24/11/2024

Không quản lý nhà nước đối với vốn xã hội hóa để phát triển sản xuất giống

Không quản lý nhà nước đối với vốn xã hội hoá để phát triển sản xuất giống

Phó thủ tướng Lê Văn Thành thống nhất với kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc không thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước đối với vốn xã hội hoá trong giai đoạn 2021-2030 để phục vụ phát triển sản xuất giống.

 

 

Không quản lý nhà nước đối với vốn xã hội hóa để phát triển sản xuất giống - Ảnh 1.

Nghiên cứu giống cây trồng tại Khu nông nghiệp công nghệ cao (Củ Chi – TP.HCM) – Ảnh: T.T.D.

Ngày 16-8, Phó thủ tướng Lê Văn Thành ký văn bản của Thủ tướng gửi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư về việc tháo gỡ vướng mắc thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất giống.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có văn bản kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ vướng mắc thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất giống theo quyết định 703/QĐ-TTg của Thủ tướng năm 2020 phê duyệt chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt quyết định 703/2020).

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, khó khăn vướng mắc chính là thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất giống.

Cụ thể, tại quyết định số 703/2020, Thủ tướng phê duyệt kinh phí thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất giống gồm 1.260 tỉ đồng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế và 86.600 tỉ đồng nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân. Đối với nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, ngân sách nhà nước hỗ trợ để thực hiện và được quản lý theo Luật ngân sách.

Đối với nguồn vốn 86.600 tỉ đồng của các tổ chức, cá nhân, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa phân chia cụ thể thành 2 nguồn.

Thứ nhất, vốn đối ứng là nguồn vốn mà các đơn vị, tổ chức, cá nhân đóng góp (bằng tiền, vật tư, công…) để thực hiện các nội dung được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí.

Thứ hai, vốn xã hội hóa là nguồn vốn của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đầu tư 100% chi phí để sản xuất giống.

Việc chưa phân chia cụ thể thành 2 nguồn vốn như trên dẫn đến khó khăn trong việc xác định phạm vi quản lý nhà nước đối với từng dự án.

Tương tự như đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định số 2194-2009 (gọi tắt quyết định 2194), Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xác định Nhà nước chỉ thực hiện công tác quản lý đối với nguồn vốn đối ứng mà các đơn vị, tổ chức, cá nhân đóng góp để thực hiện các nội dung được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí.

Đối với nguồn vốn xã hội hóa, Nhà nước không thực hiện công tác quản lý, nhưng cần được tổng hợp trong từng dự án và toàn chương trình để thấy được đóng góp của toàn xã hội tham gia thực hiện chương trình.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc nêu trên, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị Thủ tướng cho phép phân chia nguồn hợp pháp khác (86.600 tỉ đồng) thành 2 nguồn là vốn đối ứng (1.460 tỉ đồng) và vốn xã hội hóa (85.140 tỉ đồng).

Về công tác quản lý nguồn vốn đối ứng, thực hiện theo các quy định của Bộ Tài chính về quy định quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất giống trong chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Đối với nguồn vốn xã hội hóa, không thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước đối với nguồn vốn này tương tự như đã thực hiện đối với quyết định 2194. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ tổng hợp nguồn vốn này trong từng dự án và toàn chương trình để thấy được sự đóng góp của toàn xã hội tham gia thực hiện chương trình.

Trước kiến nghị trên, Phó thủ tướng Lê Văn Thành thống nhất với kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Phó thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì phối hợp cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện, quản lý, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Phối hợp cùng Bộ Tài chính ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, có giải pháp phù hợp để huy động tối đa nguồn vốn đối ứng và nguồn vốn xã hội hóa nhằm đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện các mục tiêu của chương trình đã được Thủ tướng phê duyệt.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hằng năm các đơn vị/tổ chức/cá nhân đầu tư khoảng 85.000-90.000 tỉ đồng để nhân giống cây trồng, vật nuôi đáp ứng nhu cầu sản xuất. Với số lượng khoảng 560.000-600.000 tấn giống lúa, 3 tỉ hom sắn, 24-25 triệu cây cà phê, 20 triệu cây chè, 550-600 triệu cây giống lâm nghiệp, 700-750 triệu con gà giống, 29 triệu con heo giống, cá tra khoảng 2,5-3 tỉ con, tôm thẻ chân trắng 130-150 tỉ con…

CHÍ TUỆ
TTO