.

Còn tiến sĩ Võ Thanh Hải, Hiệu phó Trường ĐH Duy Tân, cho hay bình quân mỗi năm có khoảng 80% TS tốt nghiệp THPT đăng ký xét tuyển ĐH theo tâm lý, thói quen. Tuy nhiên, ông Hải lưu ý TS phải kiểm tra lại 2 thông tin dễ sai sót là mã phương thức xét tuyển, còn khi đăng ký phương thức xét tuyển sớm ở các trường đã công bố trúng tuyển có điều kiện thì vẫn phải đăng ký xét tuyển trên hệ thống đúng mã tổ hợp, mã phương thức… Nếu không thực hiện đúng thì việc trúng tuyển sớm không còn giá trị nữa.

 

Đăng ký để khả năng trúng tuyển cao nhất

Với những TS chưa đăng ký xét tuyển thì lúc này cần làm gì? Đã đăng ký rồi có được chỉnh sửa hay không? Với những trường hợp này, tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, khuyên: “Nếu như chưa đăng ký thì phải đăng ký ngay. Nếu chúng ta đã xác định rõ các NV chính xác, đúng thứ tự, chỉ cần chờ ngày đóng lệ phí thôi. Còn nếu băn khoăn về việc đăng ký NV thì ưu tiên trường muốn học nhất lên NV1, rồi NV2… Nếu đã trúng tuyển phương thức sớm thì có thể để NV này ở số 3 để cuối cùng vẫn trúng tuyển ĐH”.

Bên cạnh đó, thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, lưu ý thêm về hình thức thanh toán lệ phí xét tuyển thực hiện sau ngày 20.8. “Đó là các công việc thực hiện trong giai đoạn từ ngày 21 đến ngày 28.8, sau ngày 17.9, các trường sẽ gửi giấy báo trúng tuyển và xác nhận nhập học trực tuyến đến ngày 30.9. Từng trường sẽ có lộ trình thời gian bắt đầu năm học khác nhau. TS tham khảo tại cổng thông tin của từng trường”, ông Trắng nói.

'Nước rút' đăng ký nguyện vọng: Thí sinh cần làm gì? - ảnh 2
17 giờ ngày mai (20.8), Bộ GD-ĐT sẽ kết thúc và đóng cổng đăng ký xét tuyển nguyện vọng trực tuyế  ĐÀO NGỌC THẠCH

Nên đăng ký bao nhiêu nguyện vọng ?

Một TS gửi câu hỏi đến chương trình tư vấn: “Em trúng tuyển sớm ngành quản trị kinh doanh của 1 trường, nhưng mẹ em lại bảo học cái đó mông lung, nên học tài chính, kế toán, em đạt 23 điểm khối A thì có đủ cơ hội học Trường ĐH Việt Đức không?”.

Tiến sĩ Hà Thúc Viên hướng dẫn: Nếu em đã trúng tuyển sớm thì nên đăng ký vào NV1, còn kế toán tài chính sẽ để NV2 cho an toàn. Hai năm đầu thì nền tảng quản trị kinh doanh và tài chính, kế toán học giống nhau. Các em cũng cần chú ý điều kiện tiếng Anh, như chứng chỉ IELTS đạt 5.0. Hay nếu điểm Anh văn trong 3 năm học THPT không đạt 7,5 thì TS sẽ phải tham gia kỳ thi, nếu đạt mới đủ điều kiện trúng tuyển”.

Một TS ở Bình Định cho hay có điểm học bạ 21, điểm thi tốt nghiệp 19 nên lo lắng không biết có còn cơ hội xét tuyển bằng học bạ hay không. Tiến sĩ Võ Thanh Hải cho rằng đây là tình huống nhiều TS đang vấp phải. Đến thời điểm này, có thể nói rằng tất cả phương thức xét tuyển sớm đã kết thúc. Vì vậy, không thể sử dụng điểm học bạ nữa, nếu có thể thì tham gia xét tuyển bổ sung sau ngày 30.9. Tình huống này chỉ còn cách sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT. Mức điểm này nằm trong phổ điểm nhiều TS đang có nên nếu TS chọn một ngành yêu thích đăng ký NV thì có thể đăng ký ở nhiều cơ sở giáo dục khác nhau mới có nhiều cơ hội trúng tuyển.

Theo ông Hải, với mức điểm này, TS nên đăng ký theo thứ tự ưu tiên và từ 5 NV để tăng cơ hội và sắp xếp trường ĐH phù hợp về điều kiện kinh tế, địa bàn cư trú…

Một TS băn khoăn đã trúng tuyển ngành tâm lý học của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành bằng phương thức xét tuyển sớm, bây giờ em lại muốn chuyển sang quan hệ công chúng của trường bằng phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT thì cần làm gì? Tiến sĩ Trần Thiện Lưu cho biết TS chỉ cần đăng ký đúng mã phương thức tuyển sinh bằng điểm thi, và để ngành quan hệ công chúng lên NV1. NV 2 là nganh tâm lý học theo mã phương thức 200 (học bạ).

BÍCH THANH

TNO