23/12/2024

‘Nhồi’ học sinh vì áp lực phải có trường chuẩn quốc gia

‘Nhồi’ học sinh vì áp lực phải có trường chuẩn quốc gia

Chủ trương chuyển gần 600 học sinh (HS) của Trường tiểu học Hoàng Liệt (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) đã dừng lại vì bị phản ứng, để lại nhiều câu hỏi về cách làm khiên cưỡng để có trường chuẩn quốc gia của địa phương này.

 

 

Áp lực 80 – 85% trường đạt chuẩn quốc gia

Khi giải thích về việc bất ngờ yêu cầu chuyển gần 600 HS sang trường khác với mục tiêu để trường mình đạt yêu cầu về quy mô, sĩ số của chuẩn quốc gia, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Liệt, thông tin trong cuộc họp của UBND P.Hoàng Liệt với 3 trường tiểu học trên địa bàn phường về công tác tuyển sinh năm học 2022 – 2023 có đề cập tới mục tiêu nâng chuẩn quốc gia, trong đó đưa Trường tiểu học Hoàng Liệt vào danh sách nâng chuẩn trong năm tới.

'Nhồi' học sinh vì áp lực phải có trường chuẩn quốc gia - ảnh 1
Trường tiểu học Chu Văn An vốn đã rất quá tải HS, nhưng để phục vụ mục tiêu nâng trường chuẩn quốc gia của trường Hoàng Liệt mà suýt phải nhận thêm hàng trăm HS trong năm học 2022 – 2023   GIA CHÍNH

Trường tiểu học Hoàng Liệt và P.Hoàng Liệt đã đề xuất, tham mưu và xin ý kiến UBND Q.Hoàng Mai về vệc giảm sĩ số, chuyển bớt 597 HS từ tiểu học Hoàng Liệt sang tiểu học Chu Văn An để giảm sĩ số của lớp học, đạt chỉ tiêu 35 HS/lớp như quy định tối thiểu đối với trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia của Bộ GD-ĐT.

Cũng theo bà Hạnh, lộ trình lên chuẩn quốc gia không phải bây giờ mới có, mà kéo dài trong vòng 5 năm và 2022 là năm cuối của lộ trình 5 năm ấy.

Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT Q.Hoàng Mai, để đạt chỉ tiêu do TP.Hà Nội giao mỗi quận phải có 80 – 85% trường công lập đạt chuẩn quốc gia trong giai đoạn 2021 – 2025, trong khi hiện nay Q.Hà Đông mới đạt 67%, một trong những mục tiêu được giao của giáo dục Q.Hoàng Mai trong năm 2022 là công nhận mới 2 trường tiểu học gồm Hoàng Liệt và Linh Đàm đạt chuẩn quốc gia.

Hướng dẫn tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 năm học 2022 – 2023 ngày 18.4 vừa qua, UBND quận này đã có Công văn số 803 chỉ đạo UBND các phường phối hợp tổ chức họp với các trường trên địa bàn và thống thất đề xuất phân tuyến khu vực tuyển sinh và số lượng tuyển sinh đối với từng trường.

Theo phân tuyến và lộ trình này của UBND P.Hoàng Liệt, để Trường tiểu học Hoàng Liệt đạt chuẩn trong năm nay, cần phân bổ bớt số HS ở các lớp, giảm sĩ số lớp học theo quy định của Bộ GD-ĐT là 35 HS/lớpvà không quá 30 lớp/trường. UBND P.Hoàng Liệt cho biết đã họp và thống nhất giảm bớt số HS từ tiểu học Hoàng Liệt sang Trường tiểu học Chu Văn An.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Quý Thái, Phó chủ tịch UBND Q.Hoàng Mai, cho rằng việc trường lên chuẩn quốc gia là mục đích, mục tiêu rất tốt, nhưng không thể nóng vội, phải có lộ trình rõ ràng. Quận đã yêu cầu nhà trường tổ chức họp, đối thoại và lắng nghe ý kiến của phụ huynh HS, trên cơ sở đó mới đưa ra các thông báo, quyết định chính thức.

Tuy nhiên, sau cuộc họp thống nhất với các trường tiểu học trên địa bàn phường, lãnh đạo Trường tiểu học Hoàng Liệt đã không kịp thời thông báo, tổ chức họp bàn trao đổi lại với phụ huynh về vấn đề phân tuyến, mà trực tiếp đề xuất lên UBND Q.Hoàng Mai. Trong khi đợi quyết định được phê duyệt từ phía UBND quận, nhà trường đã dán thông báo ở cổng trường về việc giảm bớt sĩ số và mục tiêu nâng chuẩn của nhà trường, yêu cầu phụ huynh thực hiện từ ngày 1.7, khiến họ bất ngờ và bức xúc.

 

Quá tải vẫn bị nhồi nhét

Không chỉ phụ huynh có con ở diện “dọa” bị chuyển đi của Trường tiểu học Hoàng Liệt bức xúc mà ngay cả phụ huynh Trường tiểu học Chu Văn An, nơi dự kiến phải tiếp nhận gần 600 HS chuyển đến, cũng “không hiểu ra làm sao”.

Một bà mẹ có con học lớp 3 ở Trường tiểu học Chu Văn An cho biết trường này hiện có sĩ số lớn nhất trong các trường ở Hà Nội, lớp học nào cũng hơn 60 HS/lớp. Số lớp học lớn hơn so với số phòng học nhà trường có nên mấy năm nay HS phải đi học, nghỉ học luân phiên. Nhiều lớp phải nghỉ học vào 1 ngày trong tuần và đi học bù vào thứ 7 để có đủ phòng học. “Vậy không hiểu sao cấp trên còn đưa thêm hơn chục lớp từ trường khác sang, và nếu thế thì HS trường này chen chúc tới đâu nữa”?, vị phụ huynh này bất bình.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, lẽ ra phải xây thêm trường mới để giảm tải cho cả 3 trường thì chính quyền lại chọn cách làm là đẩy HS sang 1 trường vốn đã cực kỳ quá tải chỉ với mục tiêu để trường còn lại đạt chuẩn quốc gia, mà không tính đến thầy trò ở trường phải tiếp nhận thêm hàng trăm HS kia sẽ khổ sở ra sao.

Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc tại sao lại chuyển HS Trường tiểu học Hoàng Liệt sang Trường tiểu học Chu Văn An, trong khi trường này cũng đang rất quá tải, ông Thái cho rằng, Trường tiểu học Chu Văn An có cơ sở vật chất rộng hơn, số phòng học nhiều hơn.

Tuy nhiên, ông Thái cũng phân trần: P.Hoàng Liệt cũng là phường chịu áp lực tăng dân số cơ học do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, nên dù có tới 3 trường tiểu học công lập (quy định mỗi phường, xã có tối thiểu 1 trường tiểu học), nhưng cả 3 trường đều quá tải. “Tôi nghĩ Hà Nội không có phường xã nào có tới 3 trường tiểu học công lập mà vẫn không đủ chỗ học như P.Hoàng Liệt”, ông Thái nói.

Hiện P.Hoàng Liệt có tới 10 vạn dân, gần 80 tòa chung cư. Với khoảng 8.000 HS tiểu học, để đáp ứng quy định của Bộ GD-ĐT thì P.Hoàng Liệt phải có 7 trường tiểu học thay vì 3 trường như hiện nay. Vì vậy, theo ông Thái, trong giai đoạn 2021 – 2025, UBND quận tiếp tục giao UBND P.Hoàng Liệt rà soát về đất trên địa bàn phường, đề xuất xây dựng thêm trường lớp. Trên cơ sở đó sẽ tiến tới xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia.

TUỆ NGUYỄN

TNO