24/11/2024

Vì sao doanh nghiệp vẫn chưa giảm giá?

Vì sao doanh nghiệp vẫn chưa giảm giá?

Đại diện Sở Tài chính TP.HCM cho biết vừa có văn bản đề nghị các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường và trong lĩnh vực thực phẩm phải kê khai giá đầu vào nhưng nhiều doanh nghiệp không phản hồi.

 

 

Vì sao doanh nghiệp vẫn chưa giảm giá? - Ảnh 1.

Nhiều mặt hàng tăng giá thời gian qua nhưng nay khó giảm lại – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuổi Trẻ đã tìm hỏi lãnh đạo các doanh nghiệp lớn tại TP.HCM về việc giảm giá.

 

Lời khiêm tốn, giá vận tải không giảm

Sở Tài chính TP.HCM đề nghị xem xét tính toán lại giá đầu vào để đưa ra giá bán hàng hóa hợp lý khi giá xăng dầu giảm mạnh thời gian qua, đặc biệt doanh nghiệp lĩnh vực thực phẩm. Tuy nhiên sở cho biết hiện phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa có những phản hồi cụ thể. Nhiều doanh nghiệp tham gia bình ổn hàng thực phẩm, thiết yếu xác nhận chưa thực hiện việc giảm giá và thậm chí không thể thực hiện.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Công ty Ba Huân cho biết cơ quan nhà nước có đặt vấn đề “xem xét giảm giá trứng bình ổn vì yếu tố xăng dầu” nhưng không thể giảm được, bởi thực tế giá trứng bán hiện nay doanh nghiệp có mức lời khiêm tốn.

“Thức ăn chăn nuôi là thành phần chính trong chi phí sản xuất trứng gia cầm và đang tăng ở mức cao, trong khi xăng dầu chỉ chiếm vài phần trăm trong cơ cấu giá thành. Do đó không thể giảm giá bán được”, vị này thông tin.

Ông Trương Chí Thiện, tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cho biết giá thành sản xuất trứng gà là 3.015 đồng/trứng nhưng giá bình ổn được đơn vị bán ra 3.150 đồng/trứng, rẻ hơn thị trường 10 – 15%. Theo ông Thiện, giá các mặt hàng nguyên liệu đầu vào hầu như chưa có sự chuyển biến rõ rệt, đặc biệt giá cước vận tải hầu như chưa giảm.

“Ngành này không giảm thì càng không có cơ sở bắt chúng tôi giảm giá bán hàng hóa”, ông Thiện nói.

Giá trứng bình ổn tại TP.HCM đang được các doanh nghiệp bán lẻ với mức 31.500 đồng/chục với trứng gà và 35.000 đồng/chục với trứng vịt – tăng 3.500 – 4.000 đồng so với vài tháng trước đó.

Các doanh nghiệp vừa tăng giá nói gì?

Là doanh nghiệp tham gia bình ổn với chủ đạo là mặt hàng thịt tươi sống, đại diện Công ty Vissan cho biết dù giá bán lẻ được TP cho tăng 8.000 – 22.500 đồng/kg vào tháng trước nhưng hiện khó giảm giá theo mức giảm giá xăng dầu.

“Thực tế khoảng 1 năm qua đơn vị mới tăng giá bán lẻ thịt heo, và tính ra mức tăng này còn thấp hơn mức tăng giá heo hơi trong 1 năm qua”, vị này nói.

Theo đại diện Saigon Food, do vẫn gặp khó khâu đầu vào nên chưa có quyết định giảm giá bán, dù tháng 5-2022 đơn vị đã tăng 5 – 15% giá bán.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, xác nhận đến nay hầu hết các doanh nghiệp trong hội vẫn chưa có quyết định giảm giá bán hàng hóa, trong đó có nhiều doanh nghiệp tham gia bình ổn.

“Giá xăng dầu hầu như chỉ chiếm 10 – 20% trong cơ cấu giá thành của các doanh nghiệp, trong khi đó giá nguyên vật liệu, nhân công, mặt bằng… đều chiếm phần lớn thì giá lại tăng cao. Với khối doanh nghiệp bình ổn, thời gian qua, tỉ lệ tăng giá bán của khối này ở mức khiêm tốn, thậm chí không tăng, nên khó có cơ sở bắt doanh nghiệp bình ổn giảm giá bán hàng hóa khi giá xăng giảm”, bà nói.

 

Cơ quan nhà nước phải quyết liệt hơn

Nhiều chuyên gia cho rằng cần tôn trọng yếu tố cung cầu thị trường quyết định giá bán. Tuy nhiên, đối với trường hợp có dấu hiệu giữ giá bán bất hợp lý, hoặc những lĩnh vực bắt buộc doanh nghiệp phải kê khai giá đầu vào, các cơ quan nhà nước phải quyết liệt hơn nữa trong việc yêu cầu doanh nghiệp kê khai giá đầu vào, các chi phí liên quan…

Dựa vào đây, cơ quan nhà nước dễ tính toán việc cấu thành giá, thực hiện việc giám sát, đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

N.TRÍ
TTO