23/12/2024

Cước vận tải bắt đầu hạ nhiệt theo giá xăng

Cước vận tải bắt đầu hạ nhiệt theo giá xăng

Ba lần giảm liên tiếp với mức giảm tổng cộng gần 7.000 đồng, tương đương hơn 20%, đà lao dốc của giá xăng dầu đang kéo giá cước vận tải hạ nhiệt.

 

 

Vận tải hàng hóa giảm gần 20%

Là ngành chịu tác động trực tiếp từ bão giá xăng dầu, cũng là “trung gian” kéo giá của hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh khác tăng cao, vận tải là ngành được trông chờ “động đậy” đầu tiên khi giá xăng dầu giảm mạnh.

Ông T.L, đại diện một doanh nghiệp (DN) vận tải hàng hóa có trụ sở tại Q.7 (TP.HCM), cho biết có 2 hình thức ký kết hợp đồng giữa các DN vận tải và phía chủ hàng: dạng ký hợp đồng có kỳ hạn cố định theo tháng/quý và dạng hợp đồng có điều chỉnh giá khi có biến động giá xăng dầu. Đối với dạng hợp đồng thứ hai, giá cước có thể tự động thay đổi 1 – 3 lần trong 1 tháng, tùy theo diễn tiến lên/xuống của giá dầu. Trường hợp này, biến động của giá xăng dầu chủ yếu tác động đến giá thành sản phẩm và đối tượng bị ảnh hưởng hay được hưởng lợi là người tiêu dùng, DN vận tải ít chịu tác động. Hiện nay, các đơn vị vận tải ký hợp đồng loại này hầu hết đã giảm cước vận tải xuống khoảng 10 – 15%. Đơn cử, một chuyến hàng chạy chặng TP.HCM – Bình Dương trước đây tốn 1 triệu đồng cho chi phí nhiên liệu, giai đoạn vừa rồi tăng thêm 300.000 – 400.000 đồng nhưng nay đã giảm xuống còn khoảng 1,1 triệu đồng tiền dầu, tức tương đương mức giá hồi đầu năm.

Cước vận tải bắt đầu hạ nhiệt theo giá xăng - ảnh 1
Giá vận tải hàng hóa đang giảm mạnh  NHẬT THỊNH

Tuy nhiên, với những đơn vị ký hợp đồng theo dạng có kỳ hạn cố định thì khi thị trường có biến động sẽ phải làm công văn đề nghị điều chỉnh giá với chủ hàng. “Trường hợp này thường xảy ra tình trạng khi giá dầu giảm thì chủ hàng đòi giảm cước ngay nhưng khi giá dầu tăng, chủ hàng chần chừ không chịu tăng cước. Vì thế, giai đoạn vừa rồi có rất nhiều DN phải gồng mình gánh giá xăng hoặc có tăng cước cũng chỉ tăng rất ít không đáng kể. Với những đối tượng như thế thì sẽ khó giảm giá cước ngay thời điểm này”, ông T.L nói.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Công ty vận tải Quang Trung, thông tin DN này đã điều chỉnh giảm giá cước 2 lần trong tháng và đến nay, tổng mức giảm đã gần 20%. Việc điều chỉnh giá cước, theo ông Dũng, nhằm góp sức cùng hạ nhiệt giá cả hàng hóa trên thị trường, còn nếu xét về hoạt động của DN vận tải thì vô cùng khó khăn.

“Bản chất DN vận tải vẫn chỉ là đơn vị trung gian đi làm thuê nên đúng ra khi giá đầu vào cao, giá cước – đầu ra – cũng phải tăng theo nhưng vì các DN khó khăn nên ép giá cước không được tăng. Bây giờ, khi giá xăng dầu giảm, DN dễ thở hơn một chút về đầu vào thì nguồn cung lại quá dư thừa, trong khi cầu khan hiếm, nguồn hàng hóa ít nên DN buộc phải giảm giá để cạnh tranh. Cứ như vậy, thị trường vận tải hàng hóa hiện gần như đang giãy chết”, ông Dũng nói.

 

Xe khách, taxi vẫn nghe ngóng

Trong khi vận tải hàng hóa đã lập tức giảm cước thì các DN vận tải hành khách vẫn đang có độ trễ. Đặt chuyến xe từ TP.Vũng Tàu về Q.1 (TP.HCM) chiều qua 25.7, chị Khánh Linh (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) được nhà xe báo giá 160.000 đồng cho xe 16 chỗ ghế thường và 230.000 đồng cho xe limousine. Lần gần nhất di chuyển trên tuyến này vào cuối năm ngoái với giá 140.000 đồng/vé trên xe ghế thường, chị Linh hỏi lại thì được nhân viên bán vé thông tin do xăng dầu tăng quá cao nên nhà xe này đã phải điều chỉnh giá cước mới. Đến nay, mặc dù giá xăng đã trải qua kỳ điều chỉnh giảm lần thứ 3 liên tiếp với mức giảm mạnh gần 7.000 đồng, nhưng nhân viên của hãng cho biết vẫn chưa nắm kế hoạch giảm giá vé của công ty.

Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6.2022 tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 3,18% so với tháng 12.2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân quý 2/2022 tăng 2,96% so với quý 2/2021. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, cho biết về nguyên tắc, chắc chắn xăng dầu giảm mạnh thì giá cước vận tải sẽ giảm tương ứng. Đối với các DN chạy xe hợp đồng thuê nguyên chuyến chạy từng cuốc, giá cước có thể được điều chỉnh giảm ngay tùy vào thỏa thuận giữa nhà xe và khách hàng. Tuy nhiên, đối với các xe chạy tuyến cố định, chạy liên tỉnh thuộc đối tượng phải kê khai và niêm yết giá thì khi muốn điều chỉnh tăng/giảm giá vé, DN phải tự kê khai, gửi hồ sơ đến Sở Tài chính, Sở GTVT; khi hồ sơ hoàn tất, DN gửi cho bến xe để hỗ trợ niêm yết, công khai. Vì thế, trước mỗi kỳ biến động giá nhiên liệu, nhà xe sẽ phải nghe ngóng thêm để đánh giá xu hướng biến động và cung – cầu của thị trường rồi mới quyết định điều chỉnh giá cước.

“Cước vận tải hành khách chắc chắn sẽ giảm nhưng phải có độ trễ 1 – 2 tuần và mức độ giảm bao nhiêu cũng phải tùy thuộc vào thực tế thị trường. Cầu ít, cung nhiều thì có khi tỷ lệ giảm còn mạnh hơn giá xăng, tuy nhiên nếu cầu nhiều, cung ít thì mức giảm sẽ ít hơn”, ông Tính thông tin.

Tương tự, các loại hình xe taxi, xe công nghệ vẫn chưa có tín hiệu điều chỉnh giá cước. Ông Tạ Long Hỷ, Tổng giám đốc hãng taxi Vinasun, lý giải Vinasun đã chuẩn bị sẵn kế hoạch giảm giá cước, song vẫn cần thêm thời gian để nhận định xu hướng giá xăng dầu trong kỳ tới. Theo ông Hỷ, đặc thù của taxi khi điều chỉnh giá cước phải theo đúng quy trình. Không chỉ phải kê khai, đăng ký giá với cơ quan quản lý mà DN còn phải đưa hàng ngàn xe đi xếp hàng chờ lập trình lại đồng hồ. Mỗi lần như vậy, DN sẽ tốn thêm rất nhiều chi phí và bản thân các tài xế cũng phải mất cả ngày chạy xe để hoàn tất hết thủ tục lập trình. Chưa kể, giai đoạn vừa rồi giá nhiên liệu tăng mạnh liên tục, kéo dài nhưng các hãng taxi chỉ giảm nhích giá lên cầm chừng để giữ chân hành khách. Xăng tăng 5 – 6 lần nhưng giá cước chỉ tăng nhẹ 1 lần.

“Vì thế, dù đã sẵn sàng kế hoạch nhưng vẫn phải tính toán thật kỹ, cân nhắc đợt tới như thế nào mới quyết có nên điều chỉnh giá không. Thực tế thì chi phí mỗi lần như vậy rất tốn kém nên các DN không muốn tăng, cũng không muốn giảm giá cước. Chúng tôi chỉ mong giá nhiên liệu ổn định để hoạt động kinh doanh của DN dễ thở hơn”, vị này chia sẻ.

Theo các chuyên gia, việc hạ giá cước theo xăng cần phải được thực hiện sớm để từ đó, giá hàng hóa có cơ sở để giảm xuống, áp lực chi tiêu của người dân sẽ đỡ hơn, áp lực lạm phát cũng được giải tỏa.

HÀ MAI

TNO