23/12/2024

Thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ – Kỳ 5: Thaco và bài toán ‘không đầu hàng’

Thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ – Kỳ 5: Thaco và bài toán ‘không đầu hàng’

Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) là một điển hình thành công trong ngành ôtô. Nhưng họ đang chọn hướng đầu tư mạnh vào cơ khí, linh kiện.

 

Thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ - Kỳ 5: Thaco và bài toán không đầu hàng - Ảnh 1.

Tại dây chuyền hàn bấm khung xe Mazda bằng hệ thống robot của Thaco – Ảnh: HỮU HẠNH

Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) là một điển hình thành công trong ngành ôtô. Nhưng họ đang đầu tư mạnh vào cơ khí, linh kiện. Lãnh đạo Thaco chia sẻ quá trình giải bài toán: tăng tỉ lệ nội địa hóa hoặc “đầu hàng” cho xe ngoại tràn vào.

Thaco cũng chia sẻ mô hình chìa khóa trao tay – one stop (một điểm đến) để các doanh nghiệp Việt cùng hợp tác phát triển, từ đó tăng nội lực ngành công nghiệp Việt Nam.

Các anh có công nghệ, có máy móc. Chúng tôi sẽ xây nhà xưởng và cho thuê giá rẻ, cam kết nếu làm không được thì có thể đưa máy móc đi. Chúng tôi không có chuyện hứa không làm, chỉ có làm thật, nghĩ thật mới tạo ra giá trị…

Ông Trần Bá Dương (chủ tịch HĐQT THACO Group) bày tỏ tại hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp cơ khí.

Làm mới mình bằng tự đầu tư

Trở lại Khu công nghiệp Chu Lai (Quảng Nam) sau gần 3 năm báo Tuổi Trẻ tổ chức diễn đàn “Cơ hội cuối cùng cho công nghiệp ôtô Việt Nam”, hàng loạt nhà máy mọc thêm lên. Xe chở hàng, container chạy liên tục.

Nơi đây không chỉ có những nhà xưởng sản xuất rộng hàng nghìn hecta để lắp ráp các dòng ôtô của Thaco mà còn có cả những nhà máy mới được xây dựng, có nhiệm vụ sản xuất linh phụ kiện, sản phẩm cơ khí.

Hào hứng chia sẻ về dự án đưa Chu Lai – Thaco thành “cứ điểm” sản xuất cơ khí, linh kiện, thiết bị cho các ngành công nghiệp ở miền Trung, ông Đỗ Minh Tâm – tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí và công nghiệp hỗ trợ (THACO Industries, thuộc Tập đoàn THACO) – kỳ vọng đây sẽ là dự án có vai trò dẫn dắt phát triển ngành công nghiệp Việt Nam.

“Ban đầu mọi người e ngại, nghĩ Thaco là nghĩ tới làm ôtô. Nhưng từ tháng 11-2021, chúng tôi đã tách mảng cơ khí ra khỏi ôtô” – ông Tâm nói. Theo đó, từ 17 nhà máy sản xuất các linh kiện cho ôtô, THACO Industries xây dựng tổ hợp 19 nhà máy với định hướng chiến lược vừa gia tăng tỉ lệ nội địa hóa vừa hướng tới cung ứng linh kiện, sản phẩm cơ khí cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Không làm lớn, làm bài bản không được, bởi theo ông Tâm, năm 2018 Thaco cũng như nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô khác đứng trước bài toán: hoặc phải gia tăng tỉ lệ nội địa hóa, hoặc phải “đầu hàng” cho xe ngoại tràn vào Việt Nam do có lợi thế cạnh tranh nhờ giảm thuế.

 

“Quả ngọt” và tham vọng phát triển

Tuy vậy, việc “ra riêng” không đơn giản. Nhớ lại năm 2021, ông Tâm cho biết một cuộc họp tái cấu trúc được tổ chức bởi các lãnh đạo chủ chốt. Chọn mô hình kinh doanh, khi có danh mục phát triển sản phẩm đa dạng hơn, lại đặt ra yêu cầu phải tổ chức lại ban sản phẩm, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), đẩy mạnh số hóa…

Tuy vậy, kết quả lại khá bất ngờ với nhiều người. Doanh thu năm 2021 mảng cơ khí đạt tới 5.700 tỉ đồng, THACO Industries đặt mục tiêu hướng tới 1 tỉ USD vào năm 2025 và đầu tư thêm 15 nhà máy, mở rộng từ cơ khí cho ngành ôtô, công nghiệp nói chung đến cơ khí nông nghiệp, xây dựng và gia dụng cũng như dịch vụ thiết kế sản phẩm…

“Các sản phẩm như linh kiện phụ tùng cơ khí, dây điện, ghế xe, hóa chất chuyên dụng, thân vỏ… sẽ được nội địa hóa trước tiên. Khi làm nhiều, đội ngũ nâng cao kinh nghiệm và có thể R&D, thiết kế thì chúng tôi mở rộng làm các thiết bị công nghiệp” – ông Tâm nói.

 

Mô hình “tổng thầu” để cùng lớn

Theo ông Đỗ Minh Tâm, cùng với sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, nhu cầu về mô hình one stop (một điểm đến) theo kiểu chìa khóa trao tay đang được các nhà mua hàng hướng tới. Đây như “khu chợ ẩm thực” với đầy đủ món. Với những lợi thế của THACO Industries khi tổ chức sản xuất trong chuỗi khép kín, giảm chi phí logistics, gần đây Thaco dồn dập nhận đơn hàng của doanh nghiệp FDI, trong đó có đối tác đặt sản xuất “combo” cả khuôn, ép nhựa, sơn và đóng gói thay vì trước đây đặt 4-5 nhà cung cấp.

Thaco cũng sẽ đầu tư khu công nghiệp phía Bắc và phía Nam, hình thành mô hình khu công nghiệp chuyên ngành thế hệ mới, tránh phải chuyển sản phẩm từ Chu Lai với sản lượng lớn, cồng kềnh ra các tỉnh. “Sự bổ trợ, kết nối chặt chẽ trong sản xuất kinh doanh tại 3 miền sẽ góp phần tối ưu hiệu quả trên toàn chuỗi giá trị, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nên cơ hội kinh doanh mới” – ông Tâm chia sẻ.

Đặc biệt, ông Tâm cho biết Thaco đang hướng tới xây dựng trung tâm gia công cơ khí gắn với R&D nhằm hỗ trợ các doanh nghệp nhỏ và vừa tại Bình Dương, phát triển theo mô hình “one stop”. Đây không chỉ là trung tâm gia công cơ khí đơn thuần mà sẽ đầu tư bài bản cho R&D, đầu tư công nghệ lõi, liên doanh liên kết, thu hút với các doanh nghiệp cùng chung chí hướng để hỗ trợ tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Mục tiêu là nhằm hướng tới hình thành hệ sinh thái phát triển bền vững về cơ khí.

 

Không có “đối thủ”, phát triển đối tác

Nếu như trước đây THACO sản xuất, lắp ráp các mẫu xe như KIA, Mazda… có thể nói là “đối thủ” của Hyundai, Ford… Tuy nhiên, bằng chính sách làm bạn với đối tác, THACO hiện đang sản xuất cản nhựa cho xe Hyundai VN, Toytota với giá rẻ hơn Thái Lan. Tương tự, cung cấp nhíp cho Isuzu VN, sắp tới là Ford Ranger…

4 mô hình hợp tác của THACO đưa ra gồm: các doanh nghiệp sản xuất, gia công sản phẩm cho THACO; doanh nghiệp R&D, THACO sản xuất, gia công toàn bộ hoặc một phần sản phẩm; các doanh nghiệp có thị trường, THACO đảm nhận R&D, sản xuất, gia công, cung ứng sản phẩm; THACO và doanh nghiệp hợp tác cùng sản xuất.

Cơ chế trên được kỳ vọng tăng cường kết nối, nâng cao sức cạnh tranh, tạo “hệ sinh thái công nghiệp” và “xã hội sản xuất” đủ mạnh để ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ bứt phá.

 

Cần sự hỗ trợ bài bản

SAN XUAT

Nhân viên phòng theo dõi hệ thống vận hành sản xuất nhíp ở Khu công nghiệp Thaco Chu Lai, Quảng Nam – Ảnh: HỮU HẠNH

Về sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước, ông Đỗ Minh Tâm cho rằng vẫn còn nhiều việc cần phải làm một cách bài bản, cụ thể. Đơn cử, với làn sóng chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam, nếu có những nghiên cứu vĩ mô và chuyên ngành từ các viện, cơ quan nhà nước, hay có đánh giá đầy đủ thực trạng ngành cơ khí Việt Nam đang có lợi thế nào và khả năng cạnh tranh ra sao… sẽ giúp cho doanh nghiệp có thêm thông tin để đón đầu cơ hội. Nếu đợi đơn hàng về mới đầu tư sẽ là quá trễ.

Thêm nữa, ngành cơ khí yêu cầu vốn lớn, tỉ suất lợi nhuận thấp, nên để cạnh tranh được đơn hàng, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi lãi suất phù hợp với từng lĩnh vực. Gắn với đó là việc đào tạo nhân lực, trên cơ sở đưa ra các gói chính sách hỗ trợ các trường và học viên vào ngành kỹ thuật để nâng cao trình độ tiếp cận công nghệ, kỹ thuật hiện đại…

Các ưu đãi về thuế, đất đai, giải phóng mặt bằng sạch… cũng cần thiết để doanh nghiệp có thêm nguồn lực, tự tin gia tăng quy mô đầu tư. Đặc biệt, việc phát triển các khu công nghiệp cần có định hướng rõ ràng về việc liên kết, kết nối vào chuỗi giá trị, gắn với phát triển thị trường, tìm kiếm khách hàng mới.

N.AN

 

Mời tham gia diễn đàn “Xây dựng nền công nghiệp tự chủ”

Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạo thời cơ chưa từng có cho các doanh nghiệp VN nói chung và ngành công nghiệp nói riêng.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức lớn đòi hỏi cả doanh nghiệp, người lao động và cơ quan quản lý phải vượt lên. Để tăng nội lực của ngành công nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, từ đó tăng thu nhập cho người lao động và tiềm lực của đất nước, Tuổi Trẻ mở diễn đàn “Xây dựng nền công nghiệp tự chủ”.

Kính mời các doanh nghiệp, hiệp hội chia sẻ kinh nghiệm phát triển, những vướng mắc cần tháo gỡ và các đề xuất. Tuổi Trẻ cũng rất mong nhận được bài vở phân tích, chia sẻ trải nghiệm kèm những sáng kiến từ chính những người làm trong ngành công nghiệp, quý bạn đọc, chuyên gia nhằm thúc đẩy “xã hội sản xuất”, giúp phát triển nền công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.

Bài vở xin gửi về [email protected]

 

CÔNG TRUNG
TTO