23/12/2024

4 kịch bản khiến xung đột Ukraine trở thành chiến tranh NATO – Nga

4 kịch bản khiến xung đột Ukraine trở thành chiến tranh NATO – Nga

Tổ chức tư vấn RAND đã vạch ra bốn “hướng leo thang” của xung đột Ukraine có thể dẫn đến chiến tranh NATO – Nga.

 

 

 

4 kịch bản khiến xung đột Ukraine trở thành chiến tranh NATO - Nga - ảnh 1
Xe tải quân sự Nga ở Kherson ngày 26.7   REUTERS

Theo RT, Tổ chức RAND, tổ chức tư vấn hàng đầu của Lầu Năm Góc, ngày 26.7 đưa ra báo báo chỉ ra rằng Mỹ và các đồng minh NATO cần phải thực hiện một loạt các bước để tránh xung đột trực tiếp với Nga về vấn đề Ukraine. Tổ chức RAND cảnh báo các biện pháp cấm vận Nga đã tạo điều kiện cho một trong những hướng leo thang xung đột và việc vũ khí cùng tình nguyện viên phương Tây đến Ukraine có thể dẫn đến những hướng leo thang xung đột khác.

Nhiều bên lo ngại rằng cuộc xung đột ở Ukraine sẽ không thể tránh khỏi việc “leo thang thành xung đột Nga – NATO”, RAND, tổ chức đã thực hiện nghiên cứu và phân tích cho quân đội Mỹ từ năm 1948, nhận định. Tuy vậy, tổ chức này cũng chỉ ra rằng vẫn có thể ngăn chặn xung đột nếu Mỹ và các đồng minh thực hiện một số bước nhất định.

 

Viễn cảnh đầu tiên

Các nhà nghiên cứu của RAND đã đưa ra “bốn hướng leo thang” của xung đột Ukraine, bắt đầu từ các biện pháp trừng phạt Nga mà Mỹ và các đồng minh đang thực hiện. Ba viễn cảnh khác bao gồm việc Moscow tin rằng sắp có sự tham gia trực tiếp của NATO vào xung đột ở Ukraine; vũ khí phương Tây giao cho Ukraine đang tạo ra sự khác biệt lớn trên chiến trường; hoặc tình trạng bất ổn trong nước đang đe dọa chính phủ Nga.

“Moscow vẫn chưa phản ứng trực tiếp theo bất kỳ cách đáng kể nào” đối với các hành động của phương Tây, từ các biện pháp trừng phạt đến việc trang bị vũ khí cho Ukraine – những hành động RAND cho rằng đã “làm Nga suy yếu và dẫn đến cái chết của nhiều binh sĩ Nga”. Để giải thích cho việc Nga chưa có động thái gì, các nhà nghiên cứu của RAND suy đoán rằng “Điện Kremlin đang bận tâm với việc chiến dịch ở Ukraine gặp trở ngại”.

 

Viễn cảnh thứ hai

RAND cũng cho rằng Nga sắp hết tên lửa tầm xa, thông tin mà các cơ quan tình báo phương Tây đã đưa ra từ tháng 3. Vì vậy, Nga có thể cảm thấy buộc phải tấn công lãnh thổ của một thành viên NATO nếu Moscow cho rằng liên minh quân sự này sắp can dự trực tiếp vào xung đột ở Ukraine.

RAND cảnh báo rằng việc triển khai năng lực tấn công tầm xa ở các nước vùng Baltic như Ba Lan và Romania hoặc để tình nguyện viên từ các quốc gia thành viên NATO tham gia chiến đấu – chuyện vốn đã xảy ra – sẽ thúc đẩy Moscow nghĩ theo hướng trên. Đồng thời, RAND nói thêm rằng hướng đi này có thể dẫn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

“Hãy tiếp tục phát đi tín hiệu rằng Mỹ và các đồng minh NATO không có kế hoạch trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột”, RAND khuyến cáo Washington. Theo RAND, động thái trên rất cần thiết trong việc chống lại các tuyên bố công khai của “các quan chức chính phủ hoặc cựu quan chức” về “hành động tàn bạo” của Nga và những lời kêu gọi thay đổi chế độ ở Moscow.

NATO vẫn nên “tăng cường sự hiện diện của lực lượng ở phía đông” nhưng nên tập trung vào khả năng “phòng thủ” và đánh giá lại những hoạt động như tập trận “để tránh tạo ra ấn tượng sai lầm rằng khối này đang chuẩn bị tấn công”, các nhà nghiên cứu cho biết.

 

Viễn cảnh thứ ba

Báo cáo khẳng định nếu vũ khí phương Tây đưa vào Ukraine bắt đầu “xoay chuyển cục diện thành bất lợi cho Nga một cách đáng kể”, Moscow có thể nhắm vào các kho vũ khí. Các cuộc tấn công này ban đầu có thể diễn ra “bí mật hoặc không tiếp xúc (non-kinetic)” rồi dần leo thang. Một ví dụ được đưa ra là vụ nổ năm 2014 tại kho đạn của CH Czech. Truyền thông phương Tây và nhóm điều tra Bellingcat cho rằng Nga đã gây ra vụ việc này, nhưng không đưa ra bằng chứng.

Một biện pháp đối phó được RAND đề xuất là “phân tán và giữ bí mật, bất cứ khi nào có thể” địa điểm các cơ sở đào tạo và cung cấp vũ khí NATO viện trợ cho Ukraine.

Tuy vậy, báo cáo cũng thừa nhận vũ khí của phương Tây hỗ trợ cho đến nay đã không giúp Ukraine nhiều trong việc “xoay chuyển cục diện thành bất lợi cho Nga”.

 

Viễn cảnh thứ tư

Theo kịch bản cuối cùng, Moscow có thể xem các cuộc biểu tình quy mô lớn trong nước là “một cuộc tấn công không tiếp xúc của NATO”. Dù các cuộc biểu tình quy mô lớn vẫn chưa diễn ra ở Nga, “sự sụt giảm kinh tế do xung đột có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất ổn trên diện rộng nếu nền kinh tế bị tác động trong trung và dài hạn”, báo cáo của RAND cho biết.

Vấn đề là Moscow xem các cuộc biểu tình đó là “bằng chứng về một chiến dịch phối hợp của phương Tây nhằm lật đổ chính phủ Nga”. Vì vậy, NATO cần phải “duy trì thông điệp thống nhất” rằng mục tiêu của họ là “chấm dứt xung đột chứ không phải chấm dứt chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin”.

Hiện Nga chưa bình luận về các thông tin được đưa ra trong báo cáo này.

ĐÔNG A

TNO