Công nhân vệ sinh ngày càng khốn khó
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2018, nhưng hầu hết các công ty dịch vụ công ích trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa có kế hoạch thưởng tết cho người lao động.
Công nhân vệ sinh ngày càng khốn khó
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2018, nhưng hầu hết các công ty dịch vụ công ích trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa có kế hoạch thưởng tết cho người lao động.
Công nhân Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP.HCM nạo vét hố ga cống thoát nước tại đường Nguyễn Duy Trinh, Q.2, TP.HCM – Ảnh: NGUYỄN VIẾT BÌNH
Công ty chúng tôi đang cố gắng lo lương từng tháng cho công nhân, chưa có kế hoạch thưởng tết. Phải chờ quyết toán thu chi cuối năm, biết lời biết lỗ mới có thể nói đến thưởng tết
Ông VŨ QUỐC BẢO (giám đốc Công ty Dịch vụ công ích quận Thủ Đức)
Trong khi các công ty dịch vụ công ích cho rằng do đơn giá thấp, kinh phí nhận được không đủ bù đắp cho chi phí…, một số chuyên gia cho rằng việc chậm thay đổi và thích nghi với cơ chế mới là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp công ích nhà nước gặp khó khăn, đời sống người lao động nói chung và công nhân vệ sinh nói riêng bị vạ lây.
Người mất việc, kẻ bỏ nghề
Sau 18 năm làm việc tại Công ty Dịch vụ công ích Q.12, từ cuối năm 2017, ông Lê Văn Luông (47 tuổi) đã bị công ty cho nghỉ việc do rớt đấu thầu, không có việc làm.
Ông Luông chỉ là một trường hợp trong số hơn một nửa số người lao động tại công ty này đã không có việc làm từ tháng 7-2017, rồi bị cho nghỉ việc từ tháng 10-2017 với lý do tương tự.
“Công ty còn nợ tiền bảo hiểm xã hội nhiều tháng, nợ tiền phụ cấp độc hại cả năm trời khoảng 5 triệu đồng, nhưng đến nay thời hạn nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp (trong vòng ba tháng sau khi chấm dứt hợp đồng lao động) gần hết nhưng công ty vẫn chưa nộp khoản tiền bảo hiểm xã hội còn thiếu.
Chúng tôi có nguy cơ không lãnh được cả khoản tiền bảo hiểm thất nghiệp” – ông Luông lo lắng.
Nhiều công nhân vệ sinh tại nhiều công ty công ích trên địa bàn cho biết khối lượng công việc ngày càng tăng nhưng lương, thưởng cứ giảm dần qua các năm.
Theo ông N.H.H. – công nhân vệ sinh tại một công ty dịch vụ công ích quận, nhiều công nhân vệ sinh đã tự xin nghỉ để chuyển sang làm việc tại các xí nghiệp, do thu nhập và thưởng ngày càng giảm trong khi công việc ngày càng nhiều hơn.
Chẳng hạn, trước đây quét rác riêng, đổ bô rác riêng nhưng giờ phải làm cả hai công việc này. Công việc nặng nhọc, giờ giấc lại khó khăn, mưa nắng cũng phải làm, thậm chí đêm giao thừa phải làm đến 1h-2h sáng nhưng lương thưởng cho công nhân vệ sinh như tụi tui “hẻo” quá”.
Ông Huỳnh Minh Nhựt (giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP):
Lương thấp, nhiều công nhân nghỉ việc
Năm 2017 có hơn 50/400 công nhân thu gom rác của công ty xin nghỉ việc. Trong đó, riêng đội ngũ công nhân thu gom rác tại chợ Tân Xuân (huyện Hóc Môn) nghỉ khoảng 20 người. Dù công ty đã đăng báo tuyển dụng nhưng đến nay vẫn chưa tuyển dụng được.
Một trong những nguyên nhân khiến số công nhân nghỉ việc tăng là do thu nhập giảm. Mức thu nhập trung bình 8 triệu đồng/người đối với công nhân vệ sinh làm việc trong môi trường có chất thải ô nhiễm là không cao. Nhiều người thà đi may đã được 6 triệu đồng nhưng công việc an nhàn hơn.
Mức thu nhập của công nhân vệ sinh nhiều khả năng sẽ còn giảm trong thời gian tới.
Trừ những người không thể kiếm việc làm khác hoặc ngại thay đổi, phần lớn đều chuyển sang làm công nhân nếu có cơ hội.
Ông Hải (53 tuổi), một tài xế xe mảng cây xanh, cho biết đã chuyển từ công nhân vệ sinh sang mảng cây xanh từ hai năm trước khi lương, thưởng bắt đầu giảm xuống.
“Người thân của tôi làm rác nhiều lắm mà giờ cũng nghỉ dần rồi. Em trai tôi cũng dự định sẽ nghỉ vào ngày 26-1 tới” – ông Hải nói.
Giám đốc một công ty dịch vụ công ích cho biết do đời sống gặp nhiều khó khăn, số lượng công nhân vệ sinh nghỉ việc ngày càng tăng. Chỉ trong vòng một năm qua, doanh nghiệp này đã có gần 60 lao động xin nghỉ việc.
“Hơn 2 năm qua, chúng tôi “đỏ mắt” tìm lao động thay thế, kể cả tìm đến cơ quan quản lý chương trình giảm nghèo chỉ để tuyển thêm khoảng 50 nhân công nữa nhưng vẫn chưa được” – vị này nói.
Thu nhập giảm do đơn giá thấp?
Trao đổi với chúng tôi, nhiều công ty dịch vụ công ích cho rằng một trong những nguyên nhân khiến lương, thưởng của các công nhân vệ sinh có xu hướng giảm dù khối lượng công việc tăng lên là do đơn giá áp dụng quá thấp.
Kinh phí nhận được từ công tác thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt không thể bù đắp được chi phí nhiên liệu, khấu hao, sửa chữa thiết bị máy móc, đặc biệt tiền lương cho người lao động.
Cụ thể, từ năm 2010 trở về trước, đơn giá các dịch vụ vệ sinh công ích đô thị trên địa bàn được xây dựng trên định mức văn bản 2272 của Bộ Xây dựng (công bố định mức dự toán thu gom, vận chuyển và xử lý chống lấp rác năm 2008).
Sau năm 2010, UBND TP quyết định giảm 50% định mức chi phí nhân công. Tháng 6-2014, Bộ Xây dựng có quyết định 592 thay thế văn bản 2272, với định mức nhân công giảm gần 80% so với trước, định mức máy thi công cũng giảm 44%.
Điều này khiến đơn giá trong công tác thu gom, vận chuyển được UBND TP phê duyệt giảm đáng kể, chưa bằng 50% so với trước, nhiều đơn vị công ích liên quan công tác thu gom, vận chuyển rác bị ảnh hưởng. Không chỉ nguồn thu bị sụt giảm, nhiều đơn vị còn đang đối mặt với nợ nần vì khả năng bị truy thu.
“Nếu vấn đề này không được giải quyết sớm, thu nhập của công nhân quét rác sẽ tiếp tục giảm sút, gây ảnh hưởng tới đời sống” – giám đốc một doanh nghiệp nói.
Ông Huỳnh Minh Nhựt, giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị, cũng cho biết để có chi phí trả lương cho công nhân vệ sinh, việc thanh quyết toán cho các đơn vị thu gom vận chuyển rác sẽ dựa trên cơ sở giá tạm tính.
Sau khi có đơn giá phê duyệt chính thức, các đơn vị (nay là các quận, huyện) sẽ thanh toán cho các đơn vị thu gom. Thường mức giá tạm tính dựa vào mức giá phê duyệt của năm trước.
Tuy nhiên, với mức giá phê duyệt hiện giảm thấp hơn cả mức giá tạm tính, nhiều đơn vị xem như “nhận chi phí nhiều hơn khối lượng”, thậm chí đang bị truy thu khoản này.
“Nếu tính đơn giá phê duyệt giảm so với mức giá tạm tính, chỉ riêng công ty có khả năng bị thu hồi gần 100 tỉ đồng, chưa biết tình hình tết năm nay việc trả lương thưởng cho công nhân sẽ ra sao” - ông Nhựt lo lắng.
Nhân viên Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM chăm sóc vườn hoa tại công viên 30-4, Q.1- Ảnh: Hữu Khoa
Phải thay đổi để tồn tại
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Dũng – giám đốc nghiên cứu và phát triển Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, việc một số công ty dịch vụ công ích nhà nước rơi vào hoàn cảnh khó khăn, phần lớn là do không nhanh nhạy nắm bắt tín hiệu của thị trường, chậm đổi mới các dịch vụ, sản phẩm và thương hiệu của mình.
“Những công ty không đủ năng lực, tư duy, tầm nhìn, nguồn lực và cả sự nhanh nhạy cần có sự thay đổi để tồn tại. Đây là một cuộc cạnh tranh sòng phẳng, mỗi đơn vị từ nhà nước đến tư nhân đều phải tự thay đổi mình, nâng cao năng lực cạnh tranh nếu không muốn bị đào thải” – ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng
(giám đốc nghiên cứu và phát triển
Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM):
Đẩy mạnh cổ phần hóa các công ty dịch vụ công ích
Việc cổ phần hóa các công ty dịch vụ công ích nhà nước là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với xu thế kinh tế thị trường hiện nay. Điều này nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đổi mới, lành mạnh từ trong ra ngoài, từ thị trường, thị phần đến đổi mới dịch vụ.
Việc cổ phần hóa là xu thế tất yếu và không thể trì hoãn nữa. Tại thời điểm cổ phần hóa, nếu doanh nghiệp cảm thấy quá bất hợp lý có thể kiến nghị về một chính sách đặc thù riêng như được ưu đãi về thuế chẳng hạn. Điều này sẽ được các cơ quan chuyên môn xem xét, đánh giá, thẩm định dựa trên nhiều khía cạnh để đi đến quyết định.
Nhiều công ty công ích thừa nhận Nhà nước đang áp dụng đấu thầu cung ứng các sản phẩm dịch vụ công ích với những tiêu chí mới, khiến các công ty nhà nước không kham nổi. “Chúng tôi bị loại ngay từ gói kỹ thuật chứ chưa nói đến giá cả đấu thầu, bởi không đáp ứng các tiêu chí. Cần phải có thời gian để thay đổi” – giám đốc một công ty nói.
Ông Vũ Quốc Bảo – giám đốc Công ty Dịch vụ công ích Q.Thủ Đức – cho biết nhiều quận, huyện khác trên địa bàn cũng sẽ thực hiện đấu thầu trong thời gian tới và tình hình có thể sẽ có nhiều khó khăn, câu chuyện như Q.12 có thể xảy ra ở nhiều đơn vị, bởi nhiều công ty công ích sẽ không đáp ứng được các tiêu chí.
Thực tế, những công việc liên quan đến dịch vụ công ích lâu nay đều ít khi cần đến bằng cấp và chuyên môn cao. Ngay cả nhiều chức vụ như các vị trí chỉ huy trưởng, đội trưởng đều từ người công nhân được đưa lên sau một thời gian dài tích lũy kinh nghiệm thực tế, không có bằng cấp.
“Nhưng tiêu chí đấu thầu lại yêu cầu muốn làm cây xanh, chỉ huy trưởng phải có bằng kỹ sư, chứng chỉ về an toàn lao động. Nhiều công ty không đáp ứng được tiêu chí này” – giám đốc một công ty thừa nhận.
Chưa hết, cũng theo các tiêu chí mới, xe vận chuyển rác phải đời mới từ năm 2015 trở đi và tải trọng trên 10 tấn, người lao động phải có tay nghề cao và được trẻ hoá… Còn những công ty công ích nhà nước đã làm lâu năm, người lao động đều đã lớn tuổi, phương tiện cũ nhưng chỉ có thể đổi dần từng năm bởi còn đụng đủ thứ nhiêu khê trong khâu thủ tục…
Giám sát việc trả lương, thưởng dịp tết
Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM vừa ban hành kế hoạch tăng cường giám sát tình hình thực hiện mức lương tối thiểu vùng và trả lương, trả thưởng dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 tại các doanh nghiệp trên địa bàn.
Đối tượng giám sát là các doanh nghiệp đã từng xảy ra, hoặc có nguy cơ xảy ra nợ lương, nợ thưởng, đã hoặc có nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động, đình công. Doanh nghiệp từng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, doanh nghiệp đang nợ bảo hiểm xã hội.
Doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và có khả năng xảy ra nợ lương, nợ thưởng trong dịp tết… Việc giám sát sẽ được thực hiện trong tháng 1, trước khi báo cáo UBND TP.
MAI HOA