22/12/2024

Áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn

Áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn

Với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 35%/năm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được dự báo sẽ dần thay thế ngân hàng để trở thành kênh huy động vốn chính trong nền kinh tế.

 

 

Áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn - Ảnh 1.

Trước khi Tân Hoàng Minh tạm đóng cửa văn phòng tiếp khách hàng tại trụ sở chính (Hà Nội), nhiều nhà đầu tư trái phiếu đã kéo đến đây để đòi lại tiền – Ảnh: Nhà đầu tư cung cấp

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần sớm xây dựng hành lang pháp lý để thị trường này phát triển lành mạnh hơn.

Áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn 2022 – 2024 rất lớn, mỗi năm các doanh nghiệp phải trả hàng trăm ngàn tỉ nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành những năm qua.

Do đó, theo các chuyên gia, cần ứng xử linh hoạt và thận trọng với thị trường trái phiếu, tránh gây đổ vỡ thị trường.

 

Hàng trăm ngàn tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn

Trong năm 2022, theo thông tin từ Bộ Tài chính, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn khoảng 144.500 tỉ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn (đến hạn trả nợ gốc) chiếm 43,2%, tương đương 62.470 tỉ đồng.

Khối lượng trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành đáo hạn khoảng 29.160 tỉ đồng, chiếm khoảng 20,2% tổng khối lượng trái phiếu đáo hạn.

Từ năm 2020 đến nay, trái phiếu doanh nghiệp được phát hành hầu hết là trái phiếu riêng lẻ. Quy mô giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong năm 2021 đạt hơn 1,9 triệu tỉ đồng, bình quân giao dịch đạt 7.665 tỉ đồng/ngày, chủ yếu là giữa các công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng và nhà đầu tư cá nhân.

Trên thị trường thứ cấp, tỉ lệ mua trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư cá nhân cao hơn thị trường sơ cấp. Trong năm 2021, các tổ chức tín dụng nắm giữ 51,4%, nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khoảng 27,7% khối lượng trái phiếu phát hành trong năm 2021.

Trong những năm tới, lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trả nợ gốc sẽ tiếp tục tăng mạnh. Chẳng hạn trong năm 2023, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán nợ gốc là 271.400 tỉ đồng, riêng trái phiếu bất động sản khoảng 207.800 tỉ đồng.

Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán nợ gốc trong năm 2024 tiếp tục tăng lên mức 329.500 tỉ đồng, trong đó trái phiếu bất động sản khoảng 207.500 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ngoại trừ trường hợp các trái phiếu doanh nghiệp bị hủy trong vụ Tân Hoàng Minh, Bộ Tài chính cho biết các doanh nghiệp phát hành vẫn đang thanh toán đầy đủ gốc, lãi TPDN cho nhà đầu tư dù vẫn tiềm ẩn rủi ro do khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn tập trung trong giai đoạn 2022 – 2024.

“Với kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định, định hướng điều hành theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển, các doanh nghiệp có khả năng thanh toán đủ cả gốc lẫn lãi trái phiếu doanh nghiệp đến hạn”, Bộ Tài chính nhận định.

 

Phải nâng chất thị trường trái phiếu

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, tiềm năng thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất lớn nhưng cần sớm xây dựng hạ tầng hoàn thiện cho thị trường phát triển.

Trong phát hành trái phiếu, điều quan trọng nhất là phải có xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành. Tuy nhiên, hoạt động này còn mới mẻ ở Việt Nam, đến nay cả nước mới có 2 công ty xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp.

Cũng theo ông Hiếu, xếp hạng tín nhiệm là công cụ cần thiết do các nhà đầu tư nhỏ lẻ không có khả năng phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành. “Nhà đầu tư rất cần có bên độc lập thứ ba để phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, phân tích khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành nhằm giảm thiểu những rủi ro”, ông Hiếu nói.

Ông Nguyễn Đức Chi, thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết bộ này đang trình Chính phủ ban hành nghị định mới để thay thế nghị định 153 của Chính phủ về chào bán trái phiếu riêng lẻ theo hướng nâng chất lượng trái phiếu phát hành. Qua đó sẽ nâng mệnh giá trái phiếu lên 1 tỉ đồng, yêu cầu giá trị đầu tư chứng khoán 2 tỉ đồng khi xác nhận là nhà đầu tư chuyên nghiệp.

“Nguồn tiền này phải là tài sản chính của nhà đầu tư, được duy trì tối thiểu trong 6 tháng. Nhà đầu tư có trách nhiệm ký cam kết hiểu rõ các điều kiện, điều khoản rủi ro trước khi mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Nhà đầu tư không được bán lại trái phiếu đã mua cho nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp, bao gồm cả hình thức góp vốn đầu tư như trường hợp Tân Hoàng Minh”, ông Chi nói.

Ngoài ra, theo ông Chi, cũng sẽ bổ sung quy định theo hướng tăng trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong tuân thủ phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.

“Sẽ có quy định yêu cầu doanh nghiệp phát hành phải mua lại trái phiếu khi vi phạm pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ”, ông Chi cho biết.

 

Tạo điều kiện cho thị trường phát triển

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia chứng khoán cho rằng bên cạnh việc hoàn thiện luật pháp thì cần tăng cường vai trò cơ quan quản lý thị trường.

“Nhà phát hành cũng phải biết được những rủi ro khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chứ không phải cứ cần tiền là phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhờ các ngân hàng hỗ trợ phát hành, tạo rủi ro mang tính hệ thống cho nền kinh tế. Nếu các điều kiện này chưa hoàn hảo thì sẽ chưa thể phát triển bền vững thị trường trái phiếu”, vị này nói.

Tuy nhiên, TS Võ Trí Thành, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng sau vụ việc Tân Hoàng Minh, có thể thấy rằng cách xử lý doanh nghiệp cần “khéo hơn” nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư trái phiếu nhỏ lẻ.

“Bộ Tài chính đang trình Chính phủ sửa nghị định 153 liên quan tới phát hành trái phiếu. Tôi hy vọng sau khi hoàn thành việc sửa nghị định 153, thị trường sẽ tiếp tục được vận hành lành mạnh”, ông Thành kỳ vọng.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, khẳng định thị trường trái phiếu sẽ dần thay thế hệ thống ngân hàng. “Với tốc độ tăng trưởng thị trường trái phiếu khoảng 35%/năm, trong thời gian tới thị trường trái phiếu sẽ thay thế hoàn toàn hệ thống ngân hàng để trở thành kênh huy động vốn chính của doanh nghiệp”, ông Nghĩa nói.

Do đó, theo ông Nghĩa, phải nhanh chóng có giải pháp nhằm phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp bởi để thị trường trái phiếu bị đổ vỡ sẽ không riêng gì bất động sản bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cần có giải pháp hạn chế phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, bởi khi phát hành ra công chúng doanh nghiệp phát hành đã có xếp hạng tín nhiệm rồi.

“Nhà đầu tư không hơi đâu đọc báo cáo tài chính trước khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Do vậy, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý liên quan tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có sửa đổi nghị định 153 với mục tiêu quan trọng là đảm bảo sự minh bạch của thị trường trái phiếu, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư nhưng cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có kênh huy động vốn trung và dài hạn”, ông Nghĩa nói.

* TS Cấn Văn Lực (thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia):

Đòi hỏi quy định pháp lý cao hơn

Chất lượng trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro do khối lượng phát hành riêng lẻ chiếm đa số, khoảng 94,5%. Hơn nữa, các tài sản đảm bảo chủ yếu là bất động sản (hình thành trong tương lai), cổ phiếu (chưa niêm yết), quyền tài sản phát sinh… vốn rất khó xác định giá trị và thay đổi nhanh. Trong khi đó, sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đòi hỏi những quy định pháp lý phải cao hơn.

Do vậy, cần phải sớm ban hành nghị định sửa đổi nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với các quy định chặt chẽ về công khai thông tin, điều kiện phát hành trái phiếu đối với doanh nghiệp phát hành. Ngoài ra, Bộ Tài chính cần chủ trì rà soát Luật chứng khoán 2019 để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định bất cập như việc nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp…

L.Thanh ghi

BẢO NGỌC
TTO