23/12/2024

Chúa nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, 2022: Người “đầu bếp” Thánh Thể

Chúa nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô

Người “đầu bếp” Thánh Thể

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Hôm nay, Giáo Hội long trọng mừng lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô và mời gọi chúng ta rước lễ mỗi khi tham dự thánh lễ. Tuy nhiên, Đức Giêsu Kitô không chỉ muốn ta tham dự bữa tiệc như những thực khách, nhưng còn đòi hỏi ta thành người đầu bếp để dọn nên bữa tiệc vô cùng cao cả là Mình Máu Thánh Chúa cho con người. Vì thế, ta cùng tìm hiểu quy trình thực hiện để làm cho bữa tiệc thật sự đem lại sức sống kỳ diệu cho trần thế.

1. Người dọn tiệc Thánh Thể

Nhiều người chúng ta đã từng dự tiệc, ăn nhiều món ngon. Món ăn càng bổ dưỡng, ngon lành, quý báu bao nhiêu, ta càng phải tuân thủ quy trình thực hiện nó một cách chính xác bấy nhiêu. Ta phải chuẩn bị vật liệu cho thật đầy đủ, nêm nếm gia vị cho đúng liều lượng, nấu nướng làm sao cho vừa lửa, bày biện thế nào cho bắt mắt, ăn uống theo thứ tự nào cho thích hợp….

Bữa tiệc Thánh Thể cũng tương tự như vậy và còn cao quý gấp bội, vì không phải chỉ đem lại niềm vui, bổ dưỡng, sự sống cho người đón nhận trong chốc lát, mà còn mang lại sự sống thần linh vĩnh hằng ngay trong trần thế này. Vì vậy, ta phải theo đúng quy trình đã được Đức Giêsu thực hiện trong bữa tiệc đầu tiên ở Phòng Tiệc Ly và được chuẩn bị trước trong phép lạ hoá bánh ra nhiều trong bài Phúc Âm hôm nay (x. Lc  9,11-17).

Chúng ta đã từng rước lễ, đã đến bàn tiệc Thánh Thể này hằng ngày hay hằng tuần, nhưng nhiều khi ta không cảm nghiệm được sự sống thần linh do Chúa chuyển thông, cũng không phát huy được sự sống kỳ diệu ấy cho mình và cho người khác. Các bài Kinh Thánh hôm nay như gợi ý cho ta nhìn lại thái độ của mình để xứng đáng trở thành người dọn tiệc thần linh cho nhân loại như Chúa Giêsu và cùng với Chúa Giêsu.

Không ít tín hữu đến bàn Tiệc Thánh như 1 thực khách thay vì là đầu bếp. Họ cho rằng Chúa dọn sẵn tiệc rồi, chỉ cần đến dự với ít tiền trong túi để đóng góp cho nhà thờ, xứ đạo là đủ. Bài đọc I (x. St 14,18-20) và phần Đáp Ca giới thiệu hình ảnh Menkisêđê, vua thành Salem, là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao, ám chỉ đến Chúa Giêsu và mỗi người chúng ta: “là tư tế tối cao theo phẩm hàm Menkisêđê” (x. Tv 110,1), vì chính Chúa Giêsu và chúng ta làm nên Tiệc Thánh, qua việc linh mục xức dầu thánh hiến ta khi ta được rửa tội.

Trong bài Phúc Âm, Chúa Giêsu “nói với đám đông về Nước Thiên Chúa và chữa lành những người cần chữa” (Lc 9,11). Sau đó Người làm phép lạ hoá bánh cá ra nhiều. Điều này như gợi ý để ta hiểu rằng lời rao giảng Tin Mừng và việc chữa lành bệnh tật, chỉ có thể thực hiện được bằng sức mạnh, tình yêu và quyền năng do tiệc Thánh Thể Chúa ban cho.

Chúa Giêsu đã làm phép lạ hoá bánh ra nhiều với tất cả những cử chỉ thực hiện trong bữa Tiệc Ly để mời gọi ta trở thành đầu bếp thật sự của Người. Người nói với chúng ta rằng: “Chính anh em hãy lo cho họ ăn” (Lc 9,13). “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Thánh Phaolô cũng nhắc nhở chúng ta lời Chúa Giêsu đã nói “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11,25-26).

2. Quy trình thực hiện tiệc Thánh Thể

Quy trình mà Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hiện trong bí tích Thánh Thể cần phải được tuân thủ một cách đặc biệt thì mới hình thành nên Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Quy trình đó gồm các việc chính sau đây:

– Nhận biết thực khách: Các tông đồ đã nhận ra đám đông đói khổ và xin Chúa Giêsu giải tán dân chúng nhưng Chúa yêu cầu: “Chính anh em hãy cho họ ăn”, dù các ông chỉ có 5 chiếc bánh và 2 con cá trước đám đông 5.000 người đàn ông, chưa kể những người khác. Làm sao có thể thực hiện bữa tiệc Thánh Thể nếu chúng ta không nhận ra một nhân loại đang đói khổ ? Rất nhiều người chúng ta đang quay lưng lại với anh chị em nghèo đói quanh mình. Ta đến dự Thánh lễ với tâm trạng thờ ơ, lãnh đạm vì ta không nhìn thấy họ và không nhận thức được nhiệm vụ phải lo cho họ. Ta cảm thấy mình bất lực vì chính cúng ta, dù ăn Thịt và uống máu Chúa, ta vẫn chưa phát huy được sức mạnh phi thường của lương thực đó trong mình.

– Chuẩn bị vật liệu: Vật liệu là những tấm bánh, con cá tượng trưng cho lao công, vất vả của con người. Trong bữa tiệc Thánh Thể đó là tấm bánh, giọt rượu, giọt nước tượng trưng cho tất cả cuộc sống với máu, mồ hôi, nước mắt đổ ra thường ngày để biến đổi thành Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu qua tác động thánh hoá của Chúa Thánh Thần. Nếu ta không góp gì cho Chúa, làm sao ta nhận được sự biến đổi kỳ diệu nơi bí tích Thánh Thể cho chính mình trước khi chia sẻ cho người khác? Nhiều người khi đi dự lễ, ngồi yên như những người khách đến ăn tiệc, chứ không đóng góp công sức làm nên bữa tiệc Thánh Thể này.

Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã viết tập sách nhỏ “Năm chiếc bánh và hai con cá“, kể lại câu chuyện ngài dâng lễ trong ngục tù Cộng Sản bằng 3 giọt rượu và 1 giọt nước trong lòng bàn tay mình, bởi vì không đủ rượu, không có chén lễ, không bàn thờ. Thánh lễ đó đã làm xúc động cả thế giới và gợi ý cho ta phải dâng chính mình với những đau thương, khốn khổ cho Chúa. “Vì thế, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1Cr 11,26).

– Ngước mắt lên trời: hành động dọn tiệc Thánh Thể là hành vi tôn thờ cao cả nhất dâng lên Chúa Cha vì Chúa Giêsu, Con Một Ngài, vừa là chủ tế vừa là hy lễ dâng trên bàn thờ thập giá và nay đang được Giáo Hội, thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu cũng là chính chúng ta, tiếp nối dâng trên bàn thờ. Vì thế mỗi tín hữu phải cảm nhận được vinh dự lớn lao khi tham dự công việc này qua thái độ chủ động, tích cực, chuẩn bị kỹ lưỡng, hiểu biết rõ ràng thay vì ăn mặc luộm thuộm, đi trễ về sớm, mở máy điện thoại, nói chuyện trong nhà thờ…

– Dâng lời chúc tụng: Chúng ta chúc tụng Thiên Chúa cùng với sự hiện diện của toàn thể triều thần thiên quốc, của những người đã khuất là cha mẹ, tổ tiên, bạn hữu của ta. Chúng ta tôn thờ Chúa qua những bài hát, câu kinh, cử chỉ… thay vì chỉ thụ động ngồi im nghe ca đoàn hát  hay nhìn lơ đãng như xem 1 màn văn nghệ không hấp dẫn. Lời ca tiếng hát ấy nối kết chúng ta lại với nhau và với Thiên Chúa. Nếu tất cả cùng hát, cùng đọc, ta sẽ thấy âm thanh cộng hưởng hoà trộn vào nhau để tạo nên niềm vui và hạnh phúc cho tất cả những ai tham dự và đánh động con tim của những ai chưa biết Chúa.

– Bẻ ra và trao cho môn đệ: Hành động bẻ ra gợi ý rằng dù Chúa Giêsu có quyền năng để nhân thừa những chiếc bánh nguyên vẹn nhưng Người lại bẻ ra. Tại sao Người lại vất vả, tốn công và mất thời gian như thế? Cứ để nguyên chiếc bánh trao cho người khác có phải đẹp hơn không! Bẻ ra là tinh thần chia sẻ của bữa tiệc Thánh Thể: nếu ta không chia sẻ, không bẻ tấm bánh cuộc đời của ta với những vui buồn, sướng khổ, thành công và thất bại, với của cải vật chất và tài năng tinh thần, ta không thể hoàn thành bữa tiệc vì chính Chúa Giêsu đã tự hiến và bẻ đôi con người mình trong cái chết trên thập giá, để chia sẻ thần tính của Người cho ta khi đón nhận nhân tính của ta cho Người.

– Thu nhặt bánh vụn: Thánh Thể là thực phẩm quý báu không thể phí phạm. Bỏ đi những đồ ăn thừa là xúc phạm đến người chủ tiệc là Thiên Chúa, coi thường vị đầu bếp là Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần phải dọn lòng xứng đáng để không làm hư Thánh Thể bằng việc rước lễ bất xứng. Khi không rước lễ thật được, ta có thể rước lễ thiêng liêng ở bất cứ đâu.

Lời kết

Hôm nay ôn lại vài điểm trong quy trình dọn Tiệc Thánh Thể, chúng ta muốn trở thành người mang lại niềm vui, bình an và sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa cho muôn loài như Chúa Giêsu. Cầu chúc anh chị em trở thành người đầu bếp tuyệt vời của Thánh Thể cho mọi người.

HKK