23/12/2024

Ngày hè độc lạ

Nghỉ hè đi học võ, vẽ, đàn, hát… đã là quen thuộc. Những năm gần đây, nhiều phụ huynh bắt đầu cho con học tập trải nghiệm những điều mới mẻ trong dịp hè như học cưỡi ngựa, đánh golf, học tác phong đi đứng, nói, cười sao cho thật chuẩn mực.

 

 

Có gì thú vị ở những lớp học này?

Ngày hè độc lạ - ảnh 1
Trẻ em học cưỡi ngựa, cho ngựa ăn ở Saigon Farm Horse (H.Bình Chánh, TP.HCM)  TIẾN TÔNG

Học… cưỡi ngựa xem hoa

“Cưỡi ngựa xem hoa” là một thành ngữ quen thuộc. Nhưng trải nghiệm đúng nghĩa đen của câu này thì thật sự ngay cả nhiều người lớn cũng chưa được thử. Thế nhưng, trẻ em thì khác. Tới trại ngựa Saigon Farm Horse ở ấp 4, xã Phong Phú, H.Bình Chánh, TP.HCM, một trong những hoạt động trẻ em rất mê đó là được người huấn luyện ngựa dắt đi thong dong trên lưng ngựa, đi qua khắp các bãi cỏ, đường làng, những cánh đồng đầy cỏ dại trong một sớm tinh mơ hoặc hoàng hôn. Cưỡi ngựa xem hoa, cưỡi ngựa xem cuộc sống của bà con nông dân thật sự là trải nghiệm thú vị của những em bé thành thị.

Ngày hè độc lạ - ảnh 2
Trẻ em học cưỡi ngựa, cho ngựa ăn ở Saigon Farm Horse  TIẾN TÔNG

Đóng yên, buộc dây cương cho con ngựa tên Nadal, anh Lê Tiến Tông, 45 tuổi, từng là nài ngựa (vận động viên, người điều khiển ngựa đua) ở trường đua Phú Thọ vàng son một thời, đồng sáng lập nông trại, vỗ vỗ vào lưng “người bạn” của mình rồi chia sẻ: “Ngày càng nhiều cha mẹ quan tâm tới các hoạt động ngoại khóa của con em mình. Cưỡi ngựa vừa là hoạt động thể thao, lại giúp con được rèn luyện thể chất, học sự kiên trì, can đảm, vừa là cách để con học cách yêu thương động vật, kết nối với thiên nhiên nhiều hơn, tránh xa những thiết bị điện tử”.

Trong nông trại bát ngát cỏ xanh ở xã Phong Phú, những con ngựa giống Úc, Anh, Ả Rập… được đặt những cái tên dễ thương như Nadal Khan, Mã Siêu, Arya… 5 năm trước, trại ngựa được thành lập đã thu hút đông đảo học viên là người trẻ. Phổ biến là từ ngoài 25 tuổi, song những cuối tuần hoặc các mùa hè, phụ huynh cho con em đến để chơi với ngựa và trải nghiệm ngồi trên lưng ngựa.

“Trẻ em mới tới trại ngựa mà ngay lập tức cho cưỡi ngựa thì sợ lắm. Nhưng từ từ, mình hướng dẫn các con cho ngựa ăn, trò chuyện với ngựa để làm quen, dạy cách trèo lên lưng ngựa ra sao, cầm cương thế nào rồi dắt đi vòng vòng thì trẻ rất khoái”, anh Tông kể. Trong những bạn nhỏ học cưỡi ngựa ở nông trại này, anh Tông rất ấn tượng với Cali, cô bé học hết khóa cơ bản thì lại xin mẹ tiếp tục được đến học tiếp.

Trẻ nhỏ học khóa cơ bản về cưỡi ngựa, được học với huấn luyện viên 1 kèm 1. Ngoài 18 tuổi và đạt hết trình độ về cơ bản, các bạn trẻ mới được học nâng cao về cưỡi ngựa, gồm các kỹ năng thử thách nhiều hơn như phi nước đại, vượt chướng ngại vật, cưỡi ngựa bắn cung…

Chơi với ngựa, học cách cưỡi ngựa cũng là cách để những đứa trẻ rụt rè, sợ giao tiếp với bên ngoài mạnh dạn hơn, bộc lộ nhiều cảm xúc hơn. Những năm trước nhiều phụ huynh có con bị tự kỷ tìm tới nông trại của anh, những người bạn 4 chân, bằng một khả năng chữa lành kỳ diệu, đã giúp những đứa trẻ quan tâm hơn tới thế giới bên ngoài…

Một trung tâm dạy cưỡi ngựa khác là Vietgangz Horse Club Saigon ở đường Tam Đa, TP.Thủ Đức mùa này cũng thu hút phụ huynh đưa con em tới học. Mỗi giờ học làm quen với ngựa khoảng 500.000 đồng, còn một khóa cơ bản cho trẻ từ 8 tuổi là 6,9 triệu đồng. Theo kế hoạch, tháng tới trung tâm này sẽ mở rộng hoạt động ra cả Hà Nội với dàn ngựa nhập từ Anh và Hà Lan.

 

Trẻ em say mê golf

Một sáng giữa tuần, sân tập golf Kỳ Hòa (Sư Vạn Hạnh, Q.10, TP.HCM) khá đông trẻ em được cha mẹ đưa đến để bắt đầu khóa “golf kid”. Trong khóa học của tháng 7 này, trẻ dưới 16 tuổi được các giảng viên của Học viện Golf Việt dạy hoàn toàn miễn phí, phụ huynh chỉ cần chi trả phí sân với giá rất bình dân, 100.000 đồng/100 bóng.

Ngày hè độc lạ - ảnh 3
Trẻ em học chơi golf tại Học viện Golf Việt (sân tập golf Kỳ Hòa)  KHÁNH YÊN

Với 8 buổi học, các golfer nhí được giới thiệu về môn golf, gậy golf, cách khởi động, tư thế chuẩn bị, cách cầm gậy. Các buổi kế tiếp các con được đánh thử với gậy số 7, đánh bóng với gậy P, Putter, tập đánh bóng với gậy gỗ, đưa bóng vào mục tiêu với khoảng cách gần, thi đấu short game, trao thưởng…

Chị Lâm Thị Khánh Yên, 26 tuổi, quản lý Học viện Golf Việt, chia sẻ ngày càng nhiều gia đình trẻ quan tâm tới golf, đáng chú ý, khi cha mẹ yêu thích golf, các con cũng được tới sân và trải nghiệm với môn thể thao mới mẻ này. Các khóa cơ bản – nâng cao khác có thu học phí với trẻ em cũng thu hút đông đảo phụ huynh đăng ký cho con em mình. Đáng kể, từ chính những khóa học này, học viện phát hiện nhiều tài năng golf trẻ để đào tạo dài hạn, chuẩn bị cho thi đấu chuyên nghiệp như Nguyễn Kiều Phương (14 tuổi), Thái Thục Quyên (7 tuổi), đã học golf được nửa năm.

“Không chỉ rèn luyện tinh thần thể thao, việc đến sân tập golf giúp trẻ em quen được nhiều người, kết nối với bạn bè, từ đó “cai nghiện” game, các thiết bị điện tử. Golf rèn luyện cho trẻ em nhiều phẩm chất, trong đó có sự tập trung, kiên nhẫn, lịch sự, trung thực với bản thân mình trước tiên”, chị Khánh Yên chia sẻ. Vì sao golf đề cao sự trung thực với bản thân? Khi ra sân chỉ có golfer và caddy (người vác gậy), người chơi cần trung thực trước tiên với kết quả của chính mình, thành thật với những sai sót trong quá trình thi đấu của bản thân.

Trẻ nhỏ say mê trải nghiệm golf cũng tạo nên sự gắn kết trong gia đình mỗi mùa hè. Chị Khánh Yên cho hay khi phong trào du lịch thể thao tăng cao, nhiều gia đình trẻ đam mê golf sẽ cùng tổ chức các mini trip ở các địa điểm có sân golf đẹp như Hồ Tràm, Phan Thiết…, để cả cha mẹ và con cái có thể chơi thể thao cùng nhau, kết nối các thế hệ.

Ở các sân tập golf Long Biên, Hà Nội hay Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM) cũng đều giới thiệu các khóa học cho trẻ từ 5 – 12 tuổi học 1 – 2 buổi/tuần, mỗi buổi 60 phút…

 

Học từ cách cầm ly nước sao cho đúng

Cách cầm ly nước thế nào cho đúng trong bàn tiệc, tay nào cầm dao, tay nào cầm nĩa, gấp khăn ăn ra sao, lau khăn ăn ở vị trí nào trên chiếc khăn… những câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản, rất nhiều người lớn thường xuyên đi giao tiếp lại không biết, chứ đừng nói gì là trẻ con.

Ngày hè độc lạ - ảnh 4
Trẻ em học nghi thức tại học viện của cô Bảo Trâm  THU HÀN

Chị Đặng Bảo Trâm, đồng sáng lập URA Việt Nam, Học viện Nghi thức được nhượng quyền từ Paris, Pháp và hệ sinh thái URA Group, cho biết những năm gần đây phụ huynh quan tâm tới việc cải thiện hình ảnh cá nhân của con nhiều hơn, về phong thái, nghi thức. Mới đây, lớp học cho các bé trong độ tuổi từ 7 – 12 đã diễn ra tại học viện. Chưa kể một số phụ huynh đăng ký để con mình có giảng viên riêng đào tạo.

Trong một phòng ăn, phía trước mỗi bạn nhỏ được đặt một đĩa cá hồi áp chảo và một phần khoai tây chiên, một ly nước suối. Làm thế nào để cắt cá hồi đúng cách, cầm ly nước như thế nào, và khi lau miệng, sẽ chạm vào vị trí nào của chiếc khăn? Một bữa ăn vui vẻ cũng là một giờ học thú vị của những bạn nhỏ. Hay trong một đám đông, cách con chào mọi người, giới thiệu bản thân con như thế nào, ngôn ngữ hình thể ra sao cũng sẽ là bài học giúp con nhớ lâu.

Chị Trâm cho hay dạy nghi thức cho trẻ em khó mà cũng dễ. Trẻ em cần tỉ mỉ, linh hoạt hơn. Học mà chơi, trò chuyện vui vẻ cùng các con cũng là cách để người giảng viên đưa đến những thông điệp mới.

Chị Nguyễn Hường, phụ huynh ở TP.HCM có 2 con tham gia lớp học nghi thức chia sẻ đây là lần đầu tiên các bé học về tác phong thanh lịch, từ cách đi đứng, ăn uống, sử dụng đồ ăn khi ngồi bàn tiệc. Nghĩ rằng các bạn nhỏ sẽ mau chán nhưng điều khiến người mẹ bất ngờ là… các con đòi đi học lại.

Theo chị Trâm học nghi thức là rèn luyện tác phong từ nhỏ cho con. Dù con trở thành bất cứ ai trong tương lai, giáo viên, bác sĩ hay một kỹ sư… thì con cũng cần sự giao tiếp. Khi ấy chỉ một cái bắt tay đúng, cộng với giao tiếp bằng mắt và nụ cười ấm áp sẽ thể hiện con có đủ sự tự tin, đáng tin, năng lực hay không.

 

Xóa bỏ định kiến “dành cho con nhà giàu”

Nhiều người cho rằng nên xóa bỏ những định kiến về golf, cưỡi ngựa, nghi thức chỉ dành cho giới thượng lưu, con nhà giàu.

“Mức học phí 6 – 7 triệu đồng/khóa học 10 – 12 buổi cưỡi ngựa tôi cho rằng không cao. Thực tế, ở đây có nhiều bạn học sinh, sinh viên xuống chơi, hỗ trợ nông trại, trợ giúp phiên dịch được dạy cưỡi ngựa miễn phí”, anh Lê Tiến Tông chia sẻ.

Chị Khánh Yên cũng cho rằng khi coi golf chỉ dành cho giới quý tộc, thượng lưu, giới trẻ cũng đang giới hạn chính bản thân mình. Thể thao dành cho tất cả mọi người. Hiện nay, có trường ĐH ở TP.HCM cũng đào tạo về golf. Nhiều gia đình mà cha mẹ là nhân viên bình thường nhưng cũng cho con học golf từ nhỏ để con phát triển nhiều kỹ năng, thêm nhiều cơ hội nếu con xin học bổng ở các trường ĐH nước ngoài.

Trong khi đó, chị Đặng Bảo Trâm hy vọng những lớp học về nghi thức sẽ bồi dưỡng cho con trẻ những kiến thức, kỹ năng mềm để các con sống bài bản, hạnh phúc hơn, biết tôn trọng bản thân. Khi biết tôn trọng chính mình, trẻ sẽ biết tôn trọng người khác, sống yêu thương mọi người, hành xử có khuôn phép. Dù đến bất cứ quốc gia nào, con cũng là một người VN lịch sự, chuẩn mực, biết giữ gìn bản sắc, nâng cao lòng tự tôn dân tộc.

 

“Học kỳ quân đội” luôn kín suất

Sau thời gian ngừng tổ chức vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chương trình Học kỳ quân đội, Chiến sĩ tí hon trở lại luôn dành được sự quan tâm lớn của cả phụ huynh, học sinh những mùa hè gần đây. Chiều 8.7, lãnh đạo Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam (T.Ư Đoàn) cho biết đã có 8 trên tổng số 10 chương trình Học kỳ quân đội và Chiến sĩ tí hon đã diễn ra thành công hoặc kín chỗ đăng ký của phụ huynh trong mùa hè này (mỗi chương trình từ 80 – 120 học sinh). Đến nay chỉ còn 2 chương trình còn một số suất trống, là Chiến sĩ tí hon nâng cao – Thay đổi để thích nghi, dự kiến diễn ra từ ngày 4 – 10.8 và Học kỳ quân đội nâng cao – Tinh thần đồng đội (dự kiến từ ngày 2 – 9.8).

THUÝ HẰNG

TNO