19/11/2024

‘Sống trong chờ đợi’ với điểm thi

‘Sống trong chờ đợi’ với điểm thi

Dự kiến các hội đồng thi sẽ công bố kết quả thi đồng thời vào ngày 24-7; công tác xét công nhận tốt nghiệp THPT hoàn thành chậm nhất ngày 26-7. Để có hai tuần ‘sống trong chờ đợi’ thật yên bình quả là không dễ.

 

Sống trong chờ đợi với điểm thi - Ảnh 1.

Thí sinh cùng phụ huynh sau giờ thi môn ngữ văn tại điểm thi Trường THCS Nguyễn Du, Quảng Nam – Ảnh: L.TRUNG

Trong bất kỳ tình huống nào, phụ huynh cũng nên bình tĩnh với điểm số của con. Việc con cái có nhu cầu tự đánh giá, tự chấm thi cho chính mình là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, không vì vậy mà chúng ta cứ ép con phải chấm điểm, phải có điểm số sớm…

Việc trừ hao điểm số của con giảm đi 1-2 điểm nếu có cũng cần giữ trong tâm thay vì phán xét bằng những câu nói có phần thiếu nhạy cảm như “tính con là chuyên ẩu, chuyên chủ quan nên tự trừ vài điểm đi”, “điểm tự chấm của con lúc nào mà chẳng cao”, “đến lúc rớt rồi tự hiểu nhé”…

Với những biểu hiện con có thể bị điểm thấp, cũng cần thật bình tĩnh và nhất là phải tỏ ra vừa quan tâm vừa không quá đặt nặng vấn đề. Nhắc con bình tĩnh, nên tạm quên vấn đề đó, chờ kết quả đến… và ngay sau đó cùng con bàn bạc các giải pháp xử lý vấn đề. Không nên trầm trọng hóa kiểu như con điểm kém thế này là “dốt” rồi, phải chịu trách nhiệm đi con, phải tự trách mình chứ cha mẹ đã lo tất cả rồi còn gì…

Việc cần chú ý là tôn trọng nhu cầu tự đánh giá của con, quan tâm thêm các biểu hiện có vấn đề về hành vi và thái độ của con, tạo ra vài hoạt động để giúp con phục hồi tâm trí và lấy lại năng lượng cá nhân…

Đừng quên rằng chính sự cân bằng tinh thần của cha mẹ sẽ tạo ra nguồn năng lượng tích cực tác động đến con cái một cách hiệu quả. Vì vậy, không phải cha mẹ tỏ ra mạnh mẽ mà phải thật sự mạnh mẽ để chấp nhận tất cả vấn đề xảy ra và đồng hành cùng con để xử lý vấn đề…

Mỗi kỳ thi, các sĩ tử trên toàn cầu đều bị áp lực. Những con số về tỉ lệ học sinh có vấn đề về sức khỏe tinh thần sau thi tốt nghiệp các cấp đều dao động từ 10% đến 20% và thậm chí là 1/3 so với tổng số thí sinh ở những quốc gia khác nhau, các kỳ thi khác nhau… Điều này cho thấy sự nhạy cảm của phụ huynh là rất cần thiết. Đó không chỉ là sự thụ động giữ cho mình, kiểm soát bản thân mình mà còn thể hiện ở bản lĩnh xây dựng tổ ấm cho cả gia đình.

Mỗi phụ huynh cũng cần hiểu rằng bản chất của giáo dục là đưa ra những hỗ trợ có thể tạo điều kiện cho một cá nhân đạt được sự phát triển nhiều mặt trong thời gian nhanh nhất chứ không phải cuộc đua tranh thứ bậc trong xã hội.

Không thần thánh hóa điểm số qua một kỳ thi, cũng không nghĩ rằng kỳ thi này mang đến kết quả tồi tệ nghĩa là mọi thứ chấm hết cho hành trình tương lai. Nếu làm được điều này trong không khí gia đình, trong sự tương tác của con với người thân ở cả môi trường trực tiếp, trực tuyến nghĩa là đã xây dựng chiếc khiên ấm của tương tác đa chiều trong kỳ thi, nhất là sau khi con cái thi cử.

GS.TS HUỲNH VĂN SƠN (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
TTO