24/11/2024

Khó đòi nợ đọng xây dựng từ công trình vốn ngân sách

Khó đòi nợ đọng xây dựng từ công trình vốn ngân sách

Làm sao hạn chế được nợ đọng xây dựng, hay bằng cách nào đòi được nợ đọng từ các công trình xây dựng dùng vốn ngân sách đang là trăn trở của cả trăm đại diện nhà thầu.

 

 

Cơ chế thanh quyết toán phức tạp, chồng chéo

Ngày 18.8, Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo Nợ đọng xây dựng – Kiến nghị giải pháp.

Khó đòi nợ đọng xây dựng từ công trình vốn ngân sách - ảnh 1
Nhiều nhà thầu xây dựng phàn nàn về nợ đọng xây dựng công trình vốn ngân sách khó giải quyết LÊ QUÂN

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng hiện có nhiều nhưng thiếu chặt chẽ, rõ ràng, thậm chí là chồng chéo, còn kẽ hở, dẫn đến tình trạng nợ đọng xây dựng từ công trình vốn ngân sách khó giải quyết, gây khó khăn không ít cho các nhà thầu xây dựng.

Đại diện Tổng công ty Vinaconex cho biết theo quy định, đối với các công trình dùng vốn ngân sách, thời gian từ lúc thi công xong đến khi tiền được trả về cho nhà thầu là 53 ngày. Khoảng thời gian này là quá dài, cần rút ngắn.

Dù vậy, trên thực tế, công tác thanh toán khối lượng có nhiều phát sinh phức tạp do các công trình xây dựng thay đổi thiết kế các hạng mục công trình, bổ sung hạng mục công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư, địa phương, đơn vị sử dụng…do địa chất thay đổi, thay đổi mỏ vật liệu…là thường xuyên.

Chính vì những thay đổi phát sinh, điều chỉnh này mà nhà thầu gặp nhiều khó khăn trong việc tập hợp hồ sơ xin duyệt chủ trương, bản vẽ điều chỉnh, dự toán, đơn giá, ký phụ lục hợp đồng… Tất cả các bước này, để hoàn thiện được, cần rất nhiều thời gian do thủ tục qua nhiều bộ phận quản lý, phê duyệt.

Trong khi đó, các chủ đầu tư vẫn yêu cầu bám sát tiến độ hợp đồng, khó tránh được tình trạng vừa thi công vừa trình duyệt dự toán, điều chỉnh hợp đồng. Do vậy, tiềm ẩn các rủi ro: việc bổ sung, điều chỉnh các hạng mục lớn mà không được gia hạn tiến độ, nhà thầu phải bổ sung thiết bị, nhân công, thi công tăng ca, phát sinh thêm chi phí nhưng hầu như không được tính trong dự toán. Thời gian lập, trình duyệt, thoả thuận kéo dài, nhiều hạng mục thi công xong mà chưa ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh, dẫn tới chưa được thanh toán, trong khi nhà thầu đã bỏ chi phí để thi công.

Bên cạnh đó, giá trị hợp đồng phát sinh tăng nhưng nhà thầu không được tạm ứng phần giá trị bổ sung theo tỉ lệ tạm ứng của hợp đồng, phải tự ứng vốn thi công mà còn bị chậm thanh toán nếu thủ tục kéo dài…

 

Cần có bảo lãnh thanh toán

Ông Hoàng Trung Kiên, đại diện Công ty CP tập đoàn Cienco4, cho biết hiện các chủ đầu tư là vốn nhà nước hay tư nhân đều không có bất kỳ khoản bảo lãnh nào.

Do vậy, các nhà thầu làm công trình hầu như trong tình trạng phải chờ khoản tiền công trình chưa được thanh toán. Nhà thầu làm xong không thể thu được tiền, các khoản nợ kéo dài nhiều năm và không có cơ quan nào đứng ra xử lý triệt để dẫn đến tồn tại các khoản nợ đọng xây dựng nhiều năm.

Khó đòi nợ đọng xây dựng từ công trình vốn ngân sách - ảnh 2
Cần bảo lãnh thanh toán là vấn đề được nhiều nhà thầu xây dựng bày tỏ đồng ý kiến nghị Chính phủ ban hành LÊ QUÂN

Đơn cử, như Cienco4 có những khoản nợ khó đòi trong nhiều năm từ các công trình vốn ngân sách, tổng cộng lên đến gần 200 tỉ đồng, trong đó có một số công trình tại Hà Nội như: cầu Trung Hoà còn nợ hơn 74 tỉ đồng; cầu Đông Trù còn nợ hơn 22 tỉ đồng; cầu Vĩnh Tuy còn nợ 6,5 tỉ đồng… Tại một số tỉnh thành khác: gói J3 Bến Lức – Long Thành cũng còn nợ gần 20 tỉ đồng…

Ông Kiên cho rằng khi sửa đổi luật Xây dựng tới đây cần quy định chủ đầu tư có bảo lãnh thanh toán, ít nhất là 30% cuối cùng của dự án. Đồng thời, phải tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, loại bỏ tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản để bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà thầu.

Ông Kiên cũng kiến nghị cần có cơ chế linh hoạt trong việc cho phép quyết toán, bố trí vốn riêng cho từng gói thầu, không để tình trạng toàn bộ quyết toán các gói thầu trong cùng 1 dự án phải chờ nhau, phải hoàn thành toàn bộ quyết toán các gói thầu thì mới có cơ sở quyết toán đự án, bố trí vốn.

“Đơn cử, công trình cầu Đông Trù ở Hà Nội, Cienco4 đã hoàn thành nghĩa vụ bảo hành và quyết toán đã lâu nhưng chưa được bố trí vốn do phải chờ đợi các gói thầu khác hoàn thành công tác quyết toán với chủ đầu tư”, ông Kiên cho biết.

 

Doanh nghiệp chưa có thói quen kiện ra toà án để giải quyết

Ông Khương Tất Thắng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Trường Sơn, cho biết đơn vị này đang có 1.280 hợp đồng có giá trị công nợ phải thu. Trong đó, 382 hợp đồng đang theo dõi công nợ tại các đơn vị công ty con; 119 hợp đồng xây lắp; và 779 hợp đồng tại tổng công ty mẹ.

Khó đòi nợ đọng xây dựng từ công trình vốn ngân sách - ảnh 3
Một số nhà thầu xây dựng thuộc VACC cho rằng, trong đàm phán hợp đồng xây dựng, phía nhà thầu luôn ở “cơ dưới” nên bị chủ đầu tư ép điều khoản, phải chấp nhận thiệt hại nếu muốn có việc làm  LÊ QUÂN

Tổng số nợ phải thu tại thời điểm 31.3.2022 là hơn 1.500 tỉ đồng. Trong đó, công nợ các công trình chủ đầu tư là đơn vị quản lý vốn nhà nước là hơn 1.000 tỉ đồng…

Về thời gian nợ, số lượng nợ dưới 3 năm là hơn 500 tỉ đồng; nợ từ 3 – 5 năm gần 550 tỉ đồng; nợ trên 5 năm gần 150 tỉ đồng.

Cũng theo ông Thắng, có những khoản nợ đọng không chỉ 5 năm mà đã kéo dài trên 10 năm, gây không ít hệ luỵ cho doanh nghiệp nhà thầu.

Về nguyên nhân, ông Thắng cho biết, sau khi công trình được nghiệm thu, đưa vào sử dụng là nhiều chủ đầu tư không quan tâm đến bố trí vốn trả nợ dự án đã hoàn thành. Điều này gặp tại các dự án vốn ngân sách. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm toán, quyết toán công trình hoàn thành chậm, kéo dài vì vướng mắc, chồng chéo thủ tục, quy định, làm ảnh hưởng đến việc thu hồi công nợ của nhà thầu.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC, cho biết đại đa số các chủ đầu tư, nhà thầu ít chọn phương thức kiện ra toà án để giải quyết tranh chấp trong xây dựng, nợ đọng xây dựng. Nguyên nhân là các vụ việc kiện ra toà chưa được giải quyết nhanh chóng. Thậm chí, khi ra được bản án thì việc thi hành án thế nào cũng trở thành vấn đề không dễ giải quyết.

Cũng theo ông Hiệp, phương thức kiện ra toà ít được lựa chọn cũng bởi tâm lý e ngại của các bên, trong đó có các nhà thầu do sợ mang tiếng hay kiện tụng, dễ gặp khó khăn khi tìm kiếm hợp đồng mới.

Ông Hiệp cho rằng cần tìm ra giải pháp hạn chế nợ đọng xây dựng, tháo gỡ các vướng mắc trong thanh quyết toán linh hoạt, thông thoáng, nhất là trong các công trình có vốn đầu tư công và đây cũng là 1 cách đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

LÊ QUÂN

TNO