Kinh tế khu vực sóng gió, xuất khẩu của Việt Nam triển vọng tích cực
Kinh tế khu vực sóng gió, xuất khẩu của Việt Nam triển vọng tích cực
Dòng chảy thương mại sang Trung Quốc, vốn là nguồn lực hỗ trợ các nền kinh tế khác của khu vực, có thể suy yếu trong nửa cuối năm nay. Trong khi đó, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới vẫn tích cực.
Công ty phân tích Moody’s, thuộc Tập đoàn dịch vụ đầu tư Moody’s – là 1 trong 3 đơn vị xếp hạng tín nhiệm tài chính uy tín nhất thế giới, vừa công bố báo cáo mới về tình hình kinh tế của các nền kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC).
|
Xuất khẩu VN được Moody’s đánh giá có nhiều triển vọng trong thời gian tới NGỌC DƯƠNG |
Theo đó, nửa đầu năm 2022, các nền kinh tế trong khu vực đã trải qua nhiều khó khăn khi nhiều kế hoạch mở cửa bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự bùng nổ của dịch bệnh Covid-19 vì biến thể Omicron của SARS-CoV-2. Điều đó khiến cho sự tăng trưởng kinh tế ở khu vực đã bị chậm hơn châu Âu và Mỹ. Khó khăn chưa dừng lại khi các nền kinh tế APAC phải hứng chịu hệ quả chung từ chiến sự ở Ukraine. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản Trung Quốc trì trệ cùng với những chính sách siết chặt kiểm soát đã khiến cho nền kinh tế này bị trì trệ, gây tác động đến nhiều nền kinh tế khác trong khu vực. Thực tế, có đến 7 trong số 14 nền kinh tế chủ đạo của APAC đã bị sụt giảm GDP ít nhất trong một quý của nửa đầu năm 2022.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc dần phục hồi trong tháng 7 sau đợt cao trào sụt giảm vào tháng 4 do các đợt phong tỏa ở một số địa phương. Nhưng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc chưa phục hồi kể từ tháng 2. Điều này cho thấy lượng hàng tồn kho và đầu vào trung gian cho sản xuất đang giảm xuống. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ việc nhu cầu nội địa suy yếu kéo dài dù chính quyền đã thực hiện một số kích thích thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ. Tình hình kinh tế Trung Quốc càng trở nên bất định khi đến giữa tháng 8, một số địa phương nước này tiếp tục áp dụng các hạn chế về xã hội do Covid-19.
Nhiều khả năng, dòng chảy thương mại sang Trung Quốc, vốn là nguồn lực hỗ trợ các nền kinh tế khác của khu vực, có thể suy yếu trong nửa cuối năm nay. Không chỉ nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc yếu mà nhu cầu từ các nền kinh tế phát triển cũng có thể suy yếu. Nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ sẽ tiếp tục ở mức thấp dù gần như tất cả các hạn chế liên quan Covid-19 đã được dỡ bỏ. Tương tự tại châu Âu, lạm phát cao và triển vọng giá năng lượng cao trong những tháng mùa đông sắp tới ở châu Âu hạn chế tâm lý và nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong khi đó, đối với Việt Nam, báo cáo của Moody’s đánh giá tuy có sự chậm trễ về mở cửa kinh tế hồi đầu năm nhưng đã nhanh chóng có sự chuyển biến về sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Bên cạnh đó, chính sách chống dịch ở Trung Quốc đang khiến nhiều nhà đầu tư chuyển hướng vào Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Vì thế, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới vẫn tích cực.
Ngoài ra, việc giá hàng hóa toàn cầu tăng cao cũng tạo hiệu ứng thúc đẩy các nhà sản xuất hàng hóa của một số nước trong khu vực. Điển hình, Indonesia và Malaysia đã có quý 1 tăng trưởng mạnh mẽ khi mở cửa nền kinh tế đồng thời nhờ giá cả hàng hóa tăng cao trong tháng 3. Ngoài ra, tình hình kinh tế Úc cũng dần ổn định.
PHÁT TIẾN
TNO