Vắc xin COVID-19: Từ nước giàu đến nước nghèo đều liên tiếp tiêu huỷ

Vắc xin COVID-19: Từ nước giàu đến nước nghèo đều liên tiếp tiêu huỷ

Hơn 1 năm qua, việc phủ rộng vắc xin COVID-19 đã giúp nhiều quốc gia sớm phục hồi kinh tế. Tuy vậy, với việc dư thừa số lượng vắc xin, nhiều quốc gia đã buộc phải tiêu huỷ dẫu cho trước đó nhu cầu vắc xin là rất lớn.

 

 

Vắc xin COVID-19: Từ nước giàu đến nước nghèo đều liên tiếp tiêu hủy - Ảnh 1.

Hinh ảnh vắc xin COVID-19 – Ảnh: BIOWORLD

Quay lại thời điểm năm 2020 – 2021, COVID-19 đã khiến hàng triệu sinh mạng bị cướp đi, đồng thời làm nền kinh tế toàn cầu tê liệt. Điều này đã khiến các quốc gia phải tăng cường một cuộc đua về vắc xin nhằm giúp nền kinh tế của chính mình sớm phục hồi.

Nhu cầu về vắc xin ở thời điểm đó là rất lớn, khi chính phủ của các nước đã liên tiếp nhập về hàng tỉ liều vắc xin cho quốc gia của mình. Nếu chỉ tính đến thời điểm tháng 5-2021, các nước có thu nhập cao đã mua số lượng vắc xin “vượt mức cần thiết” dành cho người dân của mình, theo báo cáo của ONE Campage.

Số lượng lớn vắc xin được mua bởi những nước có thu nhập cao đã khiến phần còn lại của thế giới gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vắc xin (đặc biệt là các nước nghèo). Đây cũng chính là sự bất bình đẳng giữa các quốc gia đối với vấn đề tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, dẫu cho tất cả đều có chung “nhu cầu lớn” về vắc xin ở thời điểm đó.

Tuy vậy, một nghịch lý đã diễn ra ở thời điểm hiện tại, khi “lượng vắc xin giờ đây đã có và có ở cả những nước nghèo, song thay vì được sử dụng chúng lại được đem đi tiêu hủy”.

Nguyên nhân chính cho việc này xuất phát từ sự hoài nghi của người dân đối với vắc xin ngừa COVID-19, khiến nguồn cầu bị hạn chế so với nguồn cung. Từ đó khiến thuốc bị dư thừa và tiêu hủy vì hết hạn, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay.

Trên thực tế, Mỹ đã phải hủy đi 400 triệu liều vắc xin kém chất lượng hoặc hết hạn tại bang Maryland. Trong khi đó, Thụy Sĩ hôm 27-5 đã hủy hơn 620.000 liều vắc xin. Tương tự vậy, 10.000 và 73.000 liều vắc xin cũng đã bị vứt bỏ lần lượt bởi Hà Lan và Ba Lan, bên cạnh đó là trường hợp của nhiều quốc gia khác.

Tình trạng vứt bỏ vắc xin thậm chí đã diễn ra tại các quốc gia nghèo, vốn có nhu cầu tiêm chủng cao, từ tận thời điểm năm 2021 cho đến nay. Trong đó, 1 triệu liều vắc xin đã bị Nigeria hủy bỏ vào tháng 12-2021, tương tự 300.000 liều của Namibia cũng đã bị tiêu hủy.

Dẫu nhu cầu tiêm chủng tại các quốc gia nghèo còn rất cao, song với việc thiếu điều kiện bảo quản vắc xin cũng như thời gian từ khi được vận chuyển đến những nước này sử dụng còn quá ít đã khiến số thuốc bị tiêu hủy dù vẫn chưa được sử dụng, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho biết.

Cũng theo UNICEF, thời điểm tháng 1 của năm 2022, những nước nghèo thuộc châu Phi cũng đã từ chối hơn 100 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 vì hạn sử dụng còn quá ngắn.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) tại châu Phi, ông John Nkengasong cho biết: “Giới chuyên gia cần tổ chức những cuộc họp nhằm tìm cách nâng cao nhu cầu tiêm ngừa vắc xin COVID-19 trong thời gian tới”.

Hiện mới chỉ khoảng 46% dân số của 92 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp được tiêm mũi 1, đây là con số ít hơn nhiều nếu so với 60% dân số toàn cầu.

HOÀI NHÂN
TTO