23/11/2024

Tàu cá nằm bờ chờ hỗ trợ

Tàu cá nằm bờ chờ hỗ trợ

Nhiều tàu cá ở phía Nam nằm bờ 2-3 tháng vì giá xăng dầu tăng quá cao, ra khơi cầm chắc lỗ. Trong khi đó, kiến nghị dùng ngân sách hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân vẫn đang nằm trên giấy.

 

 

Tàu cá nằm bờ chờ hỗ trợ - Ảnh 1.

Tàu cá neo đậu ở huyện Châu Thành, Kiên Giang – Ảnh: CHÍ CÔNG

Tranh thủ đợt gần đây giá dầu giảm, một số ngư dân liều cho thuyền ra khơi nhưng trong tâm thế “năm ăn, năm thua”.

 

80% ghe tàu phải nằm bờ

Ông Tám Hên (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) cho 3 tàu đánh bắt xa bờ nằm bờ vì giá xăng dầu tăng cao, ra khơi cầm chắc lỗ. Gần 40 năm làm nghề biển, ông Tám Hên chưa bao giờ phải neo tàu thời gian dài đến vậy. “Trước đây, thỉnh thoảng mưa bão mới phải tìm chỗ trú ẩn, làm gì có chuyện thả neo ở không thất nghiệp hàng tháng. Nhưng thà không đi biển còn hơn, chứ xăng dầu lên giá, đánh bắt thất mùa, chưa ra khơi đã biết lỗ trước, ở nhà còn hơn”, ông Tám Hên nói.

Theo ghi nhận, từ đầu năm đến nay nhiều thời điểm Sóc Trăng có lượng tàu nằm bờ nhiều hơn số tàu ra khơi. Ông Phạm Văn Hứa – giám đốc ban quản lý cảng cá Trần Đề – cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, do ảnh hưởng nhiều yếu tố, nhất là giá xăng dầu tăng đột biến đã ảnh hưởng đến hoạt động và đời sống ngư dân. Có thời điểm khoảng 80% ghe tàu ở Sóc Trăng nằm bờ khiến ngư dân lao đao.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bến Tre có tỉ lệ tàu thua lỗ dao động từ 20 – 40%. Riêng đối với phương tiện cào đơn có 42% phương tiện thua lỗ.

Tại Dương Đông (Phú Quốc), sản lượng ít, giá bán thấp nên chị Lưu Thị Bé Hai – chủ ghe mực – đang cho ghe nằm bờ gần 1 tháng nay. Cuộc sống của gia đình chị cũng rơi vào khó khăn. Do đó, chị Bé Hai phải đi hỏi nợ hoặc mượn tiền xài xoay xở trong gia đình.

“Mực ngoài biển giờ không còn nhiều như trước. Có khi đi đánh bắt mực cả ngày tôi kiếm được 5-10kg là cùng. Giá mực thấp nữa nên tôi không có lời. Ít bữa nữa tôi đi đánh mực lại xem sao, thất nữa chắc có thể giải nghệ luôn”, chị Bé Hai than.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Kiên Giang, tỉnh có 9.806 tàu cá, trong đó tàu cá khai thác xa bờ có 3.896 tàu. Do ảnh hưởng giá xăng dầu, kéo theo các nguyên liệu vật tư khác như nước đá, ngư cụ, lương thực, thực phẩm, đặc biệt sản lượng và giá thủy sản không tăng nên địa phương có khoảng 20% tàu cá tạm ngừng ra khơi (số liệu này tính đến tháng 6).

Vẫn chờ chính sách hỗ trợ

Do giá xăng dầu giảm trong những ngày gần đây, nhiều ngư dân đã tranh thủ ra khơi nhưng vẫn canh cánh nỗi lo giá xăng dầu tăng trở lại. Viễn cảnh tàu cá lại nằm bờ rất dễ xảy ra khi không có những chính sách hỗ trợ bài bản cho ngư dân, nhất là chi phí nhiên liệu đang tăng trở lại và diễn biến khó lường.

Ông Phạm Văn Hứa cho biết dấu hiệu đã khả quan hơn, hiện hầu hết tàu đánh bắt thủy hải sản ở Sóc Trăng đã ra khơi. “Hiện đang vào mùa đánh bắt chính nên không còn tàu ghe nằm bờ. Tuy nhiên do sản lượng giảm, chi phí xăng dầu và các dịch vụ đầu vào khác tăng khiến ngư dân không lời nhiều”, ông Hứa cho biết.

Theo ông Hứa, để ngư dân an tâm bám biển, Chính phủ cần tiếp tục có chính sách điều tiết giảm hoặc kềm giá xăng dầu hợp lý. “Chi phí nguyên liệu chiếm khá cao trong các chi phí cho mỗi chuyến ra khơi. Ngư dân đang rất khó khăn, cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ khác để bà con bám biển, trong đó bao gồm giảm lãi suất vay và đầu tư vốn để ngư dân tái đầu tư”, ông Hứa đề xuất.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã – giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng – cho biết nhằm chia sẻ cùng bà con ngư dân, trong thời gian tàu đánh bắt thủy hải sản nằm bờ, tỉnh đã giảm tiền thu phí tàu cảng và hỗ trợ các dịch vụ khác, nhất là tạo điều kiện sắp xếp ổn định chỗ neo đậu vì số lượng quá đông. “Sau khi giá xăng dầu giảm, bà con ngư dân tranh thủ ra khơi. Hiện hoạt động đánh bắt thủy hải sản đã ổn định, không còn tàu nằm bờ nữa”, ông Nhã cho biết.

 

Chỉ mới nghe về chính sách hỗ trợ

Ông Quảng Trọng Thao – phó giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang – cho biết về việc Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương đề xuất hỗ trợ ngư dân thì địa phương cũng có nghe. Tuy nhiên, trước mắt để giúp ngư dân có thêm điều kiện ra khơi, Hội đồng nhân dân tỉnh vừa mới thông qua nghị quyết về quy định mức hỗ trợ chi phí thuê bao dịch vụ giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh Kiên Giang để hỗ trợ một phần chi phí cho ngư dân.

 

Chưa rõ cơ chế hỗ trợ ngư dân bám biển

Theo Bộ NN&PTNT, từ tháng 12-2021 đến nay giá xăng dầu liên tục tăng cao và được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp trong thời gian tới, tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống và an sinh xã hội của người dân. Tính chung cả nước đến thời điểm hiện nay, tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40 – 55%, đặc biệt các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiều nhiên liệu như lưới kéo, nghề rê…

Cuối tháng 6-2021, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công thương và Bộ Lao động – thương binh và xã hội xem xét, đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá nhiên liệu tăng trong thời gian 6 tháng.

Đầu tháng 7, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động – thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cùng các bộ ngành, địa phương liên quan có hoạt động sản xuất đánh bắt thủy hải sản để rà soát, cân đối, bố trí ngân sách hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân.

Tuy vậy, hình thức hỗ trợ được Bộ Công thương đề xuất không phải là hỗ trợ thuyền viên làm việc trên tàu cá đang ngừng hoạt động, mà là bù vào phần giá xăng dầu tăng so với đầu năm 2022 đối với loại xăng dầu ngư dân sử dụng để khuyến khích ngư dân khôi phục hoạt động vươn khơi, bám biển, thực hiện đến hết năm 2022.

C.TUỆ

KH.TÂM – C.CÔNG – M.TRƯỜNG
TTO