Chưa có doanh nghiệp đủ lớn dẫn dắt sản xuất theo chuẩn an toàn
Chưa có doanh nghiệp đủ lớn dẫn dắt sản xuất theo chuẩn an toàn
Đó là một trong nhiều kết quả nghiên cứu, đánh giá của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế về những thách thức đang tồn tại trong việc phát triển ‘tín dụng xanh’ tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Sáng 19-8, Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) phân hiệu Vĩnh Long phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long tổ chức hội nghị “Tín dụng xanh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long – Cơ hội, thách thức và xu hướng phát triển”.
Các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện chi nhánh Ngân hàng Nhà nước 13 tỉnh, thành khu trong vực, cùng nhiều Ngân hàng thương mại tham gia, đóng góp tham luận.
Sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều rủi ro
Trong bản nghiên cứu về tăng trưởng “tín dụng xanh” và hạn chế rủi ro môi trường trong hoạt động tín dụng tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhóm PGS.TS Bùi Văn Trịnh, TS Phạm Minh Trí và ThS Nguyễn Quốc Bình nhấn mạnh tầm quan trọng và xu hướng tất yếu toàn cầu của “tín dụng xanh” trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường sống và bảo vệ sức khỏe con người.
Nhóm nghiên cứu chỉ ra tồn tại của Đồng bằng sông Cửu Long là các hoạt động kinh tế vẫn còn phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, sử dụng lao động giá rẻ, chưa có những yếu tố hấp dẫn về năng lực kỹ thuật và môi trường đầu tư tốt để thu hút các dự án công nghệ cao.
Nhiều địa phương vẫn chủ yếu đặt các ưu tiên cho phát triển kinh tế ngắn hạn hơn là mục tiêu dài hạn, mang tính bền vững gắn với vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.
Hoạt động sản xuất của người dân phần lớn vẫn còn thực hiện theo những phương thức sản xuất truyền thống, mặc dù thời gian gần đây người dân đã ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất nông nghiệp nhưng mức độ ứng dụng công nghệ cao còn thấp.
“Thực tại, hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân gặp rất nhiều rủi ro do yếu tố môi trường, thiên tai, dịch bệnh, giá cả… Điểm yếu nhất vẫn còn tồn tại trong sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương là chưa có doanh nghiệp đủ lớn dẫn dắt thị trường, tập trung sản xuất theo chuẩn an toàn.
Trong khi hoạt động của mô hình kinh tế tập thể chưa mang lại hiệu quả. Dư nợ tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp luôn cao hơn so với các lĩnh vực khác nên rủi ro là không thể tránh khỏi” – ThS. Nguyễn Quốc Bình cho biết.
Cần đặt tiêu chuẩn môi trường khắt khe với nhà đầu tư
Đúc kết từ các kết quả nghiên cứu thực nghiệm tại các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, TS Lê Thị Hồng Minh – Khoa Tài chính, Đại học UEH cho rằng, tăng trưởng kinh tế càng cao dẫn đến khí thải CO2 càng cao. Kinh tế phát triển sẽ thu hút được dòng vốn FDI, FDI vào sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế.
“Phải tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn để thu hút dòng vốn FDI, đặc biệt là dòng vốn FDI chất lượng để đạt được nền kinh tế xanh. FDI chất lượng sẽ giúp các nước đang phát triển tiếp cận với những công nghệ thân thiện môi trường và đóng vai trò quan trọng, hiệu quả trong việc chuyển giao công nghệ sạch.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nên hoàn thiện khung pháp lý và các tiêu chuẩn về môi trường khắt khe hơn đối với các nước đầu tư để tránh bị những ngành công nghiệp gây ô nhiễm từ các nước phát triển lợi dụng khe hở pháp luật xâm nhập vào” – TS Minh kiến nghị.
Theo các chuyên gia, ngân hàng hiện đóng vai trò rất quan trọng trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư, thông qua việc hướng dòng tiền vào các lĩnh vực sản xuất sạch, hạn chế tối đa việc đầu tư vào những dự án gây ảnh hưởng môi trường.
Tuy nhiên, nhiệm vụ thúc đẩy “tín dụng xanh” sẽ chỉ thành công nếu có sự thống nhất, song hành cùng quyết tâm chính trị của Chính phủ, ngành Ngân hàng, cũng như các bộ ngành và chính quyền địa phương.