23/11/2024

Khi nào cần đến phòng cấp cứu vì đường huyết quá cao?

Khi nào cần đến phòng cấp cứu vì đường huyết quá cao?

Đường huyết tăng quá cao có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng. Trong trường hợp bị nhiễm toan ceton do tiểu đường, bệnh nhân tiểu đường cần phải được cấp cứu càng sớm càng tốt.

 

 

 

Người bị tiểu đường cần đến phòng cấp cứu nếu lượng đường trong máu cao từ 240 miligam/decilít (mg/dL) trở lên và có nồng độ cao ceton trong nước tiểu, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).

Khi nào cần đến phòng cấp cứu vì đường huyết quá cao? - ảnh 1
Người bệnh cần phải được cấp cứu ngay lập tức nếu bị nhiễm toan ceton do tiểu đường SHUTTERSTOCK

Ở bệnh nhân tiểu đường, tuyến tụy không sản xuất ra insulin, loại hoóc môn giúp tế bào hấp thụ đường. Để có năng lượng hoạt động, cơ thể sẽ chuyển hóa chất béo thành calo. Quá trình này sẽ sản sinh ra chất ceton, tích tụ trong máu và nước tiểu. Nếu nồng độ ceton quá cao sẽ gây nguy hiểm, khiến người bệnh bị trụy mạch, tụt kali máu, sốc, hôn mê, thậm chí tử vong.

Các triệu chứng thường gặp của nhiễm toan ceton do tiểu đường là mệt mỏi, nôn ói, đau bụng, sụt cân, da khô, nhịp tim yếu và nhanh, hạ huyết áp, thở dốc, sốt quá 24 giờ, hơi thở có mùi thơm trái cây, mặt đỏ bừng và một số triệu chứng khác.

Khi bệnh nhân tiểu đường có các triệu chứng này, người nhà phải lập tức đưa đến bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ sẽ can thiệp để hạ đường huyết và ngăn ngừa những hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, người bị tiểu đường cũng cần đến gặp bác sĩ nếu lượng đường trong máu quá cao ngay cả khi đã uống thuốc, nhất là vượt mức 240 mg/dL. Người bệnh không thể duy trì chế độ ăn kiêng và khiến đường huyết tăng, không yên tâm với các triệu chứng của mình thì cũng cần đến gặp bác sĩ để trao đổi.

Khi nào cần đến phòng cấp cứu vì đường huyết quá cao? - ảnh 2
Tập thể dục là cách tự nhiên và đóng vai trò quan trọng giúp giảm đường huyết SHUTTERSTOCK

Để ngăn đường huyết tăng cao, người bệnh cần có chế độ ăn lành mạnh, giảm căng thẳng, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ nếu cần thiết và tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục là cách tự nhiên và đóng vai trò quan trọng giúp giảm đường huyết.

Vì khi vận động, cơ bắp sẽ đốt đường glucose trong máu để tạo năng lượng và giúp cơ thể phản ứng tốt hơn với insulin. Nhiều bằng chứng nghiên cứu cho thấy tập thể dục cường độ vừa phải có thể giúp giảm đường huyết thậm chí đến 1 ngày sau đó.

Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường cần tránh một số bài tập cường độ cao vì chúng có thể khiến cơ thể giải phóng hoóc môn căng thẳng. Các hoóc môn này kích thích gan phóng thích đường glucose vào máu, từ đó làm tăng đường huyết. Vì vậy, bệnh nhân tiểu đường cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện các bài tập cường độ cao như chạy nước rút hay nâng tạ, theo Medical News Today.

NGỌC QUÝ

TNO